Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Hội nhập và phát triểnBí ẩn xuất siêu kỷ lục

Bí ẩn xuất siêu kỷ lục

28.09-15

Cho tới thời điểm này, hầu như đã có thể khẳng định xuất khẩu năm nay tuy không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra nhưng vẫn là một kết quả tích cực, còn xuất siêu lại là những kỷ lục tiếp nối kỷ lục. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến thực tế xuất nhập khẩu tréo ngoe với kịch bản dự báo như vậy và triển vọng cả năm sẽ ra sao?

Liên tiếp bất ngờ những tháng đầu năm

Nếu theo kế hoạch, để tăng 7%, xuất khẩu năm nay sẽ phải đạt gần 283 tỉ đô la Mỹ. Còn với “hạn ngạch” nhập siêu 3%, mức thâm hụt thương mại sẽ là gần 8,5 tỉ đô la, tức là nhập khẩu có thể đạt hơn 291 tỉ đô la, tăng tới 14,9%.

Tuy nhiên, số liệu thống kê tám tháng đầu năm 2020 vừa được công bố đầu tuần qua lại khác hẳn. Xuất khẩu chỉ tăng 2,3% và mới đạt 175,4 tỉ đô la, bằng 62% mục tiêu cả năm. Nhập khẩu không những không tăng rất mạnh như mục tiêu mà còn giảm 2,4%, với kim ngạch 161,9 tỉ đô la và chỉ bằng 55,6% mục tiêu.

Chính do xuất nhập khẩu diễn biến theo hai chiều trái ngược ngoài dự kiến như vậy nên Việt Nam đã có được mức xuất siêu chưa từng có 13,49 tỉ đô la trong tám tháng.

Rõ ràng, trong bối cảnh thương mại toàn cầu lao dốc, kết quả xuất khẩu dù tăng rất khiêm tốn cũng là một điểm sáng. Bởi lẽ, như các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của 20 quốc gia trong bảy tháng đầu năm nay giảm tới 10,6% so với cùng kỳ, hay xuất khẩu của 44 quốc gia có số liệu thống kê đến hết tháng 6 vừa qua giảm tới 12,4%...

Xuất khẩu chỉ tăng chậm, nhưng với việc nhập khẩu giảm nên xuất siêu là một điểm sáng nữa.

Nguyên nhân chủ yếu

Bức tranh xuất nhập khẩu nói trên của Việt Nam bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân cộng hưởng lẫn nhau. Trong đó, những nguyên nhân chủ yếu bao gồm:

Thứ nhất, kinh tế thế giới tụt dốc mạnh, kéo giá cả hàng hóa thế giới tụt dốc theo, cho nên thương mại toàn cầu sa sút và xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Dự báo tháng 4 vừa qua của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, GDP toàn cầu năm nay sẽ giảm 3,03%. Đây chỉ mới là lần thứ 2 kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm trong vòng bốn thập kỷ vừa qua, nhưng là mức giảm quá lớn so với mức tăng trưởng âm 0,07% vào năm 2009.

Trong bối cảnh kinh tế như vậy, nếu so với mức đỉnh năm 2011, giá cả hàng hóa thế giới năm nay sẽ là năm thứ 9 liên tiếp giảm và tổng mức giảm lên tới 47,15%, cho nên giá cả rổ hàng hóa xuất nhập khẩu của thế giới đương nhiên sẽ co lại.

Thứ hai, trong bối cảnh đó giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị “co lại” rất rõ ràng, đồng nghĩa với những thua thiệt rất lớn về giá, cho nên nhịp tăng xuất khẩu thấp chỉ là hệ quả tất yếu.

Các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, thay vì 17,88 tỉ đô la, giảm 7,3% so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu 16 mặt hàng có số liệu thống kê về lượng và giá trị của nước ta trong tám tháng đầu năm nay sẽ là 20,57 tỉ đô la, tăng 6,7%, nếu giá không thay đổi.

Những điều nói trên cũng cho thấy, nếu xét về lượng, cho dù gặp vô vàn khó khăn, nhưng xuất khẩu thực tế của Việt Nam trong tám tháng qua vẫn tiếp tục tăng không thấp hơn mục tiêu kế hoạch bao xa, cho nên gần như chắc chắn vị trí của chúng ta trong bảng xếp hạng các quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất thế giới năm nay sẽ được cải thiện rất đáng kể.

Thứ ba, giá của rổ hàng hóa Việt Nam nhập khẩu còn giảm nhiều hơn, nghĩa là khoản được hưởng lợi về giá còn lớn hơn.

Tính toán từ các số liệu thống kê của hải quan cho thấy, thay vì 33,84 tỉ đô la, “rơi tự do” tới 12,3% so với cùng kỳ, tổng kim ngạch nhập khẩu 18 mặt hàng có số liệu thống kê về lượng và giá trị của Việt Nam trong tám tháng đầu năm nay sẽ là 40,76 tỉ đô la, tăng 5,7%, nếu giá không thay đổi. Chỉ riêng điều này và chỉ ở 18 nhóm mặt hàng thôi thì trong tám tháng qua chúng ta đã được hưởng lợi về giá tới 6,92 tỉ đô la.

Không chỉ có vậy, việc giá hàng nhập khẩu lẫn xuất khẩu đều giảm là chiếc phanh hãm hữu hiệu đối với lạm phát.

Thứ tư, xét về cơ cấu nhóm hàng và thị trường xuất nhập khẩu thì chúng ta đang ở trong tình trạng nửa mừng, nửa lo.

Trước hết, xét theo nhóm hàng, các số liệu thống kê cho thấy, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng công nghiệp chế biến đã có những tiến bộ rất rõ nét. Cụ thể, trong khi nhập khẩu giảm từ 131 tỉ đô la trong tám tháng đầu năm 2019 xuống 128,8 tỉ đô la hiện nay, thì xuất khẩu lại tăng từ 135 tỉ đô la lên 138,7 tỉ đô la, cho nên xuất siêu của nhóm hàng này từ 4 tỉ đô la tăng rất mạnh lên 9,93 tỉ đô la. Điều này có nghĩa là xuất siêu hàng công nghiệp chế biến đã đóng góp phần quyết định trong tổng mức tăng xuất siêu của nền kinh tế hiện nay.

Nhưng ngược lại, xét về cơ cấu thị trường, đây lại là điều đáng lo, bởi trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu trong tám tháng đầu năm nay chỉ tăng 4 tỉ đô la so với cùng kỳ thì riêng thị trường Mỹ đã tăng 7,75 tỉ đô la, tức là xuất khẩu sang tất cả các thị trường còn lại đã giảm 3,75 tỉ đô la. Trong khi đó, nhập khẩu từ thị trường Mỹ lại giảm, nên tỷ lệ xuất siêu sang thị trường này đã tăng mạnh.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Từ khóa: bí ẩn, xuất siêu, kỷ lục

Hội nhập và phát triển

Menu

Chuyên mục RCEP

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Lượt truy cập

007401760
Go to top