Theo dự báo thường niên năm 2023 của Viện Kinh tế Mastercard, sự phát triển chung của thị trường và hành vi chi tiêu của người tiêu dùng chịu tác động rõ rệt từ đà suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.
Hành vi chi tiêu của người tiêu dùng tại nhiều thị trường đã thay đổi do những tác động rõ ràng của lạm phát và gia tăng lãi suất... Thông tin được đưa ra từ Báo cáo “Triển vọng Kinh tế 2023” mà Mastercard vừa công bố.
Theo đó, Báo cáo “Triển vọng Kinh tế 2023” khẳng định, nền kinh tế toàn cầu đa tốc độ mang đến những tác động rõ rệt của lạm phát và gia tăng lãi suất đối với một số thị trường.
Trong đó, trải nghiệm tiếp tục được đề cao hơn mua sắm, bởi nhu cầu du lịch bị kìm hãm trước đó, song song với những ưu tiên thay đổi không ngừng của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cân nhắc hơn khi mua sắm
Theo Mastercard, Báo cáo “Triển vọng Kinh tế 2023” được xây dựng dựa trên hai nguồn dữ liệu công khai và độc quyền kết hợp cùng các mô hình đánh giá các hoạt động kinh tế khác. Báo cáo tập trung vào bốn chủ đề sẽ tiếp tục định hình môi trường kinh tế thế giới, bao gồm: lãi suất và giá nhà ở tăng cao, mức giao dịch giảm sút đi kèm thói quen cân nhắc khi mua sắm, yếu tố giá cả và lựa chọn ưu tiên, những cú sốc kinh tế và hình thức đa kênh.
Trong đó, sau nhiều năm diễn ra cơn sốt nhà ở, lãi suất cao hơn được dự đoán sẽ siết chặt các chi phí sinh hoạt, thay đổi hành vi chi tiêu của người tiêu dùng nói chung. Tại các quốc gia phát triển, các chi tiêu liên quan tới nhà ở được dự kiến sẽ giảm khoảng 4,5% xuyên suốt năm 2023, thấp hơn trước đại dịch. Đơn cử, tại Brazil, tỷ trọng chi tiêu liên quan đến nhà ở đã giảm 1,1 điểm phần trăm vào năm 2022 so với năm 2019. Hay tại Vương quốc Anh, tỷ trọng chi tiêu liên quan đến nhà ở đã giảm 1,4 điểm phần trăm vào năm 2022 so với năm 2019. Còn tại Nam Phi, tỷ trọng chi tiêu liên quan đến nhà ở cũng giảm 1 điểm phần trăm vào năm 2022 so với năm 2019. Với Thái Lan - "đại biểu" của Châu Á – Thái Bình Dương, tỷ trọng chi tiêu liên quan đến nhà ở đã giảm 1,5 điểm phần trăm vào năm 2022 so với năm 2019. Điểm sáng "ngược chiều" về hành vi chi tiêu chính là khu vực Bắc Mỹ - nơi mua sắm cho tiêu dùng tăng bất chấp xu hướng chung.
Báo cáo này cũng dự đoán, những khoản chi tiêu thiết yếu vẫn giữ mức ổn định trong lạm phát, tuy nhiên người tiêu dùng sẽ hướng tới những thương hiệu có giá cả hợp lý và giá trị sử dụng cao.
Trong năm nay, tần suất mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng tạp hóa của người tiêu dùng toàn cầu tăng 31% so với năm 2019, trong khi mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua hàng trực tiếp giảm khoảng 9%. Hành vi chi tiêu này được cho là nhằm phần nào giảm lãng phí lương thực.
Tương tự ngân sách dành cho nhà ở, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn tăng bất chấp xu hướng chung. Với các quốc gia khác đại diện cho từng châu lục hoặc khu vực thì tình hình không được như vậy. Tại Mexico, tần suất mua sắm trực tiếp tại cửa hàng tạp hóa tăng 81,4% so với tháng 9/2019, nhưng mức chi tiêu cho mỗi lần mua sắm ít hơn 22%. Trong khi đó, tính đến tháng 9/2022 tại Đức, tần suất mua sắm trực tiếp tại cửa hàng tạp hóa tăng 23,1% so với tháng 9/2019 nhưng mức chi tiêu cho mỗi lần mua sắm ít hơn 14,5%.
Các khu vực và quốc gia khác ghi nhận kết quả tương tự về hành vi chi tiêu, khi mà tần suất mua sắm trực tiếp tăng so với trước dịch Covid-19, nhưng số tiền thì giảm khá nhiều. Trong đó, mức chi tiêu cho mỗi lần mua sắm tại các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất ít hơn 21,4%; còn mức chi tiêu cho mỗi lần mua sắm của người tiêu dùng Indonesia thì giảm nhẹ (3,1%) so với trước dịch.
Hành vi chi tiêu "phân hóa" mạnh mẽ theo mức thu nhập
Theo phân tích của Báo cáo, các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ chịu sức ép lớn khi giá thực phẩm và năng lượng chiếm tỉ trọng lớn hơn trong chi phí tiêu dùng. Từ năm 2019 đến năm 2022, các khoản chi tiêu không thiết yếu của các hộ có thu nhập cao đã tăng gần gấp đôi so với các hộ có thu nhập thấp. Tuy nhiên, lạm phát sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách này lại. Dự báo, áp lực lạm phát sẽ suy giảm vào năm tới, với tỷ lệ lạm phát trung bình của các nền kinh tế phát triển giảm từ 7,1% qua từng năm trong quý 4 năm 2022 xuống còn 3,1% qua từng năm trong quý 4 năm 2023.
Cụ thể, tại Mỹ, giai đoạn 2019 – 2022, các khoản chi tiêu không thiết yếu tăng 60,2% đối với nhóm chủ thẻ hạng sang và 24,6% đối với nhóm chủ thẻ thường, cách biệt 36 điểm phần trăm. Với Cộng hòa Dominica, giai đoạn 2019 – 2022, các khoản chi tiêu không thiết yếu tăng 138,9% đối với nhóm chủ thẻ hạng sang và 93,6% đối với nhóm chủ thẻ thường, cách biệt 45 điểm phần trăm.
Châu Âu cũng không "kém cạnh" khi mà tại Pháp, giai đoạn 2019 – 2022, các khoản chi tiêu không thiết yếu tăng 88,8% đối với nhóm chủ thẻ hạng sang và 45,7 đối với nhóm chủ thẻ thường, cách biệt 43 điểm phần trăm.
Nằm trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, giai đoạn 2019 – 2022, các khoản chi tiêu không thiết yếu của người tiêu dùng Việt Nam tăng "đột phá" 124,9% đối với nhóm chủ thẻ hạng sang và tăng 43,3% đối với nhóm chủ thẻ thường, cách biệt 82 điểm phần trăm.
Bên cạnh hành vi chi tiêu của người tiêu dùng, Báo cáo “Triển vọng Kinh tế 2023” cũng chỉ ra rằng: trước những cú sốc kinh tế, các doanh nghiệp hiện diện đa kênh sẽ có thể giữ ổn định hơn nhờ khả năng tiếp cận khách hàng tại bất cứ kênh mua sắm nào.
Theo phân tích, hiện diện đa kênh giúp tăng 6% doanh số bán hàng của ngành bán lẻ trong năm 2022. Trong giai đoạn giãn cách, các nhà hàng với quy mô lớn và nhỏ đã tránh được việc mất đi khoảng 31% doanh thu nhờ áp dụng hình thức hình thức đa kênh. Tương tự, các doanh nghiệp thời trang nhỏ áp dụng bán hàng đa kênh cũng tăng trưởng nhanh hơn 10% so với các thương hiệu chỉ bán hàng trực tuyến và 26% so với các thương hiệu chỉ bán tại cửa hàng.
Nguồn: Nhịp sống số
Từ khóa: người tiêu dùng, covid
Các tin khác
- COVID lây lan nhanh chóng, chuỗi cung ứng Trung Quốc lại rơi vào cảnh hỗn loạn - 19/12/2022
- Vì sao Trung Quốc điều chỉnh chiến lược chống Covid-19? - 13/12/2022
- Trung Quốc điều chỉnh chính sách chống dịch COVID-19 - 06/12/2022
- Nhiều lo ngại khi dịch COVID-19 bùng phát tại "đại công xưởng" Trung Quốc - 01/12/2022
- Tìm lời giải để chuỗi cung ứng ít bị ảnh hưởng do xáo trộn logistics toàn cầu - 16/09/2022