Nói về triển vọng kinh tế Việt Nam phục hồi trong bối cảnh bình thường mới, nhiều trang báo quốc tế trong tuần qua đã đưa ra những dự đoán với nhiều gam màu sáng.
COVID-19 đã tàn phá sức khỏe của biết bao doanh nghiệp và cả nền kinh tế nhưng nhờ kiên quyết thực hiện các biện pháp chống dịch và sự đòng lòng của nhân dân hiện cả nước đang cùng bước vào một cuộc sống bình thường mới. Các doanh nghiệp, người lao động sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt, duy trì sản xuất và không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ngân hàng Thế giới nhận định, mặc dù Việt Nam khởi động lại sau một thời gian dài giãn cách với rất nhiều những thách thức nhưng tháng 10 đã ghi nhận những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của nền kinh tế.
Hãng tin Sputnik của Nga trang tiếng Việt đã đăng tải thông tin về hoạt động chất vấn tại Quốc hội Việt Nam với tiêu đề: Có căn cứ để Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng trưởng hơn 6% năm 2022.
Còn trang tin Reuters tuần qua đã đề cập tới chủ đề sớm khắc phục tình trạng thiếu lao động cho chuỗi cung ứng. Bài báo trích phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước Quốc hội sáng 12/11 khẳng định: "Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các doanh nghiệp và người lao động làm mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo đủ nguồn cung lao động vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau".
Còn trên Trang báo điện tử Nikkei Asia của Nhật Bản có nhận định: Việt Nam đang dẫn đầu sự phục hồi nhanh chóng trong chuỗi cung ứng Đông Nam Á. Tác giả cho rằng, các nhà sản xuất toàn cầu đang thở phào nhẹ nhõm khi các nhà máy sản xuất linh kiện điện và điện tử ở Việt Nam đang trở lại khôi phục sản xuất mạnh mẽ.
Trang báo điện tử Nikkei Asia của Nhật Bản đăng tải bài viết với tiêu đề: Việt Nam dẫn đầu sự phục hồi nhanh chóng trong chuỗi cung ứng Đông Nam Á. Khoảng 200 nhà máy trong nước ký hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho Nike đã hoạt động trở lại; các nhà máy do Samsung Electronics và Intel điều hành tại một khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh sẽ được nhận "hỗ trợ để các cơ sở của cả hai công ty hoạt động trở lại trong tháng này".
Bên cạnh đó, các công ty sản xuất dây đai, linh kiện điện và điện tử thiết yếu cho ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam cũng đang trở lại mạnh mẽ trước sự thở phào của các nhà sản xuất trên toàn cầu.
Ông Takeo Nakajima - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam JCCI cho hay: "Có thể nói Việt Nam đã bước vào trạng thái "bình thường mới" trong khi các điều kiện kinh tế cơ bản của Việt Nam hầu như không thay đổi với nền chính trị ổn định, lực lượng lao động xuất sắc và chi phí tương đối thấp, nhiều hiệp định thương mại tự do mới sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2022, Chính phủ quyết liệt thu hút đầu tư… Chúng ta nên coi làn sóng dịch lần này như một cơ hội. Nhiều công ty vẫn đang tìm đến các quốc gia khác ngoài Việt Nam để đa dạng hóa rủi ro của họ. Nhưng các nước đó cũng có những vấn đề tương tự cần giải quyết. Tình thế này vẫn sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam một lần nữa trở nên hấp dẫn hơn và củng cố thế mạnh thực sự của mình".
"Mặc dù ảnh hưởng bởi COVID-19 diễn ra từ cuối tháng 4, xuất khẩu của Samsung vẫn gặp thuận lợi trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu. Nghị quyết 105 tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và dần phục hồi trong trạng thái bình thường mới thì đầu tư mước ngoài vào Việt Nam sẽ còn tăng lên", ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nói.
Báo cáo mới nhất Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham cho rằng, chỉ số môi trường kinh doanh quý III/2021 tăng hơn 3 điểm phần trăm. Đây là mức điểm đáng khích lệ.
Ông Torben Minko - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham cho hay: "Thật tuyệt vời, chúng ta đã dần quay trở lại với trạng thái bình thường sau COVID-19 và với các FTA đã ký, bao gồm cả EVFTA, bất chấp những khó khăn của đại dịch, các hoạt động thương mại và đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục phát triển. Xu hướng này cũng có thể được dự đoán từ kết quả của chuyến công du thành công của Thủ tướng Việt Nam tại châu Âu và ký kết tới 60 biên bản ghi nhớ với tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ USD. Đó là một thành tựu to lớn".
"Việc Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế rất quan trọng để các doanh nghiệp Đức có thể thực hiện các kế hoạch mở rộng đầu tư lâu dài của mình. Chúng tôi hy vọng sẽ có một kế hoạch rõ ràng và thống nhất để chúng tôi có thể xây dựng kế hoạch cụ thể, tiếp cận các nhà cung ứng đầu vào, dịch vụ logistics... từ đó trở lại trạng thái sản xuất kinh doanh bình thường", ông Alexander Goetz - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam GBA bày tỏ.
Ông Bruno Michael J Destombes - Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn RCG, Việt Nam cho biết: "Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những nước dẫn đầu trong khu vực các quốc gia đang phát triển tại châu Á và trên thế giới. Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng kinh tế rất tốt trong những năm qua. Điều này đã góp phần tạo nên một thị trường nội địa rất sôi động, nguồn lao động với nhân lực dồi dào, chất lượng cao và được đào tạo rất bài bản".
Doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch
Một dẫn chứng minh họa cho sự phục hồi của nền kinh tế là trong một tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới ở TP Hồ Chí Minh đã tăng đến hơn 200% so với tháng trước. An toàn đang là yếu tố mà các địa phương và doanh nghiệp đang đặt lên hàng đầu. Công tác phòng chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cũng đang được đẩy mạnh.
Tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mỗi tuần một lần đã trở thành thói quen đối với anh Phan Thanh Quang - Trưởng ca máy in Công ty CP in Minh Phương. "Cùng tiến cùng lui" với doanh nghiệp trong thời gian vất vả vừa qua, anh càng ý thức được tầm quan trọng của sản xuất an toàn hiện nay.
"Công ty tổ chức tiêm phòng cho anh em công nhân thời gian qua rất tốt. Sau đó là tổ chức test hàng tuần cho anh em để đảm bảo để làm việc cho suôn sẻ", anh Quang nói.
Là một trong những nơi dẫn đầu về sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, theo báo cáo từ Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, dự kiến đến cuối tháng 11 này, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp trong khu sẽ khôi phục 100%. Tại đây, đã hình thành khu cách ly, điều trị những người lao động nhiễm COVID-19 không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ, tạo sự an tâm lớn cho người lao động và cả doanh nghiệp trong quá trình khôi phục lại sản xuất, kinh doanh hiện nay.
Không chỉ với người lao động, mà cả khách đến các nhà máy, doanh nghiệp cũng phải thực hiện các bước cần thiết để tránh nguy cơ lây nhiễm. Cẩn trọng trong từng khâu, chủ động thích ứng, các doanh nghiệp đang hoạt động trở lại với quyết tâm phục hồi mạnh hơn trước.
Để kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ hơn
Sự chủ động của các doanh nghiệp luôn luôn giữ vai trò quyết định để phục hồi sau dịch bệnh. Về dài hạn, để có sức bật hơn nữa, Việt Nam cần có những bước đi quyết liệt hơn nhằm khẳng định vị thế đi lên của mình.
"Các thành viên EuroCham lạc quan về tương lai nhưng thực tế vẫn có những thách thức trong ngắn hạn. Khoảng 49% các doanh nghiệp dự đoán triển vọng kinh tế ổn định và sẽ cải thiện trong quý tới nhưng 1/2 số công ty vẫn đang hoạt động ở mức giảm so với trước đại dịch. Điều này cho thấy vẫn còn những vấn đề cần giải quyết. Về dài hạn Việt Nam vẫn cần phải có hướng cải cách tích cực, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, hợp lý hóa hơn nữa các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hậu cần, đẩy mạnh số hóa… Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2022", ông Torben Minko - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham cho hay.
Ông Borge Brende - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF nói: "Tương lai của Việt Nam thực sự rất hứa hẹn khi Việt Nam đang đi trên con đường phát triển hoạch định đúng đắn. Những cam kết của Việt Nam về những vấn đề mới như phát triển công nghệ, về chuyển đổi số, cũng như năng lượng tái tạo rất được đón nhận, mở ra cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế".
Ông Yun Ok Hyon - Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: "Người lao động Việt Nam rất khéo léo và có kỹ năng cao. Ban đầu có thể mất một thời gian thích nghi, tuy nhiên sau khoảng 3 tháng là có thể đạt được trình độ kỹ thuật giống người Hàn Quốc. Đây cũng là lý do Hàn Quốc chú trọng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao tại Việt Nam".
"Các cơ sở sản xuất của chúng tôi ở Đồng Nai đã từng phải đóng cửa, nhưng nhờ các biện pháp ngăn chặn sớm và khả năng phục hồi của đội ngũ người lao động, chúng tôi đã có thể tiếp tục tái sản xuất. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn như thế này, chúng tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt vào chiến lược của Việt Nam và tiếp tục kế hoạch mở rộng của mình", ông Bruno Michael J Destombes - Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn RCG, Việt Nam nói.
Những nhận định của các chuyên gia và báo chí quốc tế phần nào cho thấy kinh tế Việt Nam đã và đang dần phục hồi bằng những thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Điều này cũng tạo niềm tin lạc quan đối với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài nói chung đang hoạt động tại Việt Nam.
Chính phủ đã quyết liệt, lắng nghe, cầu thị, kịp thời đưa ra những giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bắt nhịp trở lại với guồng sản xuất, dù vẫn còn những khó khăn thách thức. Và đây cũng là lúc doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng những bước đi mạnh mẽ, hiệu quả của Chính phủ trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.
Nguồn: VTV
Từ khóa: phục hồi kinh tế Việt Nam
Các tin khác
- Giải pháp kích cầu tiêu dùng sau đại dịch COVID-19 - 12/11/2021
- Chuyển trạng thái thích ứng an toàn, nhiều chỉ số kinh tế tích cực - 08/11/2021
- Kinh tế TP.HCM qua đại dịch - 08/11/2021
- Tăng cường kết nối, ổn định chuỗi cung ứng lao động hậu Covid-19 - 08/11/2021
- Cải thiện môi trường kinh doanh là nền tảng hỗ trợ phục hồi kinh tế - 05/11/2021