Chính phủ đang khẩn trương xây dựng chương trình phục hồi kinh tế - xã hội gắn với gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ để trình Quốc hội cuối năm nay. Mới đây, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia xung quanh vấn đề về dư địa, mục tiêu và nguồn lực cho gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt là chính sách tài khóa.
PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về triển vọng phục hồi kinh tế trong năm tới?
TS. Cấn Văn Lực: Triển vọng phục hồi kinh tế được dự báo tương đối tích cực cùng với tiến trình bao phủ vắc-xin và thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp hơn. Hiện nay, làn sóng dịch thứ 4 cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam đang tiến tới trạng thái “sống chung an toàn với Covid” tại hầu hết các tỉnh, thành; tiêm chủng được đẩy mạnh, nhờ đó tăng trưởng GDP cả năm 2021 dự báo đạt 2%; lạm phát ở mức thấp 2,2 - 2,4%. Với năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi ấn tượng, đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5 - 7% và lạm phát tăng so với năm 2020 nhưng được kiểm soát ở mức 3,4 - 3,7%, nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chỉ có thể xảy ra khi Việt Nam thiết kế và thực hiện tốt Chiến lược phòng, chống dịch phù hợp, linh hoạt, thích ứng và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023.
PV: Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 – 2023, gắn với gói hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ. Ông đánh giá thế nào về dư địa triển khai gói hỗ trợ, đặc biệt là chính sách tài khóa ?
TS. Cấn Văn Lực: Dư địa mở rộng chính sách tài khóa đang có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ nhờ thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) và nợ công được kiểm soát tốt giai đoạn trước, hiện vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực, trong khi có cơ hội tăng vay nợ trong nước (qua phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp, rủi ro thấp, tạo dư địa gia tăng chi tiêu ngân sách cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Các cân đối lớn như là thâm hụt ngân sách, nợ công, nghĩa vụ trả nợ/thu NSNN, lạm phát... vẫn trong ngưỡng an toàn. Việc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và cơ cấu lại nợ công là những kinh nghiệm quý báu, tạo không gian chính sách, tạo nguồn tích lũy ngân sách để duy trì xu hướng mở rộng trong giai đoạn 2022 - 2023. Tuy nhiên, cơ cấu thu NSNN cũng đang bộc lộ sự thiếu bền vững khi thu từ đất, kinh doanh chứng khoán, chuyển nhượng vốn và một số khoản thu một lần khác tăng đột biến; trong khi chi đầu tư phát triển và giải ngân vốn đầu tư công chậm vẫn là thách thức lớn cần tính đến khi mở rộng tài khóa.
Trong khi đó, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều trong điều kiện ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống ngân hàng. Lãi suất đã ở mức thấp trong vòng 20 năm, áp lực lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn, dự báo nợ xấu nội bảng khoảng trên 2% cuối năm 2021 và 2,3 - 2,5% năm 2022, nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1 - 7,7%, đặc biệt là nửa cuối năm 2022 khi mà các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng có thể mở rộng có chọn lọc tín dụng, tăng khoảng 12 - 13% năm 2021 và 13 - 14% năm 2022 - 2023 (bao gồm cả tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất); tiếp tục tiết giảm chi phí, chấp nhận giảm chênh lệch lãi suất để tiếp tục giảm thêm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như đã cam kết, đồng thuận.
PV: Với tình hình như vậy, gói tài khóa phục hồi kinh tế sắp tới nên đi theo hướng nào, thưa ông?
TS. Cấn Văn Lực: Theo tôi, trước hết là tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong việc thiết kế và triển khai chính sách, gói hỗ trợ tài khóa. Cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong tầm kiểm soát. Tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ tiền mặt, giảm chi phí, cung cấp bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ, nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất… Gắn chương trình phục hồi kinh tế với chiến lược phòng, chống dịch bệnh, đề án cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.... nhằm huy động và phân bổ nguồn lực phù hợp và phát triển bao trùm, bền vững.
Đồng thời, xác định mục tiêu rõ ràng và thống nhất trong quá trình phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lúc này là đẩy nhanh phục hồi, tăng trưởng ổn định và lạm phát vừa phải. Theo đó, chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt nhưng không hoàn toàn nới lỏng, ưu tiên hỗ trợ phục hồi song vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát. Chính sách tài khóa theo hướng mở rộng thận trọng, vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát. Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc thiết kế và thực thi gói hỗ trợ lãi suất; trong kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính…
Cùng với việc triển khai gói hỗ trợ, phải có kế hoạch, giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiểm soát lạm phát, giá cả, nợ xấu..., đảm bảo ổn định tài khóa, đưa về quỹ đạo ổn định, bền vững hơn sau khi kết thúc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022 - 2023.
PV: Vậy về huy động nguồn lực, theo ông đâu là hướng khả thi?
TS. Cấn Văn Lực: Về huy động nguồn lực, có thể tính đến các nguồn lực quan trọng sau. Đó là tiếp tục tiết giảm chi phí, mà như Bộ Tài chính cho biết là vừa qua tiết giảm khoảng 20.000 tỷ đồng/năm; đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; phát hành trái phiếu chính phủ trong nước, với mức lãi suất khá thấp hiện nay và có thể chỉ tăng nhẹ 1 - 2 năm tới, kênh huy động này là khả quan; rà soát các quỹ ngoài ngân sách, các quỹ tại địa phương; xem xét vay các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB... nếu cần. Các tổ chức này đều đang có chương trình, gói hỗ trợ phục hồi, với điều kiện vay không quá khắt khe, lãi suất đang ở mức thấp, nên đây cũng là một kênh có thể xem xét.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, đặc biệt là linh hoạt hơn trong điều chỉnh ngân sách, giữa bộ, ngành, địa phương, các dự án để tăng nguồn lực.
Cuối cùng, một nguồn lực rất quan trọng khác là đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư. Việc giải tỏa các vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, các dự án BT, BOT dở dang, đất đai, tài sản công bỏ hoang, vừa góp phần tiết giảm chi phí quản lý, chi phí tuân thủ, vừa tăng thu ngân sách, tăng niềm tin và động lực cho doanh nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động v.v. Việt Nam còn nhiều dư địa ở khâu này và đây là thời cơ thuận lợi để đẩy nhanh, thực chất việc này.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Thời báo Tài chính
Từ khóa: chính sách tiền tệ, phục hồi kinh tế
Các tin khác
- Chuyên gia và báo chí quốc tế đánh giá cao về đà phục hồi kinh tế Việt Nam - 16/11/2021
- Giải pháp kích cầu tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 - 12/11/2021
- Chuyển trạng thái thích ứng an toàn, nhiều chỉ số kinh tế tích cực - 08/11/2021
- Kinh tế TP.HCM qua đại dịch - 08/11/2021
- Tăng cường kết nối, ổn định chuỗi cung ứng lao động hậu Covid-19 - 08/11/2021