Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Chuyên đềHiệp định đã ký kếtCÁC NỘI DUNG CHÍNH LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG

CÁC NỘI DUNG CHÍNH LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG

TPP

1. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và vai trò đối với sự phát triển ngành của nông lâm thủy sản.

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, với sự tham gia của 12 Thành viên của cả 3 Châu Lục (Châu Á, Châu Mỹ và Châu Đại dương), bao quát hầu hết khu vực vành đai Thái Bình Dương gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Mười hai thành viên của Hiệp định TPP chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, chiếm khoảng 25% thương mại toàn cấu. Thương mại khu vực TPP chiếm khoảng 32% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2014, là thị trường xuất siêu có tốc độ tăng trưởng khá và ổn định trong nhiều năm gần đây. Trong đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai thị trưởng xuất khẩu quan trọng hàng đầu, đặc biệt là đối với nông lâm thủy sản Việt Nam. Các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định sẽ mở ra các cơ hội thị trường lớn hơn cho nông lâm thủy sản Việt Nam.

Ngoài ra, Hiệp định cũng thỏa thuận nhiều vấn đề khác có liên quan đến sự phát triển bền vững của nông lâm ngư nghiệp như khai thác hải sản, chống đánh bắt bất hợp pháp, khai thác động thực vật hoang dã trái phép.

Hiệp định cam kết một cơ chế thông thoáng hơn để mở cửa lĩnh vực đầu tư nói chung và đầu tư vào nông nghiệp nói riêng. Các Thành viên TPP cam kết không phân biệt đối xử, xóa bỏ hạn chế, rào cản và điều kiện đầu tư không phù hợp với thông lệ quốc tế; tạo thuận lợi hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thông thoáng, minh bạch hơn và có thể dự báo. TPP cũng cho phép cho phép nhà đầu tư nước ngoài được khởi kiện Chính phủ tại Trọng tài quốc tế theo quy tắc trọng tài khách quan, công bằng và minh bạch – đây là một cam kết nhằm đảm bảo đầu tư với tiêu chuẩn cao.

Chương Các biện pháp SPS của Hiệp định đưa ra các nguyên tắc chính nhằm tạo thuận lợi hơn cho thương mại gồm; cam kết chỉ áp dụng các biện pháp ở mức độ cần thiết và không phân biệt đối xử (NT), công nhận tương đương, công nhận các vùng không dịch bệnh, minh bạch hóa biện pháp, cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp, thuận lợi hóa quy trình kiểm tra, tham vấn kỹ thuật và tăng cường hợp tác giữa các Bên. Biện pháp SPS của Hiệp định áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của hiệp định TPP.

Chương Quy tắc xuất xứ hàng hóa giữ mức cam kết tương tự như các FTAs Việt Nam đã ký, một số sản phẩm (sản phẩm nhạy cảm đối với sản xuất hoặc nguồn lợi chung) có mức cam kết cao hơn các FTAs hiện có.

Chương Sở hữu trí tuệ của Hiệp định cũng đạt được một số thỏa thuận liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với nông hóa phẩm và thời hạn bảo hộ dữ liệu nông hóa phẩm. Về cơ bản, cam kết này tương đối phù hợp với các Thành viên TPP.

2. Các cam kết về Nông nghiệp

Ngoài các nguyên tắc chung áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa nêu ở phần trên, các thành viên TPP thống nhất thêm một số nguyên tắc áp dụng với hàng nông sản như sau:

2.1. Xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản

Các thành viên TPP cam kết xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Dây là một cam kết quan trọng, là mục tiêu đàm phán giữa các thành viên WTO hiện nay nhằm giảm bớt hàng rào bảo hộ nông sản ở một số thành viên phát triển như Hoa Kỳ, EU.

2.2. An ninh lương thực

WTO cho phép các thành viên áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực tạm thời nhằm mục đích bảo đảm an ninh lương thực khi trong nước thiếu thốn lương thực trầm trọng. Trong Hiệp định TPP, các thành viên cam kết sẽ thông báo cho nhau khi một thành viên áp dụng biện hạn chế xuất khẩu nhằm mục đích trên, đồng thời cam kết tiến hành tham vấn và trao đổi thông tin với các nước thành viên có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng lương thực liên quan. Cam kết này nhằm đảm bảo những nước chủ yếu phải nhập khẩu lương thực có điều kiện tham vấn, tìm giải pháp khắc phục khi nguồn nhập khẩu bị hạn chế.

2.3. Không áp dụng tự vệ đặc biệt

Mặc dù Hiệp định Nông nghiệp của WTO cho phép các thành viên áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt để bảo hộ nông sản trong những điều kiện nhất định, các thành viên TPP cam kết không áp dụng biện pháp này đối với hàng nông sản có xuất xứ từ khu vực TPP nhằm thúc đẩy thương mại trong khu vực.

2.4. Thương mại đối với sản phẩm biến đổi gen

Các thành viên TPP cam kết, khi luật pháp trong nước cho phép, phổ biến cho công chúng các hồ sơ cần thiết để đăng ký lưu hành trên thị trường các sản phẩm biến đổi gen, danh mục các sản phẩm biến đối gen đã được phép lưu hành trên thị trường, báo cáo và phương pháp đánh giá rủi ro là cơ sở cho việc cấp đăng ký lưu hành các sản phẩm này. Nước xuất khẩu sản phẩm thực vật chứa công nghệ biến đổi gen phải cung cấp cho nước nhập khẩu kết quả đánh giá rủi ro và phương pháp đánh giá đã tiến hành đối với sản phẩm đó nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự hiện diện cấp thấp (LLP) của các tổ hợp biến đổi gen (rDNA) chưa được công nhận. Các nước TPP cũng cam kết cho phép các nhà phát triển công nghệ nộp đơn đăng ký lưu hành trên thị trường các sản phẩm biến đổi gen và xem xét các đơn này nếu phù hợp với luật pháp của mỗi nước. Hiện nay, về cơ bản, cơ sở pháp lý trong nước đã phù hợp với cam kết này.

3. Kết quả cơ bản về Tiếp cận thị trường các nước Thành viên khác

Trong số mười một đối tác này, Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru là những nước lần đầu tiên Việt Nam đạt được thỏa thuận về thương mại tự do và có những bước cắt giảm thuế lớn. Nhật Bản là đối tác Việt Nam đã từng có 2 thỏa thuận Đối tác kinh tế, cũng đạt được thỏa thuận thương mại tự do đối với nhiều dòng hàng hóa mà Việt Nam có lợi ích xuất khẩu, cải thiện lớn so với 2 Hiệp định Đối tác kinh tế trước đây. Australia, New Zealand và Malaysia, Singapore, Brunei là những đối tác Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand và Hiệp định ATIGA.

Với Hoa Kỳ và Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận tiếp cận thị trường đáng kể với khoảng 98% và 99% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản; 92,68% và 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản; 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam.

Với Nhật Bản, mặc dù đồng ý để Nhật Bản loại trừ mặt hàng gạo khỏi cam kết, Việt Nam đã đạt được mức cải thiện đáng kể so với Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). So với VJEPA, Việt Nam cải thiện được trên 38% dòng hàng hóa, xóa bỏ thuế quan ngay đối với 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản; cải thiện hơn 64% dòng hàng hóa thủy sản, xóa bỏ thuế quan ngay đối với gần 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam; cải thiện khoảng 17% dòng gỗ, xóa bỏ thuế quan ngay đối với gần 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ vào Nhật Bản.

4. Các cam kết về Mở cửa thị trường nông lâm thủy sản Việt Nam

Việt Nam áp dụng nguyên tắc một bản chào đa phương cho 11 Thành viên còn lại của TPP. Trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, Việt Nam cam kết đưa khoảng hơn 98,3% mặt hàng vào lộ trình cam kết xóa bỏ thuế quan với các lộ trình từ xóa bỏ ngay, từ năm thứ 3, từ năm thứ 8, năm thứ 11 đến năm thứ 12 hoặc năm thứ 13 tùy sản phẩm.

Việt Nam giữ được lộ trình xóa bỏ tương đối dài với hai nhóm hàng nhạy cảm là thịt lợn và thịt gà mặc dù Việt Nam đã có cam kết mở cửa tại các Hiệp định tự do ASEAN và ASEAN+; đồng thời duy trì mức bảo hộ đối với 3 trong 4 nhóm mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan tại WTO có cải thiện về ưu đãi thuế suất là đường, trứng, muối; riêng lá thuốc lá mở cửa hơn so với WTO.

5. Các cam kết về Quy tắc xuất xứ mặt hàng

Về cơ bản cam kết gồm hai phần: Phần 1 là Quy tắc xuất xứ chung; Phần 2 là Các thủ tục liên quan đến xuất xứ như chứng nhận xuất xứ, xác minh xuất xứ vàm Các Phụ lục đi kèm gồm: Phụ lục 3-A: Các hình thức chứng nhận xuất xứ khác, Phụ lục 3-B: Yêu cầu thông tin tối thiểu, Phụ lục 3-C: Loại trừ áp dụng De Minimis, Phụ lục 3-D: Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng (gọi tắt là PSR): Phụ lục liệt kê quy tắc xuất xứ cụ thể toàn bộ các mặt hàng của 97 Chương theo Hệ thống mã số HS ở cấp 6 số, với khoảng hơn 5000 mặt hàng;…và một số Phụ lục quy định các nội dung khác.

6. Hiệp định TPP trong tổng quan các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký

Hiệp định TPP So với các FTA Việt Nam đã ký kết thì có số điểm cần lưu ý như sau:

6.1. Về quy tắc xuất xứ

- Quy tắc bộ hàng hóa: áp dụng cho bộ hàng hóa phân loại theo Quy tắc 3 (c) của Quy tắc chung của diễn giải của Hệ thống hài hòa với linh hoạt cho phép hàng hóa không có xuất xứ trong bộ chiếm 10% trị giá của bộ hàng hóa.

- Linh hoạt sử dụng giá FOB thay cho giá CIF khi tính trị giá nguyên vật liệu không có xuất xứ trong cách tính gián tiếp khi tính hàm lượng giá trị khu vực (RVC) giúp doanh nghiệp dễ đạt RVC hơn.

- Cách tính RVC: ngoài cách tính trực tiếp và gián tiếp, doanh nghiệp có thêm cách tính trị giá tập trung (có thêm linh hoạt nhất định) và cách tính theo chi phí tịnh (chỉ áp dụng đối với ô tô và phụ tùng ô tô).

- Loại trừ áp dụng De Minimis với một số nguyên phụ liệu sử dụng để sản xuất mặt hàng bơ sữa, mặt hàng có chứa bơ sữa, một số loại nước ép hoa quả , một số loại dầu ăn.

6.2. Về thủ tục chứng nhận xuất xứ

- Cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ.

- Do tự chứng nhận xuất xứ còn mới mẻ nên để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý từng bước tiếp cận với cơ chế mới, tận dụng lợi thế của FTA nên:

(i) Đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam và một số nước bảo lưu chỉ áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

(ii) Đối với hàng xuất khẩu, có thể áp dụng song song 2 hình thức sau trong thời gian tối đa là 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam: (a) cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống và (b) người xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ. Sau thời gian 10 năm này, sẽ áp dụng tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn như các nước.

6.3. Về quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng

- Đối với nhóm mặt hàng nông lâm thủy sản:

(i) Đối với hàng thủy sản: cho phép sử dụng con giống nhập khẩu bên ngoài TPP

(ii) Quy tắc xuất xứ cho một số mặt hàng cụ thể như sau:

Cá ngừ: Cá ngừ là mặt hàng nhạy cảm với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Mê-xi-cô nên QTXX cá ngừ hướng đến kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng cá ngừ nguyên liệu bên ngoài TPP (Nhật Bản lo ngại về nguồn gốc cá ngừ đánh bắt có hợp pháp hay không; Hoa Kỳ lo ngại cá ngừ của nước thứ ba có cơ hội gia tăng thị phần trên thị trường Hoa Kỳ thông qua chế biến tại một nước TPP). QTXX cho cá ngừ đòi hỏi gần như xuất xứ thuần túy của TPP.

Tôm, cua: Tôm, cua chế biến được phép sử dụng nguyên liệu bên ngoài TPP.

Cà phê:

- Cà phê đã rang có linh hoạt nhất định, được sử dụng nguyên liệu cà phê chưa rang bên ngoài TPP tới 60% khối lượng nguyên liệu sử dụng để chế biến hàng hóa.

- Cà phê hòa tan được sử dụng nguyên liệu không hạn chế bên ngoài TPP

Chè: chè xanh chưa ủ men đóng gói sẵn trọng lượng không quá 3kg có thêm quy tắc linh hoạt hàm lượng giá trị khu vực 40%.

Hạt điều: mặt hàng xuất khẩu thế mạnh là điều đã bóc vỏ đạt được quy tắc linh hoạt cho phép sử dụng nguyên liệu bên ngoài TPP, tạo linh hoạt cho doanh nghiệp xuất khẩu điều của Việt Nam.

7. Các cam kết về SPS

Các bên khẳng định quyền và nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của WTO, không có bất kỳ điều khoản nào của Chương SPS trong Hiệp định TPP cản trở các nước trong việc áp dụng các biện pháp SPS để bảo vệ sức khỏe con người, hệ động vật và thực vật trên lãnh thổ của mình. Các thành viên tham gia TPP phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng và áp dụng các biệp pháp SPS theo qui định của Chương SPS/TPP, cụ thể:

- Áp dụng theo hướng tạo thuận lợi hóa cho thương mại gữa các bên, chỉ áp dụng ở mức độ cần thiết và không phân biệt đối sử.

- Các bên thừa nhận việc công nhận tương đương giữa các bên về một biện pháp SPS, một nhóm biện pháp SPS hay công nhận tương đương về hệ thống là phương thức để thúc đẩy thương mại giữa các bên, đi xa hơn sơ với Điều 4. Khi đã công nhận tương đương thi thương mại phải được bắt đầu và trong trường hợp không công nhận phì cũng phải có thông tin giải thích rõ ràng.

- Các bên thừa nhận việc công nhận vùng không có sâu hại hay dịch bện hoặc vùng sâu hại và dịch bệnh ở mức thấp.

- Đảm bảo các biện pháp SPS của mình được xây dựng dựa trên chứng cứ khoa học, các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế, dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro, và kinh nghiệm của bên thứ 3.

- Đảm bảo tính minh bạch trong quá trình xây dựng biện pháp SPS, tiếp thu ý kiến, thông qua và đưa vào áp dụng. Đảm bảo các bên có quan tâm kể các tổ chức, cá nhận đóng góp ý kiến theo qui định 60 ngày, và khi có yêu cầu có thể gia hạn thời gian góp ý. Đảm bảo thời gian để Bên xuất khẩu, nhà xuất khẩu có thời gian tích ứng và hiểu được các qui định SPS mới được thông qua mà họ cần phải tuân thủ, thời gian này ít nhất là 6 tháng kể từ khi ký ban hành đến khi có hiệu lực áp dụng.

- Các bên được phép áp dụng biện pháp khẩn cấp trong trường hợp có các mối nguy liên quan đến sức khỏe của con người, động vật và thực vật từ nước xuất khẩu. Biện pháp này có hiệu lực ngay, tuy nhiên trong vòng 6 tháng bên áp dụng biện pháp khẩn cấp phải xem xét, đánh giá việc áp dụng đó. Nếu tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp đó thì phải tiếp tục đánh giá cơ sở khoa học theo định kỳ.

- Chứng nhận - Các yêu cầu về SPS có thể được cung cấp thông qua nhiều cách khác ngoài giấy chứng nhận, tuy nhiên bên nhập khẩu phải đảm bảo các nội dung được yêu cầu. Các bên có thể hợp tác xây dựng mẫu Chứng nhận chung đối với hàng hóa thương mại giữa các bên dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và Chứng nhận điện tử nhằm thúc đẩy thương mại.

- Kiểm tra nhập khẩu tiến hành ngay không được trì hoãn và việc kiểm tra nhập khẩu là dựa trên các rủi ro liên quan đến sản phẩm nhập khẩu và khi có yêu cầu phải cung cấp đầy đủ thông tin về thủ tục nhập khẩu. Hiệp định cũng đưa ra các cơ sở cho việc xác định này.

Thanh tra an toàn thực phẩm có thể được các bên tiến hành dựa trên qui định về SPS của mình nhằm đảm bảo bên xuất khẩu đáp ứng được các mục tiêu về SPS của bên nhập khẩu. Bên nhập khẩu phải chịu mọi phí tổn trừ khi có sự thỏa thuận và thống nhất giữa hai bên.

- Cơ chế tham vấn kỹ thuật bắt buộc nhằm giải quyết nhanh các vấn đề vướng mắc về SPS trong thương mại khi mà việc giải quyết các vướng mắc theo các qui định và thủ tục hành chính hiện các bên đang áp dụng hoặc qua con đường song phương mà không giải quyết được, trước khi áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp đinh TPP. Hiệp định quy định rõ thời gian phải trả lời ý kiến tham vấn.

- Hợp tác – các bên tiếp tục tăng cường hợp tác và tạo thuận lợi trong việc thực thi các điều khoản của Chương SPS, hỗ trợ thúc đẩy thương mại và loại bỏ những trở ngại không cần thiết trong thương mại giữa các bên.

- Chương SPS áp dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định.

8. Các cam kết về Môi trường

Theo một báo cáo của Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO), sản lượng đánh bắt hải sản tự nhiên của toàn bộ khu vực Thái Bình Dương chiếm khoảng trên 40% sản lượng đánh bắt tự nhiên toàn thế giới. Trong khi đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, với sự tham gia của 12 Thành viên của cả 3 Châu Lục (Châu Á, Châu Mỹ và Châu Đại dương), bao quát hầu hết khu vực vành đai Thái Bình Dương được cho là tập hợp gồm các quốc gia tiêu thụ, sản xuất chủ yếu và chiếm vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế đối với hải sản. Bởi thế, các nội dung về trợ cấp đánh bắt tự nhiên, chống thương mại trái phép hải sản bị đánh bắt tự nhiên là một trong những nội dung gây nhiều bất đồng trong quá trình đàm phán và là một trong những nội dung quan trọng của Chương Môi trường – Hiệp định TPP. Tuy nhiên, do cùng thống nhất một quan điểm chung là hướng tới xây dựng một Hiệp định Thương mại tự do có trách nhiệm với các mối quan tâm chung và đảm bảo sự phát triển bền vững, đồng thời dỡ bỏ các yếu tố phi công bằng, bóp méo thương mại hải sản trong khu vực và trên thế giới, các nước TPP đã đưa ra các cam kết quan trọng như sau:

- Xóa bỏ trợ cấp cho hoạt động đánh bắt mà hoạt động đó được xác định là gây ra tác động xấu tới nguồn lợi hải sản đã trong tình trạng bị đánh bắt quá mức; Và xóa bỏ mọi hình thức trợ cấp cho các tàu đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo.

- Cam kết minh bạch hóa mọi chính sách và dữ liệu có liên quan đến các chương trình trợ cấp đánh bắt.

- Cam kết thực hiện các biện pháp quốc gia cảng biển và quốc gia tàu treo cờ cũng như các kế hoạch hành động chống đánh bắt bất hợp pháp của các tổ chức nghề cá khu vực và quốc tế nhằm ứng phó và giải quyết vấn nạn đánh bắt bất hợp pháp và hành vi thương mại các sản phẩm đó.

Để thực thi các cam kết liên quan đến xóa bỏ trợ cấp như nêu ở mục 1, các nước có thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với từng Bên để hài hòa hóa mọi chính sách liên quan. Riêng Việt Nam sẽ được gia hạn thêm 2 năm nếu có cơ sở thể hiện sự cần thiết phải có thêm thời gian chuyển tiếp.

Nối tiếp tinh thần chia sẻ trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững, các nước TPP cũng đạt được thảo thuận tiêu chuẩn cao về các vấn đến liên quan đến bảo tồn và thương mại động thực vật bị khai thác trái phép. Sự bao trùm về địa lý của chính Hiệp định này cùng với các đặc thù về vị trí địa lý của các Thành viên cũng khiến cho khả năng xử lý vấn đề bảo tồn động thực vật hoang dã có liên quan đến thương mại trở thành một trong những mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Quá trình đàm phán về nội dung này đã đạt được những kết quả mang tính tiêu chuẩn cao như sau:

- Cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên thực thi đầy đủ các cam kết tại Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ (CITES),

- Tăng cường hợp tác giữa các nước TPP với nhau và trong các khuôn khổ hợp tác khác để chống lại tình trạng buôn bán động thực vật hoang dã bị khai thác trái phép.

- Cam kết triển khai các chương trình bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên.

- Các nước cũng tiến xa hơn nữa trong cam kết ngăn chặn hành vi khai thác trái phép hoặc thương mại động thực vật bị khai thác trái phép chứ không chỉ dừng trong phạm vi của các loài có nguy cơ. Mở rộng phạm vi trách nhiệm với cộng đồng quốc tế bằng việc cho phép sử dụng luật môi trường của các vùng lãnh thổ khác ngoài khu vực TPP, nơi diễn ra hoạt động khai thác làm cơ sở tham chiếu, xác định tính bất hợp pháp của hành vi buôn bán động thực vật hoang dã.

- Cam kết cũng công nhận các quốc gia Thành viên có toàn quyền trong việc xác định mức độ đáng tin cậy của các bằng chứng, toàn quyền trong việc xác định biện pháp phù hợp để ngăn chặn các các hành vi khai thác trái phép và hành vi buôn bán động thực vật hoang dã trái phép đó, trên cơ sở pháp luật trong nước.

Mặc dù là một trong số những thành viên cuối cùng thông qua kết quả đàm phán của cấp kỹ thuật, Việt Nam, với những nỗ lực thực hiện cam kết và vai trò trong các nỗ lực quốc tế trong nhiều năm qua. Việt Nam tin tưởng rằng với môi trường pháp lý tiến bộ hiện nay, cùng với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết là điều kiện, hoàn cảnh tốt để Việt Nam thực thi các cam kết tiêu chuẩn cao của Hiệp định.

9. Cơ hội, thách thức và giải pháp của ngành nông nghiệp Việt Nam

Ngoài những cơ hội có thể nhìn thấy ngay dựa trên dữ liệu thương mại và các cơ hội có thể định lượng, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định có những cơ hội sau:

- Mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể;

- Tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Tạo động lực và sức ép cho doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất trong nước theo hướng giảm xuất khẩu nguyên liệu và sơ chế, đầu tư phát triển chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, tăng cường xuất khẩu sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.

- Tăng cường cơ hội tiếp cận vốn và khoa học công nghệ thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

- Tăng cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động.

- Nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động.

- Tạo động lực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế và môi trường chính sách; thúc đẩy tính minh bạch của môi trường chính sách.

Bên cạnh đó, cơ hội cũng luôn luôn đi kèm với thách thức. Việc xác định rõ các thách thức là cần thiết để đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong quá trình hội nhập, các thách thức được xác định cơ bản như sau:

- Hạn chế về năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp.

- Thiếu thông tin, nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường thế giới, thị trường nhập khẩu và thị trường trong nước.

- Thiếu vốn và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật thông minh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh.

- Hạn chế về trình độ lao động và nguồn nhân lực.

- Hạn chế trong việc vận dụng công cụ hữu ích trong thương mại quốc tế nhằm tái lập công bằng thương mại và giải quyết tranh chấp.

- Môi trường chính sách chưa hoàn thiện đầy đủ; chưa được thực hiện đồng bộ và thiếu biện pháp chế tài, tồn tại hạn chế trong thực thi quy định.

- Môi trường chính sách chưa hoàn thiện đầy đủ; chưa được thực hiện đồng bộ và thiếu biện pháp chế tài, tồn tại hạn chế trong thực thi quy định.

Để tận dụng triệt để cơ hội mà Hiệp định TPP mang lại, giảm thiểu tác động của các thách thức đã và đang phải đối mặt trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định các nhóm giải pháp chính như sau:

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông lâm thủy sản và Hiệp hội ngành hàng / Doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

- Tăng cường nhân lực; nâng cao năng suất lao động; phát triển lực lượng lao động tiên tiến phục vụ cho ngành.

- Đẩy nhanh quá tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Khẩn trương hoàn thiện môi trường chính sách; nâng cao năng lực thực thi pháp luật và các quy định khác.

- Nâng cao năng lực phân tích và dự báo thị trường.

- Nâng cao khả năng vận dụng cam kết và các biện pháp được áp dụng trong các FTAs.

Tải file đính kèm tại đây : Tuyen_truyen_-_TPP_-_Thue-1.pdf

Nguồn : TTWTO-NT Tổng hợp từ tài liệu tuyên truyền về Hiệp định TPP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Từ khóa : Các nội dung chính, liên quan đến, lĩnh vực, nông lâm ngư nghiệp, trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Chuyên mục RCEP

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007392465
Go to top