Sau 1 tháng “bình thường mới”, chỉ số sản xuất tăng gần 7% so với tháng trước. Đặc biệt, xuất khẩu vẫn đang tăng tốc trong 2 tháng cuối năm.
Tuyển thêm công nhân, nhận thêm đơn hàng…
Sản xuất công nghiệp trong tháng 10.2021 đã khởi sắc khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Số liệu cập nhật của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 đã tăng 6,9% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,1%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%...
Sản xuất tăng nên trong tháng 10, xuất khẩu ước tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 267,93 tỉ USD, tăng 16,6% so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 238,81 tỉ USD, tăng 17,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản xuất khẩu đạt 19,2 tỉ USD, tăng 15,1%…
Có thể thấy độ phục hồi của hệ thống sản xuất, xuất khẩu đang ngày càng mạnh mẽ. Ngay ngày đầu tháng 11, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ Trung An, hồ hởi khoe nhà máy của công ty ông đang “bứt hết công suất” để kịp đưa hàng ra cảng, xếp đủ lên tàu 11.111 tấn gạo xuất đi Hàn Quốc trong tháng 11 này, sau đó lại tiếp tục tăng tốc để tháng 12 hoàn tất hợp đồng với lượng gạo tương đương. “Nếu không có dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 6, hợp đồng xuất khẩu gạo này đã được giao hoàn tất trong tháng 9 và tháng 10. Đơn hàng bị chậm 2 tháng với sự cảm thông của phía khách hàng, chúng tôi vô cùng cảm kích điều đó nên nay được sản xuất bình thường trở lại, công ty dốc toàn bộ lực lượng, tuyển thêm nhân sự để hoàn tất đơn hàng trong thời gian ngắn nhất có thể. Từ giữa tháng 10, công ty bắt đầu xuất khẩu loạt đơn hàng đi châu Âu và đến nay gần 30 container gạo cao cấp của công ty xuất đi. Dự báo xuất khẩu gạo của Trung An có thể tăng 60 - 70% kim ngạch so với năm ngoái, nhờ vào những đơn hàng tăng trong quý 4”.
Công ty Hoàng Sơn chuyên sản xuất các loại hạt xuất khẩu cũng cho biết doanh thu của công ty vẫn giữ phong độ tăng trưởng 20 - 30% so với năm trước. Ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn, không giấu giếm kỳ vọng vươn lên trở thành nhà cung cấp hạt lớn cho thị trường khu vực và thế giới ngay sau dịch bệnh, với kế hoạch xây dựng thêm vài nhà máy rang, chiên các loại hạt tại Bình Dương. Lạc quan với con số xuất khẩu ngành điều bất chấp dịch bệnh vẫn tăng trưởng 18,8% sau 9 tháng, ông Huyên đánh giá những khó khăn giai đoạn dịch bệnh chỉ mang tính nhất thời, chủ yếu do những quy định giãn cách, hạn chế đi lại. Hệ quả từ dịch bệnh sẽ không để lại “những vết sẹo” lâu dài vì nhìn chung kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng ổn định, dư địa phát triển mạnh còn kéo dài. Đặc biệt, sau khi phục hồi sản xuất, nhiều đơn hàng mới đã được đưa về.
Theo ông Huyên, nội lực ngành sản xuất của Việt Nam hiện rất mạnh. Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất có ưu thế và sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh các cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra, chúng ta càng có cơ hội trở thành điểm đến được lựa chọn trong xu hướng dịch chuyển sản xuất của các thị trường lớn như Anh, Mỹ. Trở lại sau thời gian kìm nén về dịch bệnh sẽ là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp (DN) Việt chớp thời cơ, đón cơ hội phục hồi.
“Thực tế, chúng tôi có cơ sở để tự tin nói ra điều này nhờ quyết tâm xây dựng một chính sách vĩ mô ổn định, lực lượng lao động đông và trẻ, có địa thế thuận lợi... Cùng với đó, việc thúc đẩy ký được các hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn ngay trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra đã tạo tiền đề, mở ra cơ hội cho cộng đồng DN vực dậy, phát triển. Tôi tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng hồi phục và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn tới”, ông Huyên lạc quan nói.
Xuất khẩu tăng tốc
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, khẳng định xuất khẩu là điểm son tạo đà hồi phục kinh tế cho năm nay. Các chỉ số sản xuất tăng trưởng và xuất khẩu “nhích nhẹ” trong tháng 10 chưa thể hiện thực tế bức tranh hồi phục bởi các địa phương hoạt động xuất nhập khẩu mạnh như Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Do đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu trong 2 tháng tới rất quan trọng với nền kinh tế.
“Nghị quyết 128 nói lên quyết tâm phục hồi kinh tế của Chính phủ, an toàn đến đâu mở đến đó và khó khăn đến đâu cũng tháo gỡ đến đó. Điều này tạo tâm lý ổn định hơn cho DN, nhà đầu tư, qua đó tạo niềm tin cho đối tác nước ngoài hơn. Trên cơ sở chỉ số sản xuất kinh doanh tăng, trong đó chế biến, chế tạo sẽ tăng mạnh cuối năm nay, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Với đà này, trong tháng 11 và 12, xuất khẩu sẽ tăng tốc mạnh, dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm nay đạt trên 20%”, ông Thịnh nói và dự đoán GDP năm nay ước đạt 4 - 4,5%.
Nếu nhà nước nhanh chóng xử lý tốt vấn đề lực lượng lao động, cùng với các chính sách hỗ trợ ngắn hạn về thanh khoản, dòng tiền, thuế, phí... thì đây sẽ là cơ hội cực tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam bật dậy nhanh chóng, đón đầu nhu cầu phục hồi
GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
Còn GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, lý giải giai đoạn tạm đóng cửa chống dịch, chúng ta lo ngại các đối tác nước ngoài sẽ quay lưng, rời bỏ Việt Nam; nhưng thực tế chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy trong đại dịch lại chứng minh Việt Nam đang nắm giữ 1 vị trí mắt xích quan trọng trong chuỗi này. Thống kê vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu thời gian qua sụt giảm nhưng riêng phần vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh tới 50%, ấn tượng hơn cả Trung Quốc. Theo ông, bên cạnh vị thế địa chính trị của Việt Nam trong bối cảnh khu vực và quốc tế, yếu tố quan trọng nhất khiến Việt Nam hấp dẫn đầu tư nước ngoài là môi trường kinh tế, chính trị ổn định. Điều này càng được thể hiện rõ hơn trong bối cảnh đại dịch. Đơn cử, dự trữ ngoại hối vẫn tăng cao bất chấp dịch bệnh, ở mức hơn 100 tỉ USD, trở thành tấm đệm vững chắc phòng ngừa rủi ro, bất ổn. Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái được giữ khá ổn định, trong 1 năm trở lại đây còn có chiều hướng tăng giá. Các chính sách trong hệ thống ngân hàng cũng được điều tiết linh hoạt, ổn định, sức chống chịu tốt, thậm chí còn tăng trưởng dương giữa đại dịch...
“Môi trường kinh tế, chính trị, nền tảng vĩ mô ổn định là yếu tố tiên quyết giúp Việt Nam có lợi thế rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Giai đoạn tới, khi vắc xin đã được phủ rộng rãi, thị trường sẽ phục hồi rất nhanh, đặc biệt là hàng hóa sẽ tăng trưởng rất mạnh. Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại các nước phát triển đều đang vướng phải nút thắt cổ chai là nguồn lao động khi nguồn cung lao động giảm, giá nhân công tăng cao. Nếu nhà nước nhanh chóng xử lý tốt vấn đề lực lượng lao động, cùng với các chính sách hỗ trợ ngắn hạn về thanh khoản, dòng tiền, thuế, phí... thì đây sẽ là cơ hội cực tốt cho các DN Việt Nam bật dậy nhanh chóng, đón đầu nhu cầu phục hồi”, ông Thơ nhận định.
Nguồn: Thanh Niên
Từ khóa: kinh tế tăng tốc, nới lỏng giản cách, chính sách Tài chính
Các tin khác
- Khắc phục hậu quả của Covid-19 bằng giải pháp trúng, mạnh, nhanh: TPHCM tăng tốc phát triển từ 2022 - 01/11/2021
- Hỗ trợ nền kinh tế và ứng phó hiệu quả với Covid-19 - 27/10/2021
- Tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19: Bí quyết trở thành điểm sáng - 25/10/2021
- Các chính sách thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ hàng hóa đã phát huy tác dụng - 22/10/2021
- Vượt qua khủng hoảng Covid-19 để vươn lên (*): Cơ hội đổi mới kinh tế - 21/10/2021