Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Phân tích - Bình luậnHội nhập kinh tế quốc tếRCEP có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh đại dịch COVID-19?

RCEP có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh đại dịch COVID-19?

171047 khai mac hoi nghi bo truong hiep dinh doi tac kinh te toan dien khu vuc rcep giua ky lan thu tam

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, RCEP có hiệu lực thi hành có tác động và cơ hội lớn tới nền kinh tế.

Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa kỳ lần thứ tám chính thức khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, với sự tham gia của các bộ trưởng thương mại đến từ 10 nước ASEAN và 6 đối tác (gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand). Ảnh: Lương Tuấn - Pv TTXVN tại Trung Quốc

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới, RCEP có hiệu lực mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và thế giới; đồng thời góp phần hồi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

* RCEP - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới

Hiệp định RCEP được khởi động vào năm 2012 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Mục đích của Hiệp định là thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu rộng, tập trung vào các lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Đến tháng 11/2019, Ấn Độ đã rút khỏi Hiệp định, RCEP hiện tại còn 15 quốc gia tham gia.

Ngày 15/11/2020, Hiệp định RCEP đã chính thức được ký kết, đánh dấu một bước tiến mới trong hợp tác khu vực nói riêng và hợp tác thế giới nói chung. Theo quy định, để hiệp định có hiệu lực, ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác phải gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của hiệp định.

Tính đến ngày 2/11, đã có 6 quốc gia thành viên (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và 4 quốc gia đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand) phê chuẩn hiệp định. Theo đó, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.

Khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Lớn hơn rất nhiều so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào cuối tháng 12/2018 (khoảng 500 triệu dân và chiếm 13,5 % GDP toàn cầu).

Theo các chuyên gia, với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, RCEP sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.

Ước tính, việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan trong khuôn khổ RCEP sẽ làm tăng GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thêm 2,1% và GDP thế giới lên 1,4%.

* Động lực phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Theo Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, việc thực thi RCEP bắt đầu từ ngày 1/1/2022 sẽ tạo động lực to lớn cho các nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, RCEP có hiệu lực thi hành có tác động và cơ hội lớn tới nền kinh tế.

Đó là tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật, như: viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp.

Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, do Việt Nam đã có FTA với cả 14 nước tham gia RCEP và thuế nhập khẩu tại các thị trường này giảm thấp hơn cả mức cam kết trong RCEP. Do đó, trong ngắn hạn, RCEP sẽ không tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu, nhưng về trung, dài hạn hiệp định này có thể tạo ra một chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

Về lâu dài, lợi ích sẽ thấy rõ khi chuỗi cung ứng dịch chuyển về khu vực này, Việt Nam trở thành một thành phần của chuỗi cung ứng đó và xuất khẩu của Việt Nam lại có điều kiện tăng lên nữa. "Khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng tăng, nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ thấp hơn", ông nhận xét.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cũng cho rằng, Hiệp định  RCEP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam không có nhiều biến động giống như khi Hiệp định  CPTPP có hiệu lực. Lợi thế lớn nhất của RCEP đối với Việt Nam là sự tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của một số hàng hóa.

Trong đó, cơ hội có thể nhìn thấy rõ nhất là ngành chế biến và xuất khẩu gỗ. Các nước đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand là những thị trường rất lớn cho cả xuất và nhập khẩu gỗ của Việt Nam. Do đó, khi RCEP có hiệu lực, các doanh nghiệp không chỉ được mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ các ưu đãi, xuất xứ nguồn gốc mà còn giảm thiểu nhiều rủi ro, tăng sức cạnh tranh...

Bên cạnh ngành gỗ, sản phẩm dệt may cũng được đánh giá là có nhiều cơ hội từ RCEP khi được mở rộng cửa để tiến vào một thị trường lớn bên ngoài ASEAN với hai lợi thế nổi bật là tiết kiệm chi phí vận chuyển và nguồn nguyên phụ liệu ổn định. Ngoài ra, các ngành chế biến nông sản, thủy sản cũng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP nhờ có nhiều nội dung thỏa thuận, cắt giảm, xóa bỏ thuế quan.

Mặt khác, RCEP cũng mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ từ các nước thành viên. Doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông...; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư-kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn…

* Nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng tối đa cơ hội

Bên cạnh những cơ hội, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp định RCEP cũng đem đến nhiều thách thức về thương mại. Cụ thể, tham gia RCEP có thể làm tăng nhập siêu của Việt Nam từ các nước thành viên trong RCEP; cùng với đó là khó khăn trong việc ứng phó với các rào cản, quy định mới.

Hiệp định RCEP cũng tạo ra thách thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp khi Việt Nam phải mở cửa hàng hóa và dịch vụ ngay chính trong thị trường trong nước. Thực tế cho thấy, nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh lại mạnh hơn.

Trong khi đó, chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Ngoài ra, hiện đầu vào sản xuất của Việt Nam còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại-dịch vụ toàn cầu của Việt Nam đang khá hạn chế.

Một vấn đề khác mà các chuyên gia kinh tế lo lắng đó là sự dịch chuyển nguồn lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao sẽ diễn ra mạnh mẽ khi chúng ta tham gia Hiệp định. Nếu như doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ năng lực, không tạo động lực và cơ hội làm việc tốt cho người lao động thì sẽ khó có thể giữ chân lao động chất lượng.

Khi ấy việc duy trì cán cân cạnh tranh so với các doanh nghiệp ngoại lại càng khó và doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ khó khăn hơn để có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực cũng như toàn cầu.

Để khai thác tốt lợi ích do RCEP mang lại, theo ông Nguyễn Anh Dương, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các cam kết của Hiệp định như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia RCEP, quy tắc xuất xứ, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại…

Đồng thời, cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước các tác động bất lợi do RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Phúc Nam Phó Vụ Thị trường châu Á-châu Phi lưu ý, các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất và bảo quản, chú trọng tới bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói. Trong quá trình xuất khẩu, cần chủ động tìm hiểu và giải quyết những vấn đề phát sinh; kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng và các thương vụ Việt Nam tại thị trường để được hỗ trợ, tư vấn. Mặt khác, doanh nghiệp phải liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm hợp tác với các nhà phân phối uy tín bản địa để có thể đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn.

Về lao động, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp và thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất... ./.

Nguồn: TTXVN

Từ khóa: RCEP, Covid-19

Chuyên mục RCEP

Menu

Phân tích - Bình luận

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007390653
Go to top