Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Chuyên đềHiệp định đang đàm phánEU-VN FTAEVFTA và triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Pháp

evfta

Hiệp định EVFTA là nền tảng pháp lý căn bản để tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư lâu dài, ổn định, bảo đảm việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), Việt Nam và Pháp.

Tóm tắt: Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh, năng động nhất khu vực ASEAN. Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút hợp tác thương mại, đầu tư từ nước ngoài nói chung, từ Pháp nói riêng, nhất là trong những lĩnh vực thế mạnh mà các bên cùng quan tâm. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là một trong những Hiệp định vô cùng quan trọng đối với hoạt động thương mại Việt Nam - Pháp. Đây là nền tảng pháp lý căn bản để tạo ra khuôn khổ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư lâu dài, ổn định, bảo đảm việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU), Việt Nam và Pháp.

1. Khái quát về quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Pháp

Kể từ khi thiết lập quan hệ song phương đến nay, Việt Nam và Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số xuất khẩu ấn tượng. Đặc biệt, với việc EVFTA đi vào thực thi đã tạo đà cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sâu hơn vào khu vực châu Âu, trong đó có Cộng hoà Pháp. Quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp đang phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp.

Pháp là đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Pháp có nhiều lợi thế trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y học, công nghiệp chế tạo, nông sản, cơ sở hạ tầng, logistics... Đây là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đinh Toàn Thắng - Đại sứ Việt Nam tại Pháp, kết quả hợp tác kinh tế nêu trên tuy đáng khích lệ nhưng vẫn chưa hoàn toàn tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên.

Về thương mại, Pháp luôn là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong khối EU. Kim ngạch thương mại Việt Nam - Pháp đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011 - 2019. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, Pháp hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam trong EU27, chỉ đứng sau Hà Lan, Đức, Áo và chiếm khoảng 10% tỷ trọng trên tổng xuất  khẩu hàng hóa sang EU. Mặc dù vậy tỷ trọng hàng Việt Nam tại thị trường này còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1,1% trên tổng lượng hàng nhập khẩu của Pháp. Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, năm 2020 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp chỉ đạt 4,8 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu đạt gần 3,3 tỷ USD, giảm 12,3% và nhập khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, giảm 4,4%. Riêng tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Pháp đạt 187,9 triệu USD và tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt đạt 2,25 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: giày dép; dệt may; đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thuỷ sản; đá quý, đồ trang sức; đồ điện, điện tử; dụng cụ cơ khí; gốm sứ các loại; cao su; than đá; đồ chơi, sản phẩm thể thao, giải trí; sản phẩm nhựa; hàng mây tre đan... Tuy nhiên, thực tế cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp vẫn còn hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng.

2. Thực trạng hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Pháp trong bối cảnh thực thi EVFTA

EVFTA có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và 27 nước EU, hứa hẹn sẽ mang đến những cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh, đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ EU thâm nhập vào thị trường nước nhà. Đây là một thỏa thuận thương mạimang tính bước ngoặt, cung cấp khuôn khổ ổn định và lâu dài cho hợp tác thương mại, kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam và EU, bao gồm cả Pháp. Về mức độ mở cửa thị trường, EVFTA có mức độ mở cửa thị trường cao hơn trong WTO đối với một số ngành, như: dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phân phối, vận tải. Về thương mại hàng hóa, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương với 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Từ khi thực thi EVFTA, xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam tăng mạnh hơn rất nhiều (+ 29% so với mức trung bình thế giới là + 15,2% năm 2021) so với nhập khẩu (+ 2,6% so với mức trung bình thế giới là 18,7% năm 2021), Pháp đã cố gắng ổn định thâm hụt thương mại với Việt Nam vào năm 2021, tuy nhiên vẫn ở mức cao (-4,3 tỷ EUR). Trao đổi thương mại của Pháp đã tăng 6,6% vào năm 2021 và đạt 6,7 tỷ EUR, thấp hơn so với năm 2019 nhưng có thể so sánh với con số đạt được vào năm 2018. Năm 2021, Việt Nam đứng thứ 46 trong số các khách hàng của Pháp (và thứ 28 bên ngoài EU) với 1,2 tỷ EUR xuất khẩu của Pháp. Việt Nam đồng thời là nhà cung cấp thứ 21 của Pháp (và thứ 11 ngoài EU) nhờ doanh thu 5,5 tỷ EUR. Pháp hiện có mức thâm hụt lớn thứ 7 toàn cầu với Việt Nam và thứ hai với một quốc gia ngoài EU, sau Trung Quốc.

Năm 2021, xuất khẩu của Pháp đã tăng mạnh một phần nhờ vào sự phục hồi trong hệ thống giao hàng của Airbus mà thực tế đã dừng lại vào năm 2020. Riêng lĩnh vực này, chiếm 17% doanh thu bán hàng của Pháp, lý giải 70% sự gia tăng doanh số bán hàng của Pháp tại Việt Nam vào năm 2021.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp tăng 2,6% vào năm 2021, vẫn tập trung vào giày dép và dệt may (59% hàng xuất khẩu của Việt Nam) và sản phẩm điện tử (27% trong tổng số). Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam đa phần là những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn; trong đó, dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải luôn chiếm tỷ trọng đáng kể và kim ngạch nhập khẩu cao. Riêng năm 2020, nhập khẩu hàng hóa từ Pháp về Việt Nam đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 4,3% so với năm 2019.

3. Các kết quả đạt được trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước

3.1. Về phía Pháp

Các dự án đầu tư của Pháp. Theo thống kê của Việt Nam, Pháp đứng thứ 3 trong số các quốc gia châu Âu đầu tư vào Việt Nam vào cuối năm 2020, sau Hà Lan (thứ 10) và Vương quốc Anh (thứ 15), ở vị trí thứ 16 với 614 dự án với tổng số tiền là 3,6 tỷ USD. Tính đến ngày 20/8/2021, Pháp đứng thứ 16/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 632 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư trên 3,6 tỷ USD. Trong đó, dự án Metro số 3 là dự án nhận được sự tài trợ rất lớn từ phía Pháp và góp phần quan trọng vào việc cải thiện tình hình giao thông của Hà Nội cũng như giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với sự đe dọa của biến đổi khí hậu. Có thể nói, đây là dự án mang tính biểu trưng cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ngoài ra, một lĩnh vực khác là trao đổi thương mại giữa hai nước, chủ yếu là trao đổi giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp. Hàng hóa của Pháp đang hiện diện ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam như máy bay, ôtô hay các sản phẩm trong lĩnh vực du lịch.

Các doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp thành viên hiện đang kinh doanh rất thành công tại Việt Nam, trong đó có tập đoàn gia đình Thuasne chuyên về sản xuất dụng cụ bảo hộ y tế, hay Boehringer Ingelheim về sức khỏe thú y. Ông khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp Lyon và theo nhu cầu của đối tác Việt Nam.

Loại hình các công ty Pháp có mặt tại Việt Nam xoay quanh ba loại chính. Một là: các công ty tham gia thực hiện các dự án lớn - nhiều nhưng tiếp cận chậm và phức tạp, địa bàn tự nhiên cho các công ty Pháp nhưng không hẳn là phù hợp nhất. Hai là: các công ty nhập khẩu từ châu Á, chế biến hoặc lắp ráp trong nước để tái xuất sang châu Âu - một cách tiếp cận cổ điển đối với thị trường Đông Nam Á (Thái Lan) nhưng lại ít phổ biến ở Việt Nam (chỉ Scheider Electric, Sanofi...). Ba là: các công ty xuất khẩu từ Pháp, hoặc tìm cách xuất khẩu từ Pháp, các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày.

Có mặt khoảng 2/3 tại thành phố Hồ Chí Minh, phần còn lại đặt tại Hà Nội, EFE (các công ty của Pháp ở nước ngoài) đôi khi thuộc sở hữu của người Pháp hoạt động tại Việt Nam hoặc của đôi bên Pháp - Việt hoặc Việt kiều. Tuy nhiên, nằm dưới sự điều chỉnh của luật pháp địa phương, các công ty này có liên kết gián tiếp với Pháp thông qua người sáng lập, hoạt động, liên kết vốn hoặc hình ảnh của mình. Hiện diện trong tất cả các lĩnh vực, theo ước tính, các công ty này đại diện cho 20.000 việc làm và 4 đến 5 tỷ USD doanh thu. Trong số các EFE chính được thành lập tại Việt Nam, có ít nhất bốn công ty thành công lớn như: Open Asia, Apple Tree, Archetype và New Viet Dairy. Ngược lại, những công ty khác, đặc biệt là các doanh nghiệp rất nhỏ trong ngành du lịch và khách sạn, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng y tế hiện này và có thể không hồi phục được.

3.2. Về phía Việt Nam

Để thúc đẩy việc đưa hàng Việt Nam vào thị trường Pháp, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại qua hệ thống phân phối của Pháp đã và đang liên tục được triển khai. Chẳng hạn, lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 đã có mặt tại hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris. Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng tại Pháp có thể ngay lập tức tiếp cận toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian.

Cho tới nay, quả vải Việt Nam mặc dù vẫn đang được nhập khẩu vào Pháp nhưng đều qua kênh nhập khẩu số lượng nhỏ, nhập khẩu chung với các loại trái cây khác. Hoặc, đưa vào Pháp từ các nước EU khác có điều kiện nhập khẩu ít ngặt nghèo hơn và gần như chưa được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn tại Pháp. Trong bối cảnh đó, lô hàng gần 1 tấn vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc được nhập khẩu chính ngạch có ý nghĩa “khai thông” quan trọng cho quả vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung vào thị trường Pháp.

Cùng với quả vải, số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế cho thấy, quý I/2021, Pháp giảm nhập khẩu hạt điều từ nhiều nguồn cung, nhưng tăng mạnh từ Việt Nam và Hà Lan. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 58,7% trong quý I/2020 lên 63,35% quý I/2021. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều của Pháp được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới, là cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.

4. Triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Pháp trong thời gian tới

Với những tiềm năng sẵn có, Pháp có nhiều lợi thế khi đầu tư vào Việt Nam như:

i) Tiếp cận các thị trường mới. Hiệp định EVFTA đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á ký kết hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu, sau Singapore. EVFTA có thể tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu lên 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Việt Nam cũng là một phần của CPTPP với các nước châu Á - Thái Bình Dương, kể từ tháng 12/2018 và RCEP với 14 nước láng giềng châu Á, kể từ tháng 11/2020. Ba hiệp định này bao phủ khoảng 81% các luồng thương mại của Việt Nam vào năm 2020.

ii) Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, tầng lớp này sẽ đạt 50% dân số vào năm 2035 và sẽ đi kèm với hành vi tiêu dùng mới.

iii) Dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng. Tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 20 năm (từ 6,7% hiện nay lên 14,4% vào năm 2035), một xu hướng dẫn đến nhu cầu mới về cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế.

iv) Nhu cầu mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, ước tính khoảng 20 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.

v) Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.

Trong buổi tọa đàm kinh tế Việt Nam - Pháp diễn ra tại Paris ngày 23/6/2022, hai bên đều cho rằng, quan hệ chính trị ngày càng tốt đẹp giữa hai nước cùng với sự phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực ở Việt Nam là điều kiện rất thuận lợi để các doanh nghiệp Pháp tăng cường đầu tư ở Việt Nam. Việc tổ chức sự kiện với chủ đề “Phát triển dòng chảy kinh doanh với Việt Nam” đã góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng thuận lợi và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì Việt Nam có tới 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang triển khai với các nước. Phía Pháp khẳng định môi trường đầu tư ở Việt Nam rất hấp dẫn với nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư. Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, sát cánh cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để cùng phát triển. Do đó, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đại diện của Tập đoàn Khu công nghiệp DEEP C - cảng Hải Phòng và Tập đoàn Rosemont Business Asia đã chia sẻ những hiểu biết của họ về thị trường Việt Nam, giúp cộng đồng doanh nghiệp Pháp nắm được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách nhiều ưu đãi với doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp Pháp thể hiện sự quan tâm tới thị trường Việt Nam và đặt câu hỏi về các lĩnh vực đầu tư ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới như thuế suất tại các khu công nghiệp, chính sách ưu đãi đầu tư, chiến lược và chính sách phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Pháp cũng quan tâm tới sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, định hướng hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm, cũng như chính sách đối với các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp xúc tiến các dự án đầu từ tại Việt Nam, các luật sư Việt kiều hiểu rõ luật pháp ở Việt Nam và Pháp, sẽ là những người sẵn sàng tư vấn và đồng hành cùng các doanh nghiệp ngay từ những bước đầu tiên tại Việt Nam, giúp họ kết nối với các đối tác tại Việt Nam.

Quan hệ tốt đẹp giữa hai nước cùng với những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và cả kinh nghiệm của các doanh nghiệp Pháp đang làm ăn tại Việt Nam là cơ sở thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Pháp. Hiện nay tất cả các điều kiện thuận lợi đã hội tụ và là thời điểm rất tốt để các nhà đầu tư Pháp xúc tiến các dự án tại Việt Nam.

Giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 hiện đã qua, nên các doanh nghiệp Pháp cần nhanh chóng tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với vị trí địa lý quan trọng ở ASEAN, Việt Nam là điểm đầu tư rất hấp dẫn với nguồn lao động dồi dào và có trình độ ngày càng cao. Đó cũng là cơ sơ để các doanh nghiệp từ các khu vực khác trên thế giới đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp - Việt Nam và các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Các buổi tọa đàm trao đổi giữa hai bên giúp các doanh nghiệp Pháp nắm bắt rõ hơn các cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư-thương mại giữa hai nước.

Với quá trình hội nhập quốc tế và hành lang pháp lý ngày càng đồng bộ, kết hợp với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và sự quyết tâm của chính phủ, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian tới sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ, cả về đầu tư cũng như số lượng và chất lượng. Để làm được điều này, hai bên cần vượt qua những rào cản như sự khác biệt về văn hóa và xã hội, đồng thời không chỉ chú trọng đầu tư sản xuất, mà cần quan tâm đến cả việc phát triển các lĩnh vực khác như dịch vụ hay công nghiệp phụ trợ.

Nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, EU nói chung và Pháp nói riêng cần phát triển mối quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam vì Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng để EU có thể tiếp cận gần hơn với châu Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đó là chưa kể Việt Nam có một nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều người giỏi ngoại ngữ, kỹ thuật và y tế. Việc tăng cường hợp tác Việt Nam - EU, Việt Nam - Pháp sẽ giúp “đôi bên đều có lợi”. Đây là thời điểm thích hợp để làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế vì hai nước đã có mối quan hệ chính trị và ngoại giao bền vững. Một vị thế mới cho các mối quan hệ kinh tế sẽ giúp tạo thuận lợi cho đầu tư của châu Âu vào Việt Nam và cũng như tạo điều kiện cho người Việt Nam đến châu Âu, góp phần xây dựng quan hệ đối tác trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng, y tế, giao thông, môi trường và nguồn nhân lực.

Các doanh nghiệp Pháp đã đặt nhiều câu hỏi và chia sẻ những quan tâm và mong muốn phát triển thị trường tại Việt Nam đối với một số dự án về nông nghiệp sạch, các dự án có tính đổi mới sáng tạo, hợp tác trong lĩnh vực bệnh viện, dược phẩm, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe, du lịch,... Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai bên đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách. Cùng với đó là những tín hiệu tốt về tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương hai nước không ngừng gia tăng; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước cũng đang ngày càng phát triển tích cực. Các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến thị trường Việt Nam vì họ thấy ở đây nhiều cơ hội đề cùng phát triển.

Một số giải pháp tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam tại Pháp

Để hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại thị trường Pháp, các chuyên gia cho rằng, cần có những chiến lược để thu hút người tiêu dùng. Hơn nữa, giá bán hợp lý cũng là một yếu tố để có thể đưa hàng hóa vào được chợ đầu mối hoặc các hệ thống siêu thị đối tác tiềm năng. Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động bài bản, kiên trì theo đuổi các đối tác tiềm năng, xây dựng lòng tin cũng như chứng minh được năng lực hợp tác và chất lượng sản phẩm.

Để hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại thị trường Pháp, các chuyên gia cho rằng, cần có những chiến lược để thu hút người tiêu dùng. Hơn nữa, giá bán hợp lý cũng là một yếu tố để có thể đưa hàng hóa vào được chợ đầu mối hoặc các hệ thống siêu thị đối tác tiềm năng. Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động bài bản, kiên trì theo đuổi các đối tác tiềm năng, xây dựng lòng tin cũng như chứng minh được năng lực hợp tác và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, khâu vận chuyển là khó khăn chung đối với đa số các công ty xuất khẩu Việt Nam, nhưng nếu thuyết phục được nhà nhập khẩu về chất lượng sản phẩm, các nhà xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam còn có được một lợi thế khác. Cụ thể, với mức thuế gần như bằng không, giá bán đến người tiêu dùng sẽ cạnh tranh hơn so với những sản phẩm cùng chủng loại được nhập từ các nước khác, không có Hiệp định EVFTA.

Theo khuyến cáo từ Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cơ hội cho hàng Việt tiếp tục thâm nhập vào thị trường Pháp là rất lớn, tuy nhiên, giống như những quốc gia khác thuộc khu vực châu Âu, yêu cầu đòi hỏi của thị trường này cũng rất cao.

Do đó, các nhà cung cấp cần tiếp tục nỗ lực trong việc duy trì chất lượng. Dù giá cả rất quan trọng thế nhưng doanh nghiệp cần tuân thủ, tôn trọng và tự đặt mình vào các tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, cạnh tranh được với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các nhà máy bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm.

Thương vụ Việt Nam tại Pháp cũng lưu ý doanh nghiệp có thể tận dụng các doanh nghiệp Việt kiều tại châu Âu để trở thành cầu nối cùng với doanh nghiệp trong nước tận dụng những cơ hội mới từ Hiệp định EVFTA.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mời chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm và công nhân lành nghề (thợ cả) của Pháp đến Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn. Từ đó, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa thông qua họ tìm hiểu thông tin vào thị trường, quảng bá các sản phẩm Việt Nam tại Pháp.

Một số giải pháp nhằm thu hút đầu tư của Pháp vào Việt Nam

Thứ nhất, để thu hút được đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.

Thứ hai, đối với các địa phương đã phát triển đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại; Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.

Thứ ba, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.

Thứ tư, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ.

Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế này thì trước mắt Việt Nam cần giải quyết các vấn đề lớn còn tồn đọng, triển khai các biện pháp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; sở hữu trí tuệ được đảm bảo, bản quyền, cải cách hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu nói chung và các doanh nghiệp của Pháp nói riêng được cấp phép đầu tư.

Sau 2 năm từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Hiệp định vẫn đem lại những kết quả hết sức tích cực đối với thương mại - đầu tư song phương Việt Nam - Pháp. Tuy nhiên, để quan hệ thương mại hai bên được nâng lên tầm cao mới, Việt Nam đề nghị Pháp nói riêng và EU nói chung tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tận dụng tốt Hiệp định EVFTA nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân của hai bên.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam khẳng định sự quyết tâm và dành nỗ lực cao nhất trong việc thực hiện đầy đủ những cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA. Do đó, các cấp liên quan của Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Pháp và EU, tiếp tục xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA đảm bảo hiệu quả cao nhất của quá trình triển khai Hiệp định. Việt Nam mong muốn Pháp và EU ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, chia sẻ với những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định đến từ những yếu tố khách quan và dành thêm hỗ trợ kỹ thuật riêng cho Việt Nam để thực thi Hiệp định EVFTA.

Phát huy đà hợp tác thể hiện trong chuyến thăm chính thức Pháp tháng 11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hướng tới năm 2023, năm đánh dấu mốc 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ có những bước đột phá mạnh mẽ, đi vào chiều sâu và thực chất, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm và chọn lựa Việt Nam là điểm đến đầu tư.

*ThS. Đỗ Hồng Huyền - Viện Nghiên cứu Châu Âu

Nguồn: VietQ

Từ khóa: EVFTA

Chuyên mục RCEP

Menu

Chuyên mục EU-VN FTA

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007393673
Go to top