Trong 7 tháng đầu năm 2024, “cỗ xe tam mã” - đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng có nhiều điểm sáng nổi bật, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định và bền vững. Các chuyên gia nhận định Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tăng trưởng từ 6-6,5% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm nay.
Các chỉ tiêu nhanh về đích
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), “cỗ xe tam mã” - xương sống của nền kinh tế đã tăng trưởng tích cực trong 7 tháng đầu năm 2024. So với cùng kỳ năm trước, các chỉ số của đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều tăng mạnh.
Về đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, các nhà đầu tư FDI đã rót vốn vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỉ USD, chiếm gần 17,8% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là địa phương duy nhất trong cả nước ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 3 tỉ USD trong 7 tháng.
Đặc biệt, tính về mức tăng chung, 7 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã thu hút 1,3 tỉ USD từ các nhà đầu tư FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đăng ký cấp mới 143 dự án, với số vốn đạt 1,1 tỉ USD; có 102 lượt dự án tăng vốn đầu tư, với số vốn 138 triệu USD và 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD.
Tính đến ngày 20.7.2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỉ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Có 734 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,97 tỉ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước...
Về xuất nhập khẩu (XNK), tổng kim ngạch XNK hàng hóa 7 tháng năm 2024 đạt gần 440 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 226,98 tỉ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ với PV Lao Động, ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam 2022 - cho hay: Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 9 mặt hàng XK trên 5 tỉ USD, trong đó mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện dẫn đầu với 39 tỉ 867 triệu USD tăng tới trên 30%; tiếp theo là điện thoại và linh kiện: 32 tỉ 446 triệu USD, tăng 12%; máy móc và phụ tùng: 27 tỉ 656 triệu USD, tăng 19%...
“Dự báo năm 2024 xuất khẩu rau củ có thể đạt 6,5-7 tỉ USD, cả nước sẽ có thêm 1 sản phẩm mới gia nhập “câu lạc bộ XK trên 5 tỉ USD” - ông Vũ Tuấn Anh nói.
Về tiêu dùng trong nước, theo GSO, hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ tăng 9,8%).
Dự báo kinh tế năm 2024 tăng trưởng khá
Theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với nền tăng trưởng cao đạt được trong nửa đầu năm, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng từ 6-6,5% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2024.
Căn cứ mức tăng trưởng ở 6 tháng đầu năm, CIEM đã đưa ra dự báo tăng trưởng cả năm GDP theo 2 kịch bản và các kịch bản này đều cao hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP.
Theo CIEM, trong 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024, ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55%, XK tăng 9,54%, chỉ số CPI bình quân cả năm tăng 4,32% so với cùng kỳ và cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỉ USD.
Trong kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95%, XK cả năm tăng 11,64% so với năm 2023, chỉ số CPI bình quân tăng 4,12% so với cùng kỳ và cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỉ USD.
Chia sẻ với PV Lao Động chiều 4.8, ông Nguyễn Trọng Hải (Trường ĐH Thương mại) cho rằng, trong trục chính đóng vai trò xương sống của nền kinh tế, trong 5 tháng còn lại của năm 2024, “cỗ xe tam mã” sẽ vẫn giữ được tốc lực như 7 tháng qua để đẩy nhanh các chỉ tiêu kinh tế về đích. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III/2024. Điều này dự báo trong những tháng còn lại của năm, XK sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Còn theo ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam (Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB), Hiện nay, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế bao gồm nhu cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư. Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và kích thích tiêu dùng trong nước. Việc thúc đẩy nhu cầu trong nước bao gồm tiêu dùng tư nhân, tiêu dùng Chính phủ và đầu tư công. Ba yếu tố này phải được phát triển trước, thì đầu tư tư nhân mới phát triển sau được.
Để thúc đẩy những động lực trên, Chính phủ cần tập trung vào việc mở rộng chính sách tài khóa để có thể thực hiện chi tiêu công một cách hiệu quả hơn... Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể tạo thêm việc làm và thu nhập, giúp thu hút đầu tư tư nhân.
Bộ phận nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu (UOB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 ở mức 6%. Sự phục hồi của ngành bán dẫn và chính sách tiền tệ linh hoạt là những yếu tố hỗ trợ, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng này.
Nguồn: Lao động
Từ khóa: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, GDP, chính sách