Hàng loạt ảnh hưởng như fịch COVID-19, cuộc khủng hoảng quân sự Nga - Ukraine đã làm xáo trộn logistics toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền knh tế trên thế giới. Do đó cần có giải pháp để tháo gỡ các "nút thắt" này, giúp giao thương tăng trưởng và tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội.
Đó là nội dung của hội thảo "Sự xáo trộn logistics toàn cầu và những ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng Việt Nam" do Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (Liên minh VISA) và Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tổ chức ngày 15/9 tại Bình Dương để lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài ngành logistics nhằm tháo gỡ những khó khăn về sự đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như tim giải pháp giảm chi phí logistics.
Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đang làm rung chuyển thế giới, tác động trực tiếp đến sự sụp đổ giao dịch thương mại của khu vực phía Đông tiếp giáp với Liên minh châu Âu, tác động gián tiếp đến nhu cầu hàng hoá thế giới, làm giá hàng hoá tăng cao, nguồn cung nguyên liệu thô và linh kiện đầu vào bị gián đoạn. Châu Âu, Mỹ và Nga cấm vận lẫn nhau càng làm giao dịch thương mại thêm phức tạp; trừng phạt kinh tế, chiến tranh thương mại tạo thêm các hàng rào vô hình ngăn cách thị trường. Điều này tác động gián tiếp đến nhu cầu hàng hoá thế giới, làm giá hàng hoá tăng cao, nguồn cung nguyên liệu thô và linh kiện đầu vào bị gián đoạn.
Tại Việt Nam, thống kê năm 2021, mặc dù trong "vòng xoáy" của đại dịch COVID-19 nhưng vốn FDI đổ vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn FDI thực hiện trong khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,3 tỷ USD, chiếm 72,5 % tổng vốn FDI thực hiện. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình trạng "kẹt cảng" ở Trung Quốc càng lúc càng trầm trọng, thời gian vận chuyển kéo dài, cước tăng khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics và cả doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn khi nguồn cung nguyên vật liệu, hàng hóa bị gián đoạn kèm theo rủi ro khi thời gian vận chuyển kéo dài, cước tăng làm đội giá thành.
Theo các diễn giả tại hội thảo, với việc chiếm tới hơn 20% GDP, lời giải để giúp chuỗi cung ứng Việt Nam ít bị ảnh hưởng của sự xáo trộn logistics toàn cầu còn giúp đáng kể vào quá trình giảm chi phí logistics cho nền kinh tế, từ đó tạo đà cho kinh tế tăng trưởng và ngày càng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn nữa.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, cần nâng cấp tương xứng và phù hợp với yêu cầu phát triển nhanh, hiện đại của dịch vụ logistics trên thế giới. Về hạ tầng hàng hải, các cảng nước sâu cho tàu container có sức chở lớn còn chưa đạt yêu cầu xuất nhập khẩu và cạnh tranh quốc tế đối với hàng trung chuyển so với các cảng trong khu vực ASEAN.
Tiếp đến cần kết nối các phương thức vận tải hiệu quả để phát huy tốt các nguồn lực về hạ tầng, con người, thị trường nội địa và khu vực. Đặc biệt vùng ĐBSCL là trung tâm sản xuất và xuất khẩu thủy sản, trái cây, lúa gạo lớn nhất nước nhưng ĐBSCL về lâu dài phải xây dựng một cảng nước sâu để tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng xuất khẩu. Tất cả hàng xuất khẩu hiện nay đều phải tập kết tại các Cảng ở TPHCM và Vũng Tàu.
Bên cạnh đó theo đại diện DN này cần có sự liên kết giữa DN logistics và DN XNK để các DN Việt cùng giành được quyền điều hành logistics, ít phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistictics Việt Nam cho biết, các DN nói riêng và ngành logistics nói chung đều mong muốn cơ sở hạ tầng trong khu vực được cải thiện và đẩy nhanh tốc độ phát triển theo kịp sự phát triển kinh tế trong khu vực, giúp hoạt động logistic được cải thiện và phát triển theo, góp phần giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất của DN tăng sức cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác.
Về giải pháp kéo giảm chi phí logistics, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa cho rằng cần các chính sách vĩ mô của Nhà nước, sự phối hợp giữa các ngành và địa phương cũng như ý thức và sự nỗ lực từ các DN. Đặc biệt, nhanh chóng rà soát các quy hoạch, kế hoạch đảm bảo tính đồng bộ kết nối của kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành logistics để phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cụ thể, muốn giúp chuỗi cung ứng ít bị ảnh hưởng do sự xáo trộn của logistics thế giới thì ngay trong nước cần phải cải tiến, đổi mới và đầu tư vào hệ thống giao thông vận tải từ đường thủy, bộ, hàng không; mạng lưới chuyển phát gồm kho bãi, kênh trung chuyển. Đồng thời, năng lực công nghệ để quản lý và vận hành chuỗi cung ứng; giảm khâu trung gian; tự động hoá việc luân chuyển hàng hoá đến nơi gần người mua nhất... Trong đó, phát triển hệ thống cảng biển được xem là một trong những giải pháp trọng điểm để giảm chi phí logistics từ đó giảm giá thành hàng hóa xuất khẩu. Đặc biệt, cần khuyến khích nhân rộng những mô hình đầu tư tốt và có những chính sách tốt cho những nhà đầu tư vào hệ thống cảng biển - một lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực lớn.
Về vấn đề này, một đại diện của Công ty Đầu tư TM XNK Tây Nam (đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản bằng đường bộ qua biên giới Việt - Trung) cho rằng chi phí logistics nội địa chiếm tỉ lệ quá cao trong giá thành sản phẩm. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu container rỗng, thiếu các cảng biển thuận tiện cho xuất khẩu hàng hóa... Vì vậy, để giải quyết bài toán trên thì song song với phát triển hệ thống giao thông, cần thúc đẩy phát triển hệ thống các cảng biển bằng nhiều mô hình khác nhau.
Ông Xu Shuguang, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Shanghai Minsheng Shipping cho rằng, các cảng tại TPHCM thường quá tải và xa các nhà máy sản xuất nông thủy sản tại ĐBSCL nên thời gian qua đã gây nhiều khó khăn cho chuỗi cung ứng và logistics của các DN. Từ đó tăng chi phí giá thành sản phẩm.
Ví dụ về giải pháp giảm chi phí logistics và khơi thông chuỗi cung ứng, ông Xu Shuguang cho biết, từ khi có Cảng Quốc tế Long An, Tập đoàn đa quốc gia Shanghai Minsheng đã chuyển 100% vận tải từ đường bộ sang vận tải đa phương thức (kết hợp sà lan thủy nội địa và đường bộ). Việc này đã tiết kiệm chi phí đáng kể. Không những vậy, việc hàng hóa lưu thông nhanh còn góp phần đảm bảo chất lượng và đẩy nhanh tiến độ giao hàng.
Đại diện Công ty Đầu tư TM XNK Tây Nam cũng cho biết nhờ có hệ thống kho lạnh tại Cảng quốc tế Long An, Công ty đã phối hợp với các hãng tàu đưa các container rỗng về cảng. Từ đó các nhà máy sản xuất nông thủy sản của Công ty có thể lấy các container này để đóng hàng và XK tại cảng. Quy trình nói trên đã tiết kiệm được chi phí vận tải và chạy lạnh bảo quản hàng, từ đó giảm đáng kể chi phí logistics cho Công ty.
Nguồn: Chính phủ
Từ khóa: logistics toàn cầu
Các tin khác
- COVID-19 làm gián đoạn xu hướng giảm nghèo lâu dài ở châu Á và Thái Bình Dương - 24/08/2022
- Kinh tế toàn cầu lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ khi Covid-19 xuất hiện - 18/08/2022
- Chiến tranh, COVID-19 và biến đổi khí hậu gây nạn đói ở Đông Nam Á - 15/08/2022
- Chuỗi cung ứng lại bị đe dọa bởi làn sóng đình công trong ngành kho vận - 27/07/2022
- WHO đưa ra cảnh báo mới về đại dịch COVID-19 - 08/07/2022