Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Phân tích bình luậnHội nhập kinh tế quốc tếHoa Kỳ và EU chấm dứt tranh chấp hàng không để bắt tay đối phó của Trung Quốc

Hoa Kỳ và EU chấm dứt tranh chấp hàng không để bắt tay đối phó của Trung Quốc

201 1603067739388

Thỏa thuận được đưa ra khi Tổng thống Biden gặp các nhà lãnh đạo châu Âu, chấm dứt tranh chấp kéo dài 17 năm về trợ cấp máy bay.

Hoa Kỳ và châu Âu hôm thứ Ba đã đồng ý gác lại tranh chấp kéo dài 17 năm về trợ cấp máy bay cho Boeing và Airbus, và hợp tác cùng nhau để chống lại tham vọng thống trị toàn cầu của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp chủ chốt.

Thỏa thuận giúp tạm hoãn nguy cơ đánh thuế trừng phạt lẫn nhau trị giá hàng tỷ đô la giữa hai nền kinh tế thêm 5 năm. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự nghiêm túc của Tổng thống Biden trong việc sửa chữa quan hệ với Liên minh châu Âu và khiến ‘khối nhà giàu’ này đứng về phía mình để đối phó với cái mà ông gọi là thách thức ‘thế hệ’ từ sự trỗi dậy của một Trung Quốc chuyên quyền và phát triển về công nghệ.

Ông Biden coi châu Âu là đồng minh chứ không phải “kẻ thù” kinh tế như cựu Tổng thống Donald J. Trump đã làm, và ông đã cam kết làm việc với Liên minh châu Âu để chống lại tham vọng quân sự, kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Mặc dù ông Trump cũng nhìn thấy những nguy cơ của một Trung Quốc không bị ràng buộc, ông đã không cố gắng kéo châu Âu đi cùng, thay vào đó trừng phạt khối này bằng thuế quan. Ông Biden tin rằng, khi châu Á nói chung gia tăng về dân số và sự giàu có, thế giới dân chủ tin tưởng vào pháp quyền và các thể chế đa phương phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ nền kinh tế và các giá trị của mình.

“Châu Âu là đối tác tự nhiên của chúng tôi, vì chúng tôi cam kết tuân theo các chuẩn mực và thể chế dân chủ giống nhau, và châu Âu đang ngày càng bị tấn công,” ông Biden nói trong bài phát biểu tại Brussels.

Thỏa thuận có nghĩa là các mức thuế trừng phạt đáng kể ước tính lên tới 11,5 tỷ USD, đối với nhiều loại sản phẩm bao gồm các bộ phận máy bay, rượu vang, máy kéo, rượu mạnh, mật mía và pho mát, sẽ tiếp tục bị đình chỉ. Trước đó vào tháng 3/2021, hai bên đã đồng ý tạm ngừng đánh thuế trong quá trình đàm phán để giải quyết tranh chấp. Cuộc chiến hàng không bắt đầu nổ ra vào năm 2004, xuất phát từ các khoản trợ cấp của châu Âu dành cho Airbus.

Eswar S. Prasad, cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế về Trung Quốc, cho biết: “Chính quyền Biden rõ ràng đang mong muốn giảm leo thang căng thẳng với các đồng minh truyền thống trong khi xây dựng lại mặt trận chung với họ để cứng rắn hơn với Trung Quốc”. “Cùng lúc với việc Hoa Kỳ quay trở lại lãnh đạo G7, các nền kinh tế lớn của phương Tây rõ ràng đang đoàn kết hơn trong nỗ lực kiềm chế những gì họ coi là hoạt động thương mại và kinh tế không công bằng của Trung Quốc”.

Đó sẽ là một nhiệm vụ tế nhị đối với châu Âu, vì khối này đang giao dịch một lượng lớn thương mại với Trung Quốc và không coi Bắc Kinh là đối thủ ngang hàng hay đối thủ quân sự như Washington vẫn xem. Nhưng châu Âu cũng hiểu rằng tham vọng mở của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình và việc nước này lạm dụng các quy tắc thương mại ở nước ngoài và lạm dụng vấn đề nhân quyền ở trong nước đã khiến Trung Quốc trở thành một đối tác phức tạp hơn nhiều.

Liên minh châu Âu hiện xác định Trung Quốc là “một đối thủ kinh tế và một đối thủ hệ thống”, không còn tin tưởng rằng thương mại và hợp tác sẽ dung hòa mối quan hệ chính trị, như những gì mà Thủ tướng Đức Angela Merkel từ lâu đã lập luận.

Michael Pillsbury, học giả Viện Hudson, một trong những cố vấn hàng đầu về Trung Quốc của ông Trump, cảnh báo rằng chính quyền Biden sẽ “gặp khó khăn hơn nhiều so với những gì họ nghĩ để khiến các đồng minh này công khai đứng về phía Mỹ trong chiến lược Trung Quốc vì sự phụ thuộc lớn của EU vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc”. Đức cũng đang phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc, khi phần lớn ô tô của nước này là xuất sang Trung Quốc.

Các quan chức Đức cho biết họ sẽ cần thời gian để thay đổi nền kinh tế dựa vào xuất khẩu hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, và hiểu rằng người Trung Quốc sẽ sớm có thể tự sản xuất một số công cụ máy móc tinh vi mà hiện nay nước này phải nhập khẩu từ các công ty Châu Âu tiên tiến hơn.

Động thái lắng dịu trong tranh chấp Airbus - Boeing diễn ra khi ông Biden gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU. Cũng tại hội nghị này, hai bên đã thành lập một Hội đồng Công nghệ và Thương mại chung để tham vấn chính thức hơn về các tiêu chuẩn thương mại và kỹ thuật. Một trong những mục đích của hội đồng mới này còn là nhằm  thống nhất biện pháp để kiềm chế tham vọng kỹ thuật số của Trung Quốc trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng, đồng thời sàng lọc các khoản đầu tư của Trung Quốc vào những lĩnh vực có thể có tác động an ninh đối với châu Âu và Hoa Kỳ.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng hội đồng sẽ hoạt động như một cơ quan liên ngành và phối hợp với Brussels trong các lĩnh vực ưu tiên như tiêu chuẩn về trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và công nghệ sinh học, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và kiểm soát xuất khẩu. Các quan chức châu Âu cho biết công việc của họ có thể sẽ bắt đầu với các vấn đề nhạy cảm như chất bán dẫn và cơ sở hạ tầng 5G.

Thỏa thuận giữa Boeing-Airbus diễn ra sau hai ngày đàm phán căng thẳng tại Brussels giữa Katherine Tai, đại diện thương mại Hoa Kỳ và Valdis Dombrovskis, Ủy viên Thương mại EU. Các nước thành viên châu Âu đã thông qua thỏa thuận trong một đêm.

“Điều này thực sự mở ra một chương mới trong mối quan hệ của chúng tôi vì chuyển từ kiện tụng sang hợp tác về máy bay - sau 17 năm tranh chấp,” Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen cho biết.

Sau đó, ông Biden đã bay đến Geneva để gặp Tổng thống Nga Vladimir V. Putin. Ông Biden sẽ có thể nói chuyện với Nga với tư cách là nhà lãnh đạo của các nền dân chủ phương Tây, đã từng tham dự các cuộc họp thượng đỉnh của G7, NATO và bây giờ là Liên minh châu Âu, nơi ông đã tham khảo ​​rộng rãi ý kiến của các đồng minh.

Ông Biden nói trong một tuyên bố: “Tôi đã chứng minh rằng Hoa Kỳ và Châu Âu - và các nền dân chủ ở khắp mọi nơi - đều mạnh hơn khi chúng ta hợp tác cùng nhau để thúc đẩy các giá trị chung của chúng ta như cạnh tranh công bằng và minh bạch”. “Thông báo của ngày hôm nay chính xác là chứng minh cho điều đó.”

Trong một cuộc họp báo với các phóng viên về thỏa thuận máy bay, bà Tai nói rằng cả hai bên đã đồng ý kéo dài thời hạn tạm hoãn thuế quan thêm 5 năm trong khi cùng nhau hợp tác để chống lại đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực máy bay, đặc biệt là từ các công ty nhà nước.

Nhà sản xuất hàng không vũ trụ được nhà nước tài trợ của Trung Quốc, Tập đoàn Máy bay Thương mại của Trung Quốc, đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm công khai đầu tiên của máy bay chở khách vào năm 2017 và đang nhanh chóng trở thành đối thủ của cả Boeing và Airbus trong lĩnh vực chế tạo máy bay toàn cầu. Các hãng hàng không của Trung Quốc cũng do nhà nước điều hành và Bắc Kinh có thể ra lệnh cho họ mua các máy bay sản xuất trong nước, làm giảm thị phần của Boeing và Airbus.

Bà Tai nói, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu sẽ làm việc cùng nhau, “để thách thức và chống lại các hoạt động phi thị trường của Trung Quốc trong lĩnh vực này theo những cách cụ thể, phản ánh các tiêu chuẩn của chúng tôi về cạnh tranh công bằng”.

Trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, bà Tai giải thích: “Trong gần 20 năm, chúng tôi đã đối đầu nhau, đấu đá nhau chỉ vì sự cạnh tranh giữa các ngành công nghiệp của chúng tôi. Trong lúc chúng tôi tham chiến, những người khác đang tận dụng cơ hội để khởi động ngành công nghiệp của riêng họ, và vì đã quá lo đánh nhau mà chúng tôi không để ý tới. ”

Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng thỏa thuận này cũng đặt ra các giới hạn đối với các khoản trợ cấp mà Liên minh châu Âu được phép cung cấp cho Airbus, đồng thời cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ áp dụng lại các đòn thuế quan trị giá hàng tỷ đô la nếu các khoản trợ cấp của các nước Liên minh châu Âu vượt qua “ranh giới đỏ”.

“Các mức thuế này sẽ vẫn bị đình chỉ, miễn là các khoản hỗ trợ của EU cho Airbus là phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận này”, bà Tai cho biết. “Nếu hỗ trợ của EU vượt qua lằn ranh đỏ và các nhà sản xuất Hoa Kỳ không thể cạnh tranh công bằng trên một sân chơi bình đẳng, Hoa Kỳ vẫn có quyền kích hoạt lại thuế quan ”.

Đây là thời điểm quan trọng đối với cả Airbus và Boeing, khi hai công ty này đang phải vật lộn để vượt qua suy thoái do đại dịch. Hầu hết những người trong ngành đều dự báo phải mất nhiều năm nữa thì các hãng hàng không và các nhà sản xuất máy bay mới có thể loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của suy thoái.

Thông báo hôm thứ Ba dự kiến ​​sẽ không có tác động ngay lập tức đến các công ty. Boeing và Airbus đã bắt đầu rút lại các khoản trợ cấp mà họ được hưởng - Airbus đã nói rằng họ sẽ tăng trả các khoản vay chi phí thấp mà họ nhận được từ nhiều quốc gia EU, trong khi Washington đã không cho phép các tiểu bang giảm thuế cho Boeing.

Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn có ý nghĩa khi loại bỏ mối lo ngại dai dẳng đối với cả hai công ty giữa lúc họ tìm cách nâng cao doanh số trên toàn thế giới.

Cách tiếp cận của ông Biden đối với châu Âu vừa mang tính chính trị vừa thực tế: Liên minh châu Âu, với sức mạnh kinh tế to lớn như một thị trường và một khối thương mại, có nhiều tác động đến cuộc sống của người Mỹ hơn bất kỳ thể chế đa phương nào khác. Ông Biden muốn người dân châu Âu ủng hộ nhiều hơn nữa trong việc hạn chế những tác hại do sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các quốc gia lớn như Đức, Pháp và Ý không muốn cùng Washington tham gia vào mối quan hệ đối địch với Trung Quốc, nhưng thái độ của họ đang dần trở nên cứng rắn hơn vì các hành vi vi phạm nhân quyền trong nước, các tập quán thương mại, và tình trạng gián điệp công nghiệp trên diện rộng của Trung Quốc. Ví dụ, Liên minh Châu Âu đã đồng ý về một chương trình sàng lọc đầu tư tự nguyện, có nguyên tắc hoạt động tương tự như Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ.

Vẫn còn những tranh chấp đáng kể khác giữa Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, nổi bật nhất là mức thuế quan kéo dài đối với thép và nhôm từ thời ông Trump. Vào năm 2018, Trump đã sử dụng các điều khoản đặc biệt về “an ninh quốc gia” để áp đặt thuế quan, gây ra một cuộc chiến thương mại lớn với nhiều nước.

Liên minh châu Âu đã trả đũa bằng cách đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ trị giá 3,4 tỷ USD, ảnh hưởng đến một loạt sản phẩm tên tuổi của Mỹ, bao gồm xe máy Harley-Davidson, quần jean Levi Strauss và rượu whisky bourbon.

Vào tháng 5/2021, Brussels đã đình chỉ thuế quan trả đũa trong 6 tháng, với hy vọng đàm phán một giải pháp lâu dài hơn cho vấn đề dư thừa sản lượng thép trên toàn thế giới.

Ông Dombrovskis đã thúc giục ông Biden dẫn dắt cuộc thảo luận về một giải pháp chung cho toàn cầu, và bãi bỏ các mức thuế nhôm thép.

Nguồn: New York Times

Từ khoá: thể chế đa phương, chương trình sàng lọc, áp đặt thuế quan, cuộc chiến thương mại, giải pháp

Phân tích - Bình luận

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007387923
Go to top