Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
HẬU COVID-19Việt NamChuyên gia đánh giá tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đến hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam và một số khuyến nghị

Chuyên gia đánh giá tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đến hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam và một số khuyến nghị

covid td VN

Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đợt dịch này có nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế và có ít nhất 8 lĩnh vực chịu tác động rõ nét. Ở kịch bản cơ sở, Nhóm chuyên gia dự báo GDP năm 2021 tăng trưởng 5,8 - 6%, thấp hơn so với mức 6,1 - 6,3% họ đưa ra hồi đầu tháng 6 và mức 6,5 - 7% dự báo hồi đầu năm.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã lan rộng 58 tỉnh, thành phố và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam. Khác với các đợt bùng phát trước đây, lần thứ 4 này các biến chủng virus khác nhau, có tốc độ lây lan nhanh, nghiêm trọng và khó kiểm soát hơn, với tâm dịch là các tỉnh, thành phố lớn, tại các địa điểm tập trung đông người như bệnh viện, khu công nghiệp, đông dân cư, gây khó khăn cho hệ thống y tế cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương, đòi hỏi chiến lược phòng chống dịch mới và chiến lược vaccine quyết liệt và hiệu quả hơn.

Tiếp theo các báo cáo đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đã thực hiện trong thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV thực hiện báo cáo Đánh giá tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đến hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam và một số khuyến nghị, trong đó đánh giá tác động đợt bùng phát lần thứ 4 tới hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam, dự báo kịch bản tăng trưởng cả năm và đưa ra một số khuyến nghị phù hợp.

Chúng tôi xin đăng tải Báo cáo để quý độc giả cùng theo dõi.

-----

1. Đánh giá tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tới nền kinh tế Việt Nam

So với các đợt dịch trước, đợt bùng phát lần thứ 3 kéo dài 57 ngày (từ ngày 28/1 đến hết ngày 25/3/2021), đợt dịch lần thứ 4 này có phạm vi rộng hơn, số ca lây nhiễm tăng nhanh, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng GDP quý 2/2021 đạt 6,61% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 0,39% và 1,82% của cùng kỳ năm trước, một phần là so sánh với mức nền rất thấp của năm trước. Hoạt động xuất - nhập khẩu (XNK) 6 tháng năm đầu 2021 tăng mạnh, ước đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020, nhờ sự phục hồi của các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU…v.v.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng đã sớm phản ánh tác động tiêu cực của đợt dịch này. Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ít nhất có 8 lĩnh vực chịu tác động rõ nét.

Một là, đối với lĩnh vực nông nghiệp, đợt dịch này cũng ảnh hưởng tới quá trình canh tác, thu hoạch và đặc biệt là tiêu thụ nông sản trên một số địa bàn như Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp, công thương, hải quan, quân đội, công an tích cực hỗ trợ nông dân để có thể duy trì hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch bệnh. Do đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá tác động của đợt dịch này đối với lĩnh vực nông nghiệp là không quá lớn, nhưng rất cần sự tiếp tục hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương liên quan. Kết thúc 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn mức tăng 4,24% của cùng kỳ năm 2011 trong 10 năm qua.           

Hai là, sản xuất công nghiệp (SXCN) tuy vẫn giữ được đà tăng nhưng đã chậm lại do ảnh hưởng của dịch tại các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn là Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và gần đây là Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp…v.v. Chỉ số SXCN (IIP) tháng 6/2021 tăng 6,8% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng 24,1% của tháng 4 và 11,6% của tháng 5. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm mạnh từ 53,1 điểm của tháng 5 xuống còn 44,1 điểm trong tháng 6.

Theo đó, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng với nhiều ngành sản xuất đang hiện hữu. Mặc dù một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang đã dần được kiểm soát nhưng các tâm dịch khác như TP. HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang…đều là các trung tâm sản xuất công nghiệp, trong đó TP. HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 22% GDP cả nước, là đầu tàu kinh tế (nhất là thương mại, dich vụ, du lịch, logistics…), có tính lan tỏa lớn tới các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Mặc dù Chính phủ và các địa phương đang tập trung nhiều biện pháp để duy trì sản xuất như tập trung xét nghiệm, tiêm vaccine cho công nhân, phân ca để tái sản xuất, kinh doanh... nhưng các hoạt động kinh tế - xã hội thường có tính tương tác; và tác động của dịch bệnh sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục lại mức cũ; nguy cơ đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn đang ở mức cao. Điều này cũng đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động xuất khẩu khi kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 29% trong khi nhập khẩu tăng 36,3%, khiến nhập siêu quay trở lại (khoảng gần 1 tỷ USD, theo TCHQ).

Ba là, dịch vụ là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất, khi tăng trưởng của khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 3,96%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong 10 năm qua, thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân 6,42% giai đoạn 2011-2019. Trong đó, tổng mức bán lẻ chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng trưởng âm 0,8% cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng trên 10% của những năm trước dịch); riêng tháng 6/2021, tổng mức bán lẻ giảm 2% so với tháng trước và giảm 6,6% so với cùng kỳ do nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, giải trí, lữ hành …phải đóng cửa.

Cùng với đó, những lĩnh vực dịch vụ khác như du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải - kho bãi, y tế, giáo dục - đào tạo…tiếp tục chịu tác động trực tiếp, tiêu cực nhất khi hầu hết các hoạt động du lịch dừng lại; vận tải – kho bãi chậm tiến độ, chi phí tăng; y tế căng mình chống dịch trong khi dịch vụ y tế khác bị hạn chế (dù giá trị gia tăng có tăng) và hoạt động giáo dục – đào tạo phải thay đổi phương thức đào tạo, thi cử, nhiều chương trình giãn, hoãn (dù giá trị gia tăng có tăng nhưng lượng doanh nghiệp phải đóng cửa nhiều)….v.v. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6%; doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước giảm 51,8%; giá trị gia tăng của lĩnh vực lưu trú – ăn uống giảm 5% so với cùng kỳ năm trước…v.v.

Bốn là, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng bị ảnh hưởng. Tổng vốn FDI đăng ký (gồm cả vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần) đạt 15,3 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2019). Điểm đáng mừng là vốn FDI giải ngân tăng 6,8% và 1,5% lần lượt so với cùng kỳ năm 2020 và 2019), thể hiện nhà đầu tư cũ vẫn quyết định mở rộng đầu tư đối với các dự án đang triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, vốn đăng ký giảm thể hiện một phần là do đợt dịch mới và sau này (nếu có) có thể làm chậm tiến độ triển khai dự án của các doanh nghiệp; thậm chí ảnh hưởng tới cả quyết định của các doanh nghiệp FDI khác đang xem xét dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam. Chúng ta cần nhận diện rõ nguy cơ này để có giải pháp đẩy mạnh thu hút FDI phù hợp trong thời gian tới.

Năm là, đối với hoạt động đầu tư công, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình. Điều này khiến cho đầu tư công trong tháng 6 và tháng 7 có biểu hiện giảm tốc so với các tháng trước khi nhiều địa phương phải tập trung nguồn lực và ưu tiên phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, giá nguyên vật liệu tăng mạnh thời gian qua cũng khiến một số dự án phải điều chỉnh dự toán đầu tư (khá tốn thời gian) và một số doanh nghiệp trì hoãn thi công…v.v. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giải ngân đầu tư công chỉ tăng 10,2% so với cùng kỳ, thấp hơn các mức tăng 16,3% và 14,2% của 4 tháng và 5 tháng đầu năm cũng như mức tăng 20,5% của cùng kỳ năm 2020.

Sáu là, hoạt động doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Lũy kế 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lần lượt tăng 8,1% và 3,9% so với cùng kỳ năm 2020 (chủ yếu do mức tăng trong 4 tháng đầu năm trước khi dịch bệnh tái bùng phát). Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và hoàn tất giải thể lần lượt tăng 22,1% và 33,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tăng mạnh thuộc các lĩnh vực du lịch, dịch vụ việc làm, lưu trú – ăn uống, kinh doanh BĐS, y tế và giáo dục – đào tạo.

Bảy là, đợt dịch này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của người dân. Đặc biệt, lao động tại các khu công nghiệp và nhiều lực lượng lao động tự do tại các tỉnh, thành phố có dịch (đối tượng dễ bị tổn thương) đang chịu ảnh hưởng trực tiếp về giảm thu nhập, mất việc làm, thay đổi công việc, tâm lý nặng nề hơn…v.v. Theo TCTK, trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 12,8 triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với 66,4% bị giảm thu nhập. Do đó, rất cần có sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cũng như các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước.

Tám là, diễn biến phức tạp của dịch bệnh và những khó khăn của cả doanh nghiệp và người dân nêu trên sẽ là nguy cơ, rủi ro đối với hoạt động của ngành tài chính - ngân hàng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù hoạt động kinh doanh của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục khả quan, nhưng nợ xấu đang gia tăng (dự báo tăng khoảng 8-10% so với cuối năm 2020); kết quả kinh doanh cuối năm sẽ khác bởi các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro với lộ trình 3 năm (2021-2023) cho các khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 03 của NHNN (hiệu lực từ 17/5/2021). Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ sẽ còn tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, người dân (là khách hàng của TCTD), dẫn đến nợ xấu tiếp tục tăng trong thời gian tới, có thể lên đến 2,5% cuối năm 2021.

covid td VN1

Tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm 2021 đến nay tới 16 ngành kinh tế (chiếm khoảng 76,5% GDP năm của Việt Nam) được đánh giá trên 3 tiêu chí: (i) sản lượng, giá trị gia tăng hoặc kim ngạch XNK, (ii) biến động của giá cổ phiếu (thể hiện đánh giá của thị trưởng và nhà đầu tư), và (iii) số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Kết quả được tóm tắt tại Bảng 1 trên đây, trong đó, có 5 lĩnh vực chịu tác động tiêu cực nhiều nhất là du lịch, vận tải – kho bãi, lưu trú - ăn uống, y tế và giáo dục – đào tạo. Tuy nhiên, số liệu thông kê mới tính đến ngày 20/6 và giá cổ phiếu tính đến hết tháng 6/2021 chưa phản ánh hết được tác động tiêu cực của đợt dịch này do có độ trễ và mức độ tác động sẽ rõ nét hơn trong tháng 7 và có thể cả tháng 8/2021.


2. Kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2021

Căn cứ vào những đánh giá tác động của đợt dịch này cũng như cơ hội, thách thức từ nay đến hết năm 2021, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng kinh tế và một số lĩnh vực năm 2021 theo 3 kịch bản dưới đây.

Với kịch bản cơ sở: các nước trên thế giới cơ bản triển khai thành công việc tiêm vaccine vào quý 4/2021, giúp giảm dần tình trạng lây nhiễm, khôi phục đa số hoạt động kinh tế - xã hội tại các nước; căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị lắng dịu hơn tạo tiền đề khôi phục thương mại và đầu tư toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong tháng 8/2021, tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, nền kinh tế tăng trưởng theo xu hướng xanh, bền vững hơn trên nền tảng kinh tế số, đổi mới sáng tạo, quá trình cơ cấu lại được thúc đẩy, thu hút đầu tư (cả trong và ngoài nước) hồi phục tạo điều kiện phục hồi, tăng trưởng kinh tế tích cực. Khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt từ 5,8-6%.

Với kịch bản tích cực, các nước trên thế giới cơ bản triển khai thành công việc tiêm vaccine vào quý 4/2021 giúp giảm dần tình trạng lây nhiễm, khôi phục đa số hoạt động kinh tế - xã hội tại các nước; căng thẳng thương mại và bất ổn địa chính trị lắng dịu hơn tạo tiền đề khôi phục thương mại và đầu tư toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ngay trong tháng 7/2021, tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được đẩy nhanh; quá trình cơ cấu lại, chuyển đổi số được thúc đẩy; thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tiêu dùng nội địa hồi phục nhanh...v.v. Khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 6,3-6,5%.

Với kịch bản tiêu cực, tới cuối năm 2021 dịch bệnh mới cơ bản được kiểm soát ở khối các nước phát triển, vaccine chậm đưa vào tiêm chủng tại các quốc gia đang phát triển do hạn hẹp về nguồn cung, quá trình phục hồi khó khăn, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu chỉ phục hồi nhẹ. Tại Việt Nam, đợt dịch này cơ bản được kiểm soát đến hết quý 3/2021, quá trình tiêm vaccine chậm triển khai và chỉ đạt mức miễn dịch cộng đồng vào quý 3/2022, dẫn tới việc chậm khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 5,1-5,3%.

Bảng 2: Tăng trưởng GDP và các khu vực kinh tế năm 2019, 2020 và dự báo 2021 (%, yoy)

covid td VN2

Mức dự báo GDP năm 2021 tăng trưởng 5,8-6% (theo kịch bản cơ sở) là thấp hơn khá nhiều so với dự báo đầu năm (6,5-7%) hay đầu tháng 6/2021 (6,1-6,3%) của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thấp hơn mức dự báo (tháng 5/2021) của Citi Research (6,3%) và đầu tháng 7 của HSBC (6,1%).

3. Bốn khuyến nghị

Mặc dù nền kinh tế vẫn duy trì đà phục hồi trong 6 tháng đầu năm, song trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và doanh nghiệp cũng như đà phục hồi kinh tế của cả nước, để vượt qua thách thức và chủ động chuẩn bị tiền đề cho giai đoạn tới, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV có bốn khuyến nghị như sau.

 Một là, nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay vẫn phải là tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả cùng với việc đẩy nhanh tiến trình vaccine; bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quyết định ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế.

Hai là, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã ban hành cùng với việc đánh giá, nghiên cứu có thể cần đưa ra các phương án, gói hỗ trợ bổ sung tiếp theo.

Ba là, cập nhật kịch bản phục hồi, phát triển KT-XH trong bối cảnh mới đến hết năm 2021 và giai đoạn 2022-2025; trong đó, cần kiên định mục tiêu kép, tìm kiếm các động lực tăng trưởng thay thế, bổ sung và chính sách phục hồi xanh như: (i) đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; (ii) đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu  hút, phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; (iii) tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp) trong bối cảnh xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng vẫn diễn ra; (iv) thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân (cả doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể); phù hợp với định hướng tập trung khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường nội địa và hỗ trợ DNNVV; (v) đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa; (vi) kiên quyết rà soát, quản lý, khai thác hiệu quả hơn tài sản công (nhất là đất đai, trụ sở, tài sản công khác); (vii) đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp; và (viii) cập nhật, điều chỉnh Chiến lược phát triển kinh tế xanh giai đoạn 2021-2030 phù hợp bối cảnh hậu dịch Covid-19. Muốn làm được những việc này, các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cần nhất quán ưu tiên triển khai.

Bốn là, kiện định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; theo đó, không chủ quan với lạm phát (nhưng không thái quá); tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và giá cả; kiểm soát rủi ro bong bóng tài sản, tài chính; và duy trì tài khóa ổn định (lưu ý kiểm soát rủi ro nghĩa vụ trả nợ đang gia tăng; đa dạng hóa, nuôi dưỡng nguồn thu, giảm dựa vào nguồn thu từ đất đai, chứng khoán; chính sách thuế cần thực sự trở thành công cụ điều tiết hành vi cá nhân, thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp, góp phần quan trọng ổn định tài khóa quốc gia…).  

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Nguồn: Nhịp sống kinh tế

Từ khóa: tác động kinh tế, Covid- 19, tăng trưởng, xuất khẩu

Hậu Covid-19

Menu

Chuyên mục RCEP

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007371638
Go to top