Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn.
Liên kết chưa thật sự vững chắc
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, tiểu vùng và từng địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp đã được hình thành, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp và nông dân. Đặc biệt, thông qua liên kết, nhiều doanh nghiệp đã xác lập mối quan hệ bền vững giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định. Nhiều loại nông sản chính liên kết gắn với yêu cầu bảo đảm tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu hàng hóa.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ, việc phát triển chuỗi giá trị nông sản hiện là vấn đề sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị - từ người nông dân, HTX đến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Tuy nhiên, theo bà Vân, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều mặt hạn chế và thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Và một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo. Ở một số ngành hàng nông sản, mối liên kết ngang giữa các hộ nông dân thông qua hình thức tổ hợp tác và HTX thậm chí mới dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất hoặc để tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ chương trình, dự án trong và ngoài nước, chưa thực hiện được hình thức cung ứng và tiêu thụ tập trung. Hoặc như trong khâu sơ chế biến, chỉ mới dừng lại ở mức độ thỏa thuận không chính thức về phân vùng thu mua nguyên liệu, chưa hình thành liên kết ngang để thống nhất giá cả và chất lượng. Ngoài ra, liên kết giữa các tổ HTX trong một số ngành hàng cũng chỉ mang tính thời vụ, chưa có chia sẻ rủi ro và lợi ích, do vậy vẫn chưa đạt được tính bền vững cao. Nhìn chung, các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thật sự vững chắc.
Ứng dụng công nghệ thông tin
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bagico cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố nền tảng để phát triển chuỗi giá trị hàng hóa. Công nghệ không chỉ giúp giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, mà còn kết nối nhanh chóng và trực quan hơn giữa nông dân, HTX, đồng thời thu hẹp khoảng cách trong quy trình sản xuất. Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, nhưng nếu nông dân không tham gia vào chuỗi giá trị, họ sẽ gặp khó khăn trong việc nắm bắt và áp dụng công nghệ hiệu quả.
Dẫn chứng về ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển chuỗi giá trị sầu riêng, bà Thực cho biết, người dân hiện sản xuất sầu riêng phần lớn theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, ghi chép thủ công hoặc không ghi chép. Người dân cũng chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Đặc biệt, hiện nay chưa có nhiều phần mềm dành cho các nông hộ nói chung, HTX nói riêng. Bên cạnh đó, cũng chưa có nhiều nông hộ có mong muốn học tập và thay đổi cách quản lý sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Nhận thấy điều này, Bagico đã đẩy mạnh nghiên cứu và hỗ trợ người dân, HTX trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất sầu riêng. Công ty đã cung cấp phần mềm kế toán, truy xuất nguồn gốc, trang web, mạng xã hội để quảng bá và khẳng định chất lượng sầu riêng, đồng thời kết nối khách hàng. Ngoài ra, Bagico còn hỗ trợ HTX trong quản lý tài sản và sử dụng nhật ký điện tử, giúp việc liên kết chuỗi trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần qua một chiếc điện thoại thông minh.
Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và liên kết chuỗi là điều kiện tiên quyết để nâng cao giá trị ngành hàng sầu riêng nói riêng và các ngành hàng nông sản khác tại Việt Nam.
Còn bà Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc Tổ chức phát triển HTX Hà Lan (Agriterra) tại Việt Nam cũng cho biết, xu hướng hiện nay là sự phát triển đa dạng và yêu cầu cao hơn nhiều, cần sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa người sản xuất và các quy mô nhỏ với nhau. Vì vậy, cần phải cam kết giữa người nông dân với HTX, cam kết của HTX với các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Nguồn: Thời báo Ngân hàng
Từ khóa: phát triển bền vững, nông sản, liên kết chuỗi giá trị
Các tin khác
- Mô hình Khu công nghiệp sinh thái: Xu thế để phát triển bền vững - 04/09/2024
- Ngoại giao kinh tế ‘chắp cánh’ hàng Việt vươn xa - 04/09/2024
- Phát triển bền vững TPHCM “nhìn từ tương lai” - 30/08/2024
- Ngoại giao đưa Việt Nam hội nhập vào dòng chảy chung của thế giới - 29/08/2024
- Thúc đẩy hành vi xanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam - 29/08/2024