Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Hội nhập và phát triểnChuyển dịch cơ cấu kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn nhất của Việt Nam. Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của Thành phố đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, với tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản giảm dần. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế của Thành phố vẫn còn một số bất cập, cần được tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại, bền vững. Bài viết đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế (CDCCKT) TP. Hồ Chí Minh, từ đó khuyến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.

tphcm 16726501373541473396704

Từ khóa: thực trạng, giải pháp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, TP. Hồ Chí Minh

Summary

Ho Chi Minh city is the largest economic, cultural and social center of Vietnam. In recent years, the City's economic structure has shifted positively towards higher proportion of the service sector and lower proportion of the industry - construction sector and agriculture, forestry and fisheries sector. However, there remain some shortcomings in the City's economic structure that need to be solved for it to shift towards modernity and sustainability. This article evaluates the current status of economic restructuring in Ho Chi Minh City, thereby proposing some solutions in the coming time.

Keywords: current situation, solutions, sectoral economic restructuring, Ho Chi Minh City

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong quá trình phát triển của TP. Hồ Chí Minh thời gian gần đây đã bộc lộ những hạn chế, như: sản xuất, kinh doanh chủ yếu theo hình thức gia công và tăng vốn đầu tư, tăng trưởng theo chiều rộng, tăng trưởng xuất khẩu không ổn định, công nghiệp phụ trợ kém phát triển, giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất giảm, thâm dụng lao động còn chứa đựng nhiều yếu tố không bền vững, chậm chuyển dịch theo hướng tăng hàm lượng trí tuệ và công nghệ cao… Dễ bị tổn thương bởi những cú sốc bên ngoài, khi tình hình kinh tế chính trị thế giới, nhất là cường quốc cũng ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ... Đặc biệt, trong cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, khi tri thức và khoa học - công nghệ (KHCN) mới sẽ thay thế dần vai trò của các yếu tố đầu vào truyền thống (lao động và tài nguyên…). Do đó, việc nghiên cứu CDCCKT trong quá trình CNH, HĐH theo xu thế CMCN 4.0 là một yêu cầu cấp thiết.

THỰC TRẠNG CDCCKT TẾ TP. HỒ CHÍ MINH

Cơ cấu GRDP phân theo nhóm ngành kinh tế

Bảng 1: GRDP theo giá hiện hành phân theo khu vực kinh tế

Đơn vị: Tỷ đồng

tphcm bang1

Số liệu (Bảng 1) cho thấy, GRDP theo giá hiện hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2010-2022 đã tăng 9,03%, từ 512.522 tỷ đồng năm 2010 lên 1.479.227 tỷ đồng năm 2022. Trong đó, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tăng 2,34 lần từ 3.413 tỷ đồng lên 8.390 tỷ đồng; ngành công nghiệp - xây dựng đã tăng lên 2 lần từ 141.071 tỷ đồng lên 326.248 tỷ đồng; ngành dịch vụ tăng lên 2,88 lần, từ 295.575 tỷ đồng lên 947.044 tỷ đồng. Như vậy, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp - xây dựng tăng chậm hơn với GRDP và giá trị ngành dịch vụ tăng nhanh so với GRDP. Điều này cho thấy, cơ cấu GRDP phân theo nhóm ngành kinh tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2022 đã chuyển dịch theo xu hướng dịch vụ - công nghiệp xây dựng - nông nghiệp.

Sự chuyển dịch CDCCKT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2022 là đúng theo quy luật trong quá trình CNH-HĐH. Điều này phản ánh sự CDCCKT giữa các khu vực kinh tế ảnh hưởng rõ nét bởi khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin. Xu hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế là tất yếu, nhưng chỉ giảm về lượng còn về chất ngành nông nghiệp luôn tìm biện pháp để làm gia tăng giá trị tăng thêm. Tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng có thay đổi, nhưng quy mô và chất lượng các dự án tăng lên, với sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn, như: Intel, Nidec, Samsung…; nhiều công nghệ mới, như: cơ khí tự động công nghệ cao, kết hợp với phần mềm được sử dụng rộng rãi.

Cơ cấu lao động đang làm việc trong nền kinh tế

Cơ cấu tổng lao động phân theo nhóm ngành kinh tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có xu hướng tăng lên từ 3.854.287 người năm 2011 tăng lên 4.729.917 người năm 2022. Cơ cấu lao động chiếm trung bình 52% dân số và 8,7% lao động cả nước. Lao động làm việc thành thị chiếm 79%, nông thôn chiếm 21%. Năm 2022, thị trường lao động Thành phố phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản. Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 22,1%; dịch vụ chiếm 64% (Bảng 2).

Bảng 2: Cơ cấu lao động xã hội phân theo ngành kinh tế giai đoạn 2010-2022

tphcm bang2

Cơ cấu hàng xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2010-2022 có xu hướng tăng lên từ 28,2 tỷ USD lên 140 tỷ USD năm 2022 tăng 9,8% so với năm 2021. Độ mở của nền kinh tế trên địa bàn Thành phố (tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu/GRDP) cũng có xu hướng tăng lên (Bảng 3). Theo đó, nhóm ngành công nghiệp chế tạo, chế biến đóng góp vào xuất khẩu tăng đều từ năm 2014 đến nay (chủ yếu đóng góp của các doanh nghiệp FDI ngành điện tử đầu tư từ năm 2014), chiếm 80,02% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bảng 3: Giá trị và tăng trưởng xuất khẩu theo cơ cấu doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

tphcm bang3

Đánh giá chung về CDCCNKT trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Những mặt tích cực

Thứ nhất, cơ cấu GRDP đã chuyển dịch đúng theo quy luật trong quá trình CNH-HĐH góp phần cải thiện chất lượng CDCCKT. Tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản trong GRDP có xu hướng giảm từ 1% năm 2011 xuống 0,61% năm 2021; ngành công nghiệp - xây dựng giảm từ 27,52% năm 2011 xuống 21,38% năm 2021; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 57,6% lên 64% năm 2022 [1].

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế duy trì được tốc độ cao trong thời gian dài. Theo đó, tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng khá và ổn định, GRDP tăng bình quân đạt 8,3%. Tỷ trọng kinh tế Thành phố trong nền kinh tế cả nước tiếp tục tăng, đến năm 2020 chiếm 23% GDP cả nước, khẳng định là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước. Giá trị gia tăng của Thành phố tính theo giá hiện hành của nền kinh tế và các ngành kinh tế đều tăng lên. Nếu năm 2011, giá trị GRDP của Thành phố theo giá hiện hành là 510.785 tỷ đồng, thì đến năm 2018 đạt 907.058 tỷ đồng, tăng 1,78 lần. GRDP bình quân đầu người tiếp tục tăng liên tục qua các năm, năm 2005 (1.660 USD) đến năm 2022 đạt 4.110 USD [1].

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện cơ bản phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, KHCN, thể hiện qua các chỉ số, như: Đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng liên tục qua các năm, giai đoạn 2021-2022 bình quân đạt trên 47,2%; Năng suất lao động của Thành phố năm 2022 đạt 328,2 triệu đồng, đứng đầu cả nước cao hơn 2,5 lần so với cả nước...

Thứ ba, vốn đầu tư phát triển xã hội của TP. Hồ Chí Minh tăng cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng tạo nguồn lực cho phát triển sản xuất, góp phần CDCCKT trong quá trình CNH, HĐH. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm tỷ trọng cao trong GRDP Thành phố, giai đoạn 2001-2010 chiếm 33% GRDP; giai đoạn 2011-2015 đạt 1,19 triệu tỷ đồng, chiếm 30,78% GRDP; giai đoạn 2016-2020 đạt 2,156 triệu tỷ đồng, chiếm 35% GRDP vượt kế hoạch đề ra 30%. GRDP năm 2022 của Thành phố đạt 1.479.227 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010, tăng trưởng GRDP đạt 1.021.894 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm 2021.

Vốn đầu tư ngân sách TP. Hồ Chí Minh góp phần đáng kể trong việc cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật xã hội đang ngày càng xuống cấp của Thành phố. Ngoài ra, Thành phố nhất quán và kiên trì cải thiện môi trường đầu tư, vì vậy dự án đầu tư ODA và FDI luôn duy trì cao. Thành phố cũng huy động các nguồn vốn khác, như: BOT (cầu Phú Mỹ, cầu Bình Triệu), hình thức BOO (Nhà máy nước BOO Thủ Đức), hình thức BT (các đường nối với cầu Phú Mỹ) và thông qua việc hỗ trợ vay kích cầu cho các dự án thuộc lĩnh vực y tế, văn hóa - xã hội, thể dục thể thao và một số lĩnh vực khác…

Tồn tại, hạn chế

(i) Trình độ KHCN còn thấp ở đóng góp của các yếu tố này vào tăng trưởng giá trị gia tăng thấp. Mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng còn khiêm tốn so với yêu cầu là trung tâm KHCN của cả nước. Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thông minh phát triển chậm. Các ngành dịch vụ quan trọng chiếm tỷ trọng nhỏ, liên kết với các ngành sản xuất yếu. Mức độ chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 còn thấp.

(ii) Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh đang đối mặt với tình trạng thu hẹp diện tích sản xuất ngày càng nhanh do quá trình đô thị hóa các quận, huyện vùng ven. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm Thành phố giảm 700 ha đất nông nghiệp; giai đoạn 2015-2022 mỗi năm giảm thêm 1.000 ha; dự kiến từ nay đến năm 2030, mỗi năm sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 1.500 ha đất nông nghiệp. Trong khi đó, thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, mức độ đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp thấp, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết chưa đáp ứng yêu cầu nông nghiệp hiện đại.

(iii) Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, tỷ lệ nhập khẩu nguyên, nhiên liệu còn lớn; trình độ công nghệ sản xuất nhìn chung vẫn thấp so với thế giới, so với yêu cầu của nước công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp có xu hướng chậm lại và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, KHCN, lao động có kỹ năng. Khả năng tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, kém hiệu quả…

GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ NÂNG CAO CDCCNKT ĐẾN NĂM 2030

Một là, về cơ chế, chính sách. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060; Đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040.

Tập trung triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Đề xuất cơ chế điều phối, hợp tác vùng trên nguyên tắc nhận diện đúng lợi thế cạnh tranh từng địa phương, các địa phương cùng chia xẻ lợi ích và hợp tác giữa các địa phương tạo lợi thế mới cho các bên.

Xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 về phương hướng nhiệm phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Với mục tiêu xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, KHCN của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Ban hành các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng, trọng tâm ưu đãi là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, một số ngành tiềm năng theo Quyết định 430/QĐ-UBND, ngày 05/02/2021 về ban hành Danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025 đối với sản phẩm của các ngành ngành cơ khí, ngành cao su, nhựa, ngành lương thực, thực phẩm, ngành điện tử, viễn thông, ngành dệt may, ngành dược; Một số ngành dịch vụ có lợi thế, thuộc 9 nhóm ngành dịch vụ có tiềm năng và thế mạnh của Thành phố, như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại du lịch; dịch vụ vận tải, cảng và kho bãi, bưu chính viễn thông, thông tin truyền thông, kinh doanh tài chính bất động sản, dịch vụ tư vấn, KHCN, y tế, giáo dục - đào tạo…

Hai là, nâng cao năng lực cạnh tranh và CDCCKT trong quá trình CNH, HĐH theo xu hướng CMCN 4.0. Theo đó, cần ban hành chính sách ưu tiên ngành đổi mới công nghệ, ưu tiên phát triển công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Đặc biệt, ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G, robot, công nghệ sinh học, vật liệu mới và các công nghệ của cuộc CMCN 4.0. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khởi nghiệp và sáng tạo, tăng đầu tư từ ngân sách, đồng thời huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái mới đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước, khuyến khích đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

Ba là, về KHCN. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho phát triển mạnh mẽ KHCN và đổi mới sáng tạo. Huy động mọi nguồn lực xã hội thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố để tạo ra bứt phá về năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh CMCN 4.0. Xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố nhằm liên kết của trường, viện với doanh nghiệp, trong đó lấy doanh nghiệp là trung tâm.

Bốn là, về nguồn nhân lực. Đẩy mạnh cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động ngành nông nghiệp về số tuyệt đối, giảm lao động ngành công nghiệp - xây dựng, tăng số lượng lao động ngành dịch vụ. Phát triển mạnh đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho chuyển đổi công việc. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn và kỹ năng để chuyển đổi công việc.

Tập trung xây dựng nâng cấp hệ thống giáo dục - đào tạo cả về số lượng và chất lượng gồm 108 trường đào tạo nguồn nhân lực, với hơn 1 triệu sinh viên. Rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục - đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu.

Điều chỉnh cơ cấu về trình độ và ngành đào tạo theo hướng phù hợp nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động. Thu hẹp dần khoảng cách giữa đầu ra của đào tạo với nhu cầu hiện có của thị trường lao động, các biện pháp cần sớm được thực hiện là: Xác định rõ ràng các lĩnh vực ngành/nghề hiện đang thiếu nhân công, thiếu người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật để tăng cường đầu tư, hỗ trợ; Tiêu chuẩn hóa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, bồi dưỡng kỹ năng, với những chỉ tiêu chất lượng được quy định rõ ràng.

Có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số. Xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thực thi hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng cán bộ KHCN, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, khơi dậy sáng tạo, nâng cao trách nhiệm và tôn trọng sự khác biệt trong công tác nghiên cứu xã hội. Xây dựng, triển khai những chương trình cụ thể để thu hút và phát huy hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ./.

NCS. Ngô Công Bình - Trường Đại học kinh tế Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2017-2023), Niên giám Thống kê TP. Hồ Chí Minh các năm, từ năm 2016 đến năm 2022, Nxb Thống kê.

2. Quốc hội (2023), Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Kinh tế và Dự báo

Hội nhập và phát triển

Menu

Chuyên mục RCEP

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Lượt truy cập

007600075
Go to top