Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu

Ấn Độ rút khỏi RCEP: Điều gì tiếp theo cho Ấn Độ và thương mại tự do?

C2

Chính sách ngoại thương của Ấn Độ phải phù hợp với mục tiêu tự cường của nước này. Nhưng nó cũng cần hướng tới mục tiêu làm cho các ngành công nghiệp trong nước trở nên cạnh tranh hơn.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn đã được ký kết giữa 15 quốc gia, bao gồm 10 nước thành viên ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và New Zealand. Ấn Độ đã quyết định rút khỏi hiệp ước thương mại vào tháng 11 năm 2019, khi Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố: “Bất cứ khi nào tôi thử đo lường mức độ quan tâm của Ấn Độ về việc tham gia RCEP, tôi đều không nhận được câu trả lời khẳng định; cả chính sách ‘Ấn Độ tự cường’ của Gandhiji cũng như lý trí của tôi đều không cho phép tôi tham gia RCEP”.

Việc Ấn Độ quyết định rút khỏi thỏa thuận thương mại sau 7 năm đàm phán được cho là vì một số vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến việc tiếp cận thị trường đối với Trung Quốc, các rào cản phi thuế quan mà các nhà xuất khẩu Ấn Độ phải đối mặt, thương mại dịch vụ và các tiêu chí xuất xứ, và các vấn đề khác. Mặc dù Ấn Độ thường bị gán nhãn là ‘kẻ phá rối’ trong các cuộc đàm phán RCEP, các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ vẫn giữ vững lập trường khi đề cập đến lợi ích của các nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là liên quan đến việc Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa được trợ cấp sang Ấn Độ. Ngoài các yếu tố kinh tế, quyết định không tham gia RCEP của Ấn Độ còn xuất phát từ lo ngại về mặt chiến lược khi Trung Quốc giữ thế áp đảo trong hiệp định này. Thêm vào đó, cuộc giao tranh tại biên giới với Trung Quốc ở Ladakh càng củng cố thêm lập trường của Ấn Độ và xóa bỏ mọi cơ hội cho bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào liên quan đến nước láng giềng phía Bắc.

Rõ ràng rằng, Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút khỏi hiệp ước. RCEP ở dạng hiện tại sẽ không phục vụ bất kỳ mục đích nào cho Ấn Độ. Một nghiên cứu của NITI Aayog có tiêu đề “Các FTA của Ấn Độ và cái giá phải trả” đã nêu bật kinh nghiệm của Ấn Độ với các FTA trước đây và lý do nước này không tham gia RCEP. Bối cảnh thương mại thế giới sau đại dịch và những thách thức liên quan; Các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc và nỗ lực không ngừng của nước này đối với các vấn đề bên lề quan trọng đối với ngành công nghiệp Ấn Độ trong RCEP; và quan trọng nhất là tranh chấp biên giới đang gia tăng với Trung Quốc nhắc lại rằng Ấn Độ đã làm đúng khi đứng ngoài RCEP.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận thương mại lớn, câu hỏi đặt ra cho Ấn Độ là nước này sẽ làm gì bước tiếp theo trong chiến lược thương mại của mình? Sau đây là một số gợi ý.

Lựa chọn đối tác chiến lược cho thương mại tự do

Hoa Kỳ và Châu Âu từng là đối tác thương mại truyền thống của Ấn Độ. Vì hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ và các quốc gia này có sự bổ sung cho nhau, các mối quan hệ thương mại này đã phát triển một cách hết sức tự nhiên. Mặc dù đã có các FTA với các nền kinh tế lớn ở châu Á như ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, tỷ trọng xuất khẩu của Ấn Độ sang các nền kinh tế này giảm từ 51% xuống 46% trong thập kỷ qua. Ngược lại, thị phần của Hoa Kỳ và Châu Âu trong xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng từ 38% lên 43% mặc dù Ấn Độ chưa có FTA với các nền kinh tế này. Đã đến lúc Ấn Độ kích hoạt các cuộc đàm phán thương mại Ấn Độ - Liên minh châu Âu vốn không mấy sáng sủa do các khúc mắt liên quan đến ô tô, dược phẩm, bảo mật dữ liệu, đồ uống có cồn và thương mại dịch vụ. Với Mỹ cũng vậy, chính quyền sắp tới của Biden dự kiến ​​sẽ mang lại sự ổn định chính sách hơn và Mỹ có thể sẽ cân nhắc một thỏa thuận thương mại hạn chế với Ấn Độ (trước khi tiến tới một thỏa thuận thương mại chính thức) vì nước Mỹ có kế hoạch tập hợp các nền dân chủ thành một mặt trận chung chống lại Trung Quốc. Tập trung vào các thỏa thuận thương mại song phương nhưng sâu sắc thay vì các thỏa thuận đa phương sẽ là mục tiêu của Ấn Độ trong thời điểm hiện tại.

Ưu tiên cải thiện nền sản xuất trong nước

Năm 2019, Ấn Độ xếp thứ 68 trong tổng số 141 quốc gia về năng lực cạnh tranh toàn cầu (một bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới), tụt 10 bậc so với năm 2018. Trong đó, các yếu tố bị chấm điểm thấp bao gồm cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ năng, thị trường lao động và tính năng động của doanh nghiệp. Không có gì khó hiểu khi khu vực sản xuất của Ấn Độ hoạt động kém hiệu quả. Tỷ trọng đóng góp của sản xuất công nghiệp trong tổng GDP đã dậm chân tại chỗ ở mức 16-17% trong những thập kỷ qua. Lĩnh vực sản xuất đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia rộng lớn và đông dân như Ấn Độ, vì cứ hễ 1 công việc được tạo ra trong lĩnh vực này sẽ dẫn đến 2-3 việc làm mới trong các lĩnh vực khác nhờ vào hiệu ứng số nhân. Do đó, trước hết, Ấn Độ cần phải có một chính sách công nghiệp bài bản để giải quyết các mối quan tâm chính của lĩnh vực sản xuất, bao gồm giải quyết các vấn đề quan trọng cản trở khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp. Nhiều yếu tố đã dẫn đến hiệu quả sản xuất kém và điểm số cạnh tranh thấp của Ấn Độ, bao gồm chi phí và chất lượng điện, chi phí hậu cần cao (14-15% GDP so với 9% theo tiêu chuẩn toàn cầu), năng suất lao động thấp và chi tiêu R&D thấp (0,7% so với mức bình quân 2-4% của toàn cầu). Một chính sách công nghiệp để giải quyết những vấn đề trên là một nhu cấp hết sức cấp thiết.

Các Chương trình khuyến khích mặc dù đáng được hoan nghênh nhưng chưa đủ

Chương trình Khuyến khích Liên kết Sản xuất (PLI) là một sáng kiến ​​hay của chính phủ Ấn Độ vì nó khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bằng cách cung cấp cho họ một khoản ưu đãi theo tỷ lệ phần trăm trên doanh số bán hàng tăng thêm nếu đáp ứng các điều kiện trong 5 năm. Đây là một bước đi đúng hướng và hợp thời điểm khi các công ty đa quốc gia đang tìm cách thiết lập các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Kế hoạch này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngành mà Ấn Độ có lợi thế so sánh và giúp Ấn Độ hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ gần đây đã thông báo sẽ mở rộng phạm vi của chương trình lên thành 10 lĩnh vực thay vì chỉ 3 lĩnh vực như ban đầu (dược phẩm, sản xuất di động và thiết bị y tế) và nằm trong khuôn khổ của chính sách “Ấn Độ tự cường”. 10 lĩnh vực mới bao gồm lưu trữ pin, điện tử, pin năng lượng mặt trời, ô tô và linh kiện ô tô, sản phẩm mạng và viễn thông, dệt may, chế biến thực phẩm, thép hợp kim và điện gia dụng (máy điều hòa không khí và thiết bị LED). Chương trình PLI cũng tập trung vào các lĩnh vực cụ thể đã được lựa chọn dựa trên năng lực vốn có và tiềm năng mở rộng ra quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ được đưa ra dựa trên các chương trình khuyến khích sản xuất mà còn dựa trên nhiều yếu tố khác và môi trường vĩ mô. Do đó, PLI không phải là lựa chọn thay thế để giải quyết các vấn đề cấu trúc cố hữu đang gây khó khăn cho lĩnh vực sản xuất trong nước của Ấn Độ.

Giảm dần thuế nhập khẩu

Bảo vệ lợi ích trong nước là điều cấp thiết trong thế giới hậu COVID. Tuy nhiên, “Ấn Độ tự cường” không có nghĩa là sử dụng chủ nghĩa bảo hộ, vì trong các ngành mà năng lực sản xuất trong nước còn yếu, việc nhập khẩu hàng hóa là điều không thể tránh khỏi. Ngành công nghiệp Ấn Độ cần nhận thức được rằng, bao bọc vô độ là lợi bất cập hại; Việc xóa bỏ dần thuế nhập khẩu theo thời gian, đặc biệt là với các đối tác thương mại chiến lược, nên là việc làm song song với quá trình các ngành quan trọng/hàng đầu phát triển với sự hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Ấn Độ sẽ mở cửa thị trường cho các đối tác thương mại áp dụng các hành vi thương mại không công bằng và bán phá giá hàng hóa.

Điều chỉnh chính sách ngoại thương cho phù hợp với chính sách “Ấn Độ tự cường”

Chính sách ngoại thương của Ấn Độ trong 5 năm tới (2021-2025) cũng cần phải được điều chỉnh. Ấn Độ đang cải tiến chương trình trợ cấp xuất khẩu “Hàng hóa Xuất khẩu từ Ấn Độ” (MEIS) thành một chương trình tuân thủ theo quy định của WTO với tên gọi Chương trình “Miễn trừ Thuế hoặc Thuế đối với Sản phẩm Xuất khẩu” (RoDTEP). Theo đó, Ấn Độ sẽ hoàn trả các khoản thuế như thuế điện, thuế VAT đối với nhiên liệu, than (và thuế bổ sung), … đang không được hoàn lại theo bất kỳ chương trình hiện có nào khác. Chính phủ Ấn Độ thừa nhận rằng MEIS đã không hoàn thành mục tiêu đã nêu là thúc đẩy xuất khẩu và hi vọng chương trình RoDTEP sẽ đáp ứng mục tiêu đề ra. Việc điều chỉnh các mục tiêu của chính sách ngoại thương phù hợp với các mục tiêu của chính sách “Ấn Độ Tự cường” là rất quan trọng ở thời điểm hiện nay. Thuận lợi hóa thương mại, tuân thủ và dễ dàng giao dịch là những vấn đề cần được giải quyết cho các nhà xuất khẩu để khu vực sản xuất có thể phát huy hết tiềm năng của mình.

Tóm lại, bây giờ là thời điểm chín muồi để các ngành công nghiệp Ấn Độ vươn lên nắm lấy thời cơ, và tận dụng triệt để sự hỗ trợ của chính phủ để mở rộng chuỗi giá trị sản xuất, thông qua các chương trình như PLI, RoDTEP và nhiều chương trình khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước bằng cách giải quyết các vấn đề liên quan đến hậu cần, năng lượng, năng suất thị trường lao động và R&D cần phải liên tục và bền vững. Và các kế hoạch ngắn hạn như PLI là hữu ích nhưng không thể là một giải pháp thay thế lâu dài cho cải cách cơ cấu.

RCEP đối với Ấn Độ đã kết thúc, nhưng thương mại tự do và công bằng thì không.

Nguồn: The Diplomat

Từ khóa: Ấn Độ, hiệp định RCEP, thương mại tự do

Chuyên mục RCEP

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien

Video

Liên kết

 

Lượt truy cập

007392549
Go to top