Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Phân tích bình luậnHội nhập kinh tế quốc tếTriển vọng kinh tế Đông Nam Á: Những thuận lợi và thách thức

Triển vọng kinh tế Đông Nam Á: Những thuận lợi và thách thức

vna potal singapore kim ngach xuat khau thang 112018 bat ngo giam manh stand

Mặc dù vẫn là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng khu vực Đông Nam Á còn rất nhiều việc phải làm để hiện thực hóa những cam kết của mình.

Theo báo The Straits Times, trong bối cảnh ảm đạm và tiêu cực vây quanh với lãi suất toàn cầu tăng, cuộc xung đột Nga-Ukraine, rạn nứt Mỹ-Trung và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, triển vọng đối với các nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ tới dường như vẫn tương đối tươi sáng. Hay ít nhất đó là kết luận rộng rãi của hai báo cáo mới đây: một báo cáo về các nền kinh tế Đông Nam Á và báo cáo kia là về các lĩnh vực số của khu vực.

Tuy nhiên cũng có những khó khăn, đặc biệt là trong ngắn hạn, có thể làm giảm triển vọng tích cực đối với khu vực. Cũng có những sự kiện khó tiên liệu – ví dụ những căng thẳng ở eo biển Đài Loan (Trung Quốc), những thảm họa khí hậu không lường trước hay một cuộc khủng hoảng tài chính khác có thể gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng hơn.

Chương trình nghị sự hỗ trợ tăng trưởng

Công ty tư vấn Bain & Company và công ty đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures đã lập mô hình hơn 20 biến số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở 6 nền kinh tế lớn nhất của Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, và đạt được một số kết luận khả quan.

Thứ nhất, các nền kinh tế này, dẫn đầu là Việt Nam, sẽ được hưởng lợi từ chương trình nghị sự hỗ trợ tăng trưởng. Trong 5 năm qua, Indonesia và Việt Nam đã đạt được những sự cải thiện mạnh mẽ về các chỉ số “thuận lợi trong kinh doanh” do Ngân hàng Thế giới (WB) tổng hợp, trong khi các nước còn lại (trừ Philippines) có lịch sử hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngoại trừ Singapore, quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng toàn cầu, các nước còn lại chỉ ngang hàng với các nước Đông Âu, Mexico, Chile, Trung Quốc và Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE). Vì vậy, nói cách khác, theo báo cáo, xét về mức độ dễ dàng kinh doanh, các nền kinh tế Đông Nam Á là “đủ tốt, nhưng không phải là ngoại lệ”.

Dù vậy, triển vọng tăng trưởng của các nước này sẽ được nâng lên nhờ việc họ tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào năm 2022 và sẽ gia tăng thương mại khu vực nội châu Á khi các nền kinh tế phương Tây chuyển sang khu vực hóa.

Đông Nam Á cũng làm tốt trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tỷ lệ FDI trong tổng vốn đầu tư vào khu vực vượt của Trung Quốc, Nam Á hay Đông Âu – mặc dù phần của Singapore cao một cách mất cân xứng. Nếu loại trừ “đảo quốc Sư tử”, các số liệu FDI của Đông Nam Á ít ấn tượng hơn và tính theo đầu người thì thấp hơn Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, khu vực này cũng được hưởng lợi từ vai trò của Singapore trong việc chuyển kênh đầu tư vào khu vực, cũng như cung cấp các dịch vụ cao cấp.

Singapore ở vị trí thuận lợi để tận hưởng những “luồng gió mới” khi hòn đảo này thu hút vốn và nhân tài từ Hong Kong (Trung Quốc), cũng như những khoản đầu tư của các công ty công nghệ lớn như Alibaba và ByteDance từ Trung Quốc sau khi nước này kiểm soát chặt chẽ đối với các công ty công nghệ lớn.

Đông Nam Á cũng thu được lợi ích không chỉ về thương mại với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của khu vực - mà còn về các khoản đầu tư khi các công ty chuyển một số hoạt động từ Trung Quốc sang khu vực, vì chi phí lao động thấp hơn và những động thái nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là cơ sở sản xuất.

Sự bùng nổ nền kinh tế số

Một điểm sáng khác là sự mở rộng của nền kinh tế số ở Đông Nam Á, mà báo cáo chỉ ra rằng sẽ tác động trực tiếp đến đầu tư, đổi mới sáng tạo, tính bao trùm và tăng trưởng năng suất theo công nghệ số trong khoảng 30% đến 40% nền kinh tế tổng thể của khu vực.

Một báo cáo khác của các công ty Google, Temasek và Bain về nền kinh tế số Đông Nam Á ước tính trong năm 2022, nền kinh tế số của khu vực trên đà tăng trưởng 20% so với năm 2021, lên khoảng 200 tỷ USD về giá trị hàng hóa toàn cầu (đề cập đến giá hàng hóa và dịch vụ được giao dịch kỹ thuật số, không tính các dịch vụ tài chính), sớm hơn ba năm so với lần phát hành báo cáo đầu tiên được đưa ra vào năm 2016.

Việc áp dụng kỹ thuật số đã bùng nổ mạnh mẽ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong số 460 triệu người dùng Internet của khu vực, khoảng 100 triệu người đã truy cập trực tuyến trong ba năm qua, cung cấp “năng lượng” cho các dịch vụ như thương mại điện tử - thành phần lớn nhất của nền kinh tế số - giao đồ ăn, nhạc trực tuyến, video, trò chơi và gần đây là du lịch.

Việc cấp vốn cho công nghệ vẫn diễn ra mạnh mẽ trong khu vực, với giá trị các giao dịch tăng 13% trong 12 tháng tính đến tháng 6/2022. Google, Bain và Temasek dự báo quy mô nền kinh tế số của Đông Nam Á sẽ đạt 330 tỷ USD vào năm 2025, tăng với tỷ lệ hơn gấp đôi tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và có thể tăng mạnh lên tới hơn 600 tỷ USD vào năm 2030.

Theo báo cáo của Bain và Monk’s Hill Ventures, nhân khẩu học của Đông Nam Á cũng sẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng dài hạn hơn của khu vực. Trừ Singapore, Thái Lan và Việt Nam, dân số các nước đang tăng nhanh hơn tốc độ thay thế. Với hơn 2/3 dân số khu vực (hay khoảng 452 triệu người) ở độ tuổi từ 15 đến 64, nhân khẩu học của Đông Nam Á đang ở vị trí thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, khu vực này cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại.

Khoảng cách về đào tạo và kỹ năng

Một vấn đề lớn là, nếu thiếu trình độ học vấn và kỹ năng thì bất kỳ lợi thế nhân khẩu học nào cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Báo cáo của Bain và Monk’s Hill Ventures lưu ý rằng nhiều chính phủ Đông Nam Á (Singapore vẫn là ngoại lệ nổi bật) đã coi nhẹ giáo dục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và người dân của họ có trình độ kỹ năng thấp hơn nhiều so với người dân ở Trung và Đông Âu.

Cơ sở hạ tầng là một lĩnh vực khác trong đó Việt Nam, Indonesia và Philippines thiếu các tiêu chuẩn vốn phổ biến ở nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Những yếu kém tương đối của một số quốc gia Đông Nam Á trong việc phát triển kỹ năng và cơ sở hạ tầng sẽ cản trở khả năng của họ trong việc tận dụng lợi thế về chi phí tiền lương đối với Trung Quốc.

Hơn nữa, bất chấp môi trường kinh doanh đang xấu đi do sự thay đổi trong ưu tiên chính sách, Trung Quốc sẽ giữ lại phần lớn hệ sinh thái chuỗi cung ứng đã phát triển trong nhiều thập kỷ. Với thị trường tiêu dùng lớn và cơ sở nhân tài sâu rộng, Trung Quốc vẫn là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm. Trong ngắn hạn, tăng trưởng chậm lại của nước này có thể kéo dài do chính sách "Zero COVID" được tiếp tục và những căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản sẽ tác động đến thương mại của nước này với Đông Nam Á.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm mạnh vào năm 2022 xuống còn 3,2%, từ mức 7,2% của năm 2021, phần lớn là do sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.

Thách thức về lạm phát

Đối phó với lạm phát cũng sẽ là một thách thức đối với Đông Nam Á. Báo cáo của Bain và Monk’s Hill Ventures chỉ ra rằng khu vực này đã giảm dần lạm phát, dao động từ mức trung bình 1,4% ở Thái Lan đến 5,9% ở Việt Nam trong giai đoạn 2010-2020.

Tuy nhiên, năm 2022, lạm phát đang tăng lên và vượt xa mục tiêu của các ngân hàng trung ương trên khắp khu vực, vì giá lương thực và năng lượng cao hơn và các đồng tiền đều yếu hơn so với đồng USD từ 5-10%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng những sự mất giá gần đây đã bắt đầu chuyển sang lạm phát cơ bản trên toàn khu vực và điều này có thể khiến lạm phát ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến trước đó.

Sự suy yếu của tiền tệ cũng có thể gia tăng khi lãi suất của Mỹ thậm chí còn tăng cao hơn và kích hoạt dòng vốn chảy ra khỏi khu vực, trong sự lặp lại của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Hơn nữa, trong đánh giá triển vọng kinh tế khu vực mới đây, WB lưu ý rằng trong quá khứ, lạm phát ở Đông Nam Á một phần được kìm hãm bởi các biện pháp kiểm soát giá và trợ cấp lương thực và nhiên liệu ở Malaysia và Indonesia nói riêng.

Tuy nhiên, các chính sách này đã gây ra những vấn đề khác như thâm hụt tài khóa cao hơn, chuyển các nguồn lực ra khỏi chi tiêu cho y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng, cũng như tình trạng bất bình đẳng, vì các khoản trợ cấp đem lại lợi ích cho người giàu nhiều hơn cho người nghèo. Một cuộc “đại tu” các cơ chế trợ cấp – hiện đang diễn ra – sẽ đẩy lạm phát lên cao.

Sự thụt lùi trong các chính sách về khí hậu

Cuối cùng, như báo cáo của Bain và Monk’s Hill Ventures thừa nhận, một số quốc gia Đông Nam Á có thể bị các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU) phạt vì các chính sách khí hậu thụt lùi của họ. Ví dụ, Malaysia tiếp tục phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, khí đốt và xuất khẩu dầu cọ trong khi Indonesia vẫn phụ thuộc vào than đá cho 60% nhu cầu năng lượng trong nước.

Trên khắp khu vực, tiến độ phát triển năng lượng tái tạo và phi carbon các lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, khai mỏ, vận tải, xi măng và thép vẫn còn yếu, mức độ phá rừng và ô nhiễm không khí vẫn cao. Đông Nam Á cũng là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có mực nước biển dâng – đặc biệt là ở các vùng ven biển nơi phần lớn dân số sinh sống. Tuy nhiên, các biện pháp thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu của các nước trong khu vực vẫn chưa thỏa đáng.

Tóm lại, mặc dù Đông Nam Á vẫn là điểm sáng tương đối trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng khu vực này vẫn còn rất nhiều việc phải làm trên nhiều lĩnh vực nếu muốn hiện thực hóa đầy đủ cam kết của mình./.

Nguồn: TTXVN

Từ khóa: triển vọng kinh tế

Phân tích - Bình luận

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007371735
Go to top