Vài năm gần đây, Indonesia liên tục đứng đầu về xếp hạng thị trường thương mại điện tử dựa trên GMV (tổng giá trị hàng hoá) của khu vực. Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã khiến lĩnh vực này trở thành động lực đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của Indonesia…
Bắt đầu từ năm 2022, với quy mô thị trường là 51,9 tỷ USD, Indonesia chính thức dẫn đầu ngành thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á. Trong đó, 5 công ty đóng góp nhiều nhất vào tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Indonesia là Shopee, Tokopedia (được TikTok mua lại vào tháng 12/2023), Lazada, Bukalapak và Blibli.
Báo cáo “e-conomy SEA 2023” của Bain & Co. & Temasek cho biết nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia dự kiến sẽ sớm phục hồi về mức trước đại dịch, trong đó thương mại điện tử sẽ dẫn đầu về tăng trưởng và lợi nhuận. Vào năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử indonesia ước tính khoảng 62 tỷ USD và con số này dự kiến sẽ đạt đến 160 tỷ USD vào năm 2030, theo báo cáo của Google, Temasek Holdings.
THÀNH CÔNG NHỜ VÀO TĂNG TRƯỞNG TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA
Indonesia được nhiều tổ chức ghi nhận là cường quốc kinh tế của Đông Nam Á với tỷ lệ nghèo có xu hướng giảm đồng thời tầng lớp trung lưu gia tăng qua các năm. Ngân hàng Thế giới lưu ý ít nhất 52 triệu người trong số 273 triệu dân của đất nước hiện là một phần của tầng lớp trung lưu.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thâm nhập của điện thoại thông minh và internet ngày càng tăng đã giúp người dân Indonesia với khả năng tài chính ngày càng rộng mở dễ dàng truy cập để mua sắm tại trên các sàn thương mại điện tử. Một lý do khác thúc đẩy thương mại điện tử Indonesia phát triển là vì địa lý độc đáo của quốc gia này.
Được mệnh danh là "Xứ sở vạn đảo", địa thế độc đáo của Indonesia đã làm cho thương mại điện tử quốc gia này trở thành một dịch vụ thiết yếu, đẩy mạnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các trung tâm đô thị đến các địa điểm xa xôi.
Indonesia vẫn là thị trường thương mại điện tử lớn nhất ASEAN, đóng góp 46,9% vào GMV của khu vực. Ước tính đến cuối năm 2030, khu vực Đông Nam Á có thể đạt được GMV 1 nghìn tỷ USD và trong đó Indonesia có thể đóng góp gần một nửa giá trị.
THIẾT LẬP MỘT MÔI TRƯỜNG CẠNH TRANH LÀNH MẠNH
Hơn nữa, nhằm phát triển bền vững lĩnh vực này, chính phủ Indonesia đã quản lý sát sao thị trường thông qua việc tích cực thiết lập các quy định. Đơn cử như vào tháng 11/2019, chính phủ Indonesia thông qua một đạo luật được nhiều người chờ đợi để cải thiện việc quản lý các hoạt động giao dịch điện tử và dựa trên Internet đồng thời đảm bảo tuân thủ thuế của các nhà bán lẻ trực tuyến, từ đó tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy nhiều nhà bán hàng hơn tham gia thị trường.
Tuy nhiên, theo báo cáo Bain & Co, một số quy định quá khắt khe của Chính phủ Indonesia đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia. Cụ thể, quy định cấm nhập khẩu thương mại điện tử dưới 100 USD vào tháng 9/2023 và quyết định cấm thương mại điện tử thông qua mạng xã hội của chính phủ để bảo vệ các nhà bán lẻ có thể gây tổn hại cho thị trường thương mại điện tử quốc gia này. Bởi trên thực tế, các nhà bán hàng của Indonesia chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), chiếm 99% hoạt động kinh doanh của Indonesia.
Mặc dù thị trường thương mại điện tử Indonesia đang mở rộng với tốc độ nhanh nhưng vẫn chưa vượt qua ngành bán lẻ truyền thống. Bất chấp sự gia tăng thâm nhập Internet nhanh chóng tại Indonesia, một báo cáo tiết lộ 67% dân số Indonesia không tích cực sử dụng thương mại điện tử, thay vào đó họ mua hàng từ các cửa hàng truyền thống. Do đó, các chuyên gia dự báo thị trường thương mại điện tử indonesia còn có thể bứt phá hơn nữa nếu có thể khai thác nhóm khách hàng này.
Theo báo cáo “Thương mại điện tử ở Đông Nam Á 2024” của Momentum Works vừa mới công bố, Indonesia vẫn là thị trường thương mại điện tử lớn nhất ASEAN, đóng góp 46,9% vào GMV của khu vực. Ước tính đến cuối năm 2030, khu vực Đông Nam Á có thể đạt được GMV 1 nghìn tỷ USD và trong đó Indonesia có thể đóng góp gần một nửa giá trị.
Nguồn: VnEconomy
Từ khóa: thương mại điện tử, Đông Nam Á, thị trường
Các tin khác
- Kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản - 24/07/2024
- “Trung Quốc +1”: Có ý nghĩa gì đối với các nước ASEAN? - 24/07/2024
- OECD muốn thuế cao hơn cho mọi thứ - 24/07/2024
- FTA đã tạo đòn bẩy cho Ấn Độ để phát triển mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu - 24/07/2024
- Người Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? - 23/07/2024