Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Hội nhập và phát triểnThu hút FDI trước bối cảnh mới

Thu hút FDI trước bối cảnh mới

fdi

Cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa các quốc gia thời kỳ hậu Covid-19 ngày càng gay gắt do nhiều yếu tố cùng đến trong bối cảnh mới. Đó là chính sách thay đổi (áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu), nguồn cung vốn đầu tư giảm trong khi nhu cầu thu hút vốn phục hồi kinh tế gia tăng, các lĩnh vực thu hút đầu tư có sự thay đổi rõ nét…

Bắt nhịp xu hướng mới

Trong Báo cáo đầu tư thế giới 2022, Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo, dòng vốn FDI toàn cầu năm 2022 sẽ theo chiều hướng đi xuống, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraina, giá năng lượng tăng cao và đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường.

Số liệu từ fDi Markets, chỉ số fDi theo dõi tâm lý nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài cũng cho thấy triển vọng dòng vốn đầu tư toàn cầu kém tích cực. Bên cạnh đó, “đầu tư mới tăng lên chủ yếu ở các lĩnh vực như phần mềm, tài chính và năng lượng tái tạo”, báo cáo của tổ chức này chỉ rõ.

Như vậy, xu hướng đầu tư mới của vốn FDI trên quy mô toàn cầu cho thấy dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất đang giảm dần. Thay vào đó, vốn FDI vào các lĩnh vực tài chính, công nghệ, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao hơn.

Diễn biến của vốn FDI tại Việt Nam cũng đang khá ăn khớp với những nhận định này. Theo số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cập nhật, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2022 đạt gần 16,78 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn nước ngoài sụt giảm chủ yếu do vốn đăng ký mới giảm 43,9% về số vốn; trong khi vốn đăng ký điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần đều tăng.

Hiện nay, việc dịch chuyển của các chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn và Việt Nam được hưởng lợi. Điều này thể hiện ở vốn đầu tư mở rộng liên tục tăng trưởng trong hai năm vừa qua, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. Ngay trong 8 tháng năm 2022, hàng loạt nhà sản xuất sản phẩm công nghệ đã công bố kế hoạch tăng vốn, mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể là Goertek - nhà sản xuất AirPod lớn nhất tại Việt Nam đã tăng vốn trên 500 triệu USD để mở rộng sản xuất ở Bắc Ninh và Nghệ An. Hay Foxconn dự kiến đầu tư thêm khoảng 300 triệu USD cho dự án mới tại KCN Quang Châu (Bắc Giang), để sản xuất iPad và MacBook.

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đã nhiều lần nhắc đến xu hướng các dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao tăng vốn với quy mô lớn, như các dự án của Samsung, LG, Goertek... cho thấy NĐT nước ngoài đã hiện diện tại Việt Nam đều rất tin tưởng vào tiềm năng và triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng ngoài xu hướng mở rộng sản xuất của các NĐT đã có mặt tại Việt Nam, thì khả năng thu hút các NĐT “mới toanh” trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đang chững lại rõ rệt. Đồng thời, các dự án trong lĩnh vực này chưa thu hút được công nghệ cao, công nghệ nguồn và còn tình trạng dễ dãi trong việc chấp nhận các dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả về tăng trưởng…

Bên cạnh đó, cũng giống như nhận định của fDi Markets, các dự án mới có quy mô lớn tại Việt Nam trong mấy năm trở lại đây đều thuộc lĩnh vực hạ tầng năng lượng, chẳng hạn năm 2021 có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II, vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD; Nhiệt điện Ô Môn II, vốn đầu tư 1,3 tỷ USD... Trong khi đó, 8 tháng 2022, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chỉ chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư của 8 tháng.

Cần những bước đi bài bản

Trong khi xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI toàn cầu có sự thay đổi, thì các mục tiêu thu hút FDI thế hệ mới mà Việt Nam đặt ra cũng rất tham vọng. Tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đã đặt ra ba mục tiêu: nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực (châu Á, châu Âu và châu Mỹ) trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài lên hơn 70% giai đoạn 2021-2025 và 75% giai đoạn 2026-2030; tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại Việt Nam; đến năm 2030 nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN và nhóm 60 quốc gia đứng đầu thế giới theo xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Cùng lúc đó, việc dự kiến thực hiện quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2023 sẽ khiến các nước đang phát triển như Việt Nam gặp nhiều hạn chế khi sử dụng các ưu đãi thuế để thu hút đầu tư. Theo các chuyên gia, bối cảnh và mục tiêu đó đòi hỏi thu hút FDI phải có bước đi bài bản, xác định thế mạnh, thu hút vào những ngành, lĩnh vực cụ thể, tăng cường tính liên kết vùng, địa phương…

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn sẽ duy trì lợi thế đón đầu dòng vốn tái định vị sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung ứng của các đối tác lớn và các tập đoàn đa quốc gia. Các ngành công nghiệp có nhiều triển vọng đón nhận dịch chuyển đầu tư đều là các ngành sản xuất chủ lực, có đóng góp lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng chúng ta cũng có cơ hội thu hút vốn nước ngoài phát triển một số lĩnh vực mới, chưa có nhiều dự án tại Việt Nam như trang thiết bị y tế, sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ thông tin…

Để thực sự nâng cao chất lượng dòng vốn FDI thế hệ mới, theo GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cần chú trọng tới mục tiêu thu hút các tập đoàn thuộc danh sách Fortune 500, hay các khoản đầu tư lớn từ Mỹ, châu Âu, cùng các đối tác lớn truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Ông Mại cũng đặc biệt lưu ý đầu tư từ Mỹ, châu Âu còn rất khiêm tốn và kém xa kỳ vọng.

“Tuy là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam nhưng Mỹ chỉ đứng vị trí thứ 11 trong các đối tác đầu tư của Việt Nam”, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài lại quan tâm tới câu chuyện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và thúc đẩy liên kết, lan toả giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước. Ông cho rằng, kể cả trong trường hợp Việt Nam tập trung thu hút FDI vào các lĩnh vực thế mạnh hay mở rộng thêm các ngành nghề mới, thì ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn cần được thúc đẩy hơn nữa để đáp ứng khả năng tự cung ứng của chuỗi sản xuất trong nước, vì bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng cần có công nghệ nguồn.

Bên cạnh đó, đối với các lĩnh vực hứa hẹn sẽ trở thành tâm điểm thu hút vốn trên quy mô toàn cầu như tài chính, số hoá… cần sớm có sự nghiên cứu, xem xét để tự đánh giá xem Việt Nam có thể đẩy mạnh thu hút các lĩnh vực này không, từ đó sửa đổi và ban hành chính sách cho phù hợp.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: vốn FDI

Hội nhập và phát triển

Menu

Chuyên mục RCEP

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Lượt truy cập

007401760
Go to top