Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Hội nhập và phát triểnCân nhắc kỹ việc áp thuế VAT với dịch vụ xuất khẩu

Cân nhắc kỹ việc áp thuế VAT với dịch vụ xuất khẩu

 7 tin 1 08.04.2024

Mặc dù thực tiễn áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 0% cho dịch vụ xuất khẩu còn nhiều vướng mắc, nhưng theo các chuyên gia, Quốc hội và Bộ Tài chính cần đánh giá tác động tổng thể, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trước khi quyết định vấn đề này. Mục tiêu chính sách là phải bảo đảm hài hòa từ cả góc độ quản lý thuế và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Cả cơ quan thuế và doanh nghiệp đều gặp khó

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 5.2024 và thông qua tại Kỳ họp tháng 10.2025. Trong đó, dự thảo quy định theo hướng sẽ đánh thuế với hầu hết dịch vụ xuất khẩu thay vì cho phép hưởng thuế suất 0% như trước. Cụ thể, chỉ còn dịch vụ vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan được hưởng thuế suất 0%. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu thuế suất tương ứng, về cơ bản là mức 10%.

Lý do sửa đổi là thời gian qua, việc áp dụng thuế suất VAT 0% với dịch vụ xuất khẩu gặp vướng mắc vì nhiều trường hợp rất khó khăn trong việc xác định dịch vụ được tiêu dùng tại Việt Nam hay tại nước ngoài. Cũng vì không có tiêu chí cụ thể nên một số trường hợp bị truy thu thuế do cơ quan thuế xác định lại dịch vụ không được áp dụng thuế suất 0%.

Theo bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành và các văn bản hướng dẫn quy định điều kiện khấu trừ thuế VAT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm: có hóa đơn VAT mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế VAT ở khâu nhập khẩu; hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.

“Nếu chỉ dựa vào các chứng từ nêu trên, nhiều trường hợp cơ quan thuế cho rằng chưa đủ cơ sở để xác định hàng hóa đó có thực sự được xuất khẩu ra nước ngoài hay không. Thực tế, trong quá trình kiểm tra hoàn thuế VAT phát sinh nhiều trường hợp gian lận như: khai khống hàng hóa xuất khẩu, người mua tại nước ngoài không có thật, v.v… Nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm xác định hàng hóa có thực xuất khẩu ra nước ngoài thuộc về cơ quan hải quan, chứ không phải trách nhiệm của cơ quan thuế nội địa hoặc bên xuất khẩu”, bà Vân nói.

Bên cạnh đó, Luật Thuế giá trị gia tăng chưa có quy định rõ ràng về việc xác định dịch vụ xuất khẩu. Do dịch vụ có tính vô hình, nên rất khó xác định một số loại dịch vụ được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài, gây vướng mắc, tranh cãi cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế trong việc đánh giá, chứng minh dịch vụ như thế nào được xem là “tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam”.

Theo VCCI, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 20 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm - cao hơn tăng trưởng GDP. Để cung cấp dịch vụ xuất khẩu, các doanh nghiệp thường không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn như công nghiệp chế biến chế tạo, phù hợp với một nền kinh tế thiếu vốn như Việt Nam. Thêm vào đó, xuất khẩu dịch vụ trên môi trường internet hiện nay giúp quảng bá hình ảnh đất nước và làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.

Trong quá trình thực hiện, bà Vân cho biết đã quan sát nhiều trường hợp doanh nghiệp đã xuất hóa đơn cung cấp dịch vụ cho khách hàng với thuế suất 0% (do xác định là tiêu dùng ngoài Việt Nam) sau đó lại bị cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế cho rằng đây là dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam và thực hiện truy thu thuế VAT 10%. Việc truy thu này gây khó khăn cho bên cung cấp dịch vụ do phải nộp thêm thuế mà không đòi được bên mua dịch vụ do hợp đồng đã ký và việc thanh toán đã kết thúc.

Mặt khác, hiện nay đang phát triển nhiều dịch vụ cung ứng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài gắn với hàng hóa được gia công sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu nhưng thực tế không xác định được chính xác hàng hóa đó tiêu dùng ở trong nước hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp dịch vụ. Hoặc, nếu xác định thì rất phức tạp, tăng chi phí quản lý như: dịch vụ phân loại hàng hóa, giám sát chất lượng hàng hóa để xuất khẩu, kinh doanh tài sản số, dịch vụ số...

“Từ góc độ quản lý, quy định hiện hành chưa thực sự cung cấp cơ sở cần thiết và phù hợp để thực hiện chính sách thuế VAT với dịch vụ xuất khẩu (ví dụ: hồ sơ chứng từ, thời điểm áp dụng, v.v). Vì vậy, cơ quan thuế gặp vướng mắc trong quá trình quản lý cũng như hướng dẫn doanh nghiệp; còn doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện hoặc thêm nghĩa vụ chứng minh, giải trình, và trong một số trường hợp phát sinh thêm chi phí thuế, giảm sức cạnh tranh”, bà Vân nói.

Giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp?

Góp ý nội dung này, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam cho rằng, mặc dù thực tiễn áp dụng thuế VAT 0% cho dịch vụ xuất khẩu có thể còn nhiều vướng mắc, nhưng Quốc hội và Bộ Tài chính cần đánh giá tác động tổng thể và tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế trước khi quyết định vấn đề này.

Cụ thể, theo ông Tuấn, việc dự thảo Luật giới hạn phạm vi và chỉ liệt kê một số loại hình dịch vụ xuất khẩu sẽ làm thay đổi chính sách quản lý thuế VAT và hải quan đối với doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ cho nước ngoài (bao gồm trường hợp dịch vụ gắn với hàng hóa xuất khẩu) và cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan. Theo đó, thuế suất thuế VAT cho các trường hợp này tăng từ 0% đối với dịch vụ xuất khẩu thành 5%, 10% như dịch vụ kinh doanh thông thường.

Doanh nghiệp nội địa phát sinh thêm thuế VAT phải nộp đối với hoạt động cung ứng dịch vụ ra nước ngoài và/hoặc cho doanh nghiệp chế xuất; đồng thời doanh nghiệp chế xuất phải ghi nhận thuế VAT đầu vào phát sinh vào chi phí trong kỳ. Điều này làm tăng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh cho cả chuỗi cung ứng của Việt Nam vì sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp chế xuất thường được xuất khẩu ra nước ngoài, ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, thuế suất 0% áp cho dịch vụ xuất khẩu đã nhiều năm nay, việc thay đổi có thể ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, và tác động trực tiếp đến chi phí, vận hành của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế còn đang dự đoán có nhiều khó khăn như hiện nay.

Từ những phân tích này, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Thuế Deloitte cho rằng, những vướng mắc hiện nay cần xem xét thận trọng để điều chỉnh phù hợp tại dự thảo Luật, bảo đảm hài hòa từ cả góc độ quản lý thuế và chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. "Deloitte cũng đã kiến nghị UBTVQH đánh giá kỹ tác động kinh tế của việc thu hẹp đối tượng dịch vụ được xác định là dịch vụ xuất khẩu để bảo đảm chính sách thuế VAT được sửa đổi toàn diện nhưng không gây xáo trộn tình hình đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế - xã hội”, ông Tuấn cho biết.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng bày tỏ lo ngại, các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh với đối thủ từ quốc gia khác nếu phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, nghiên cứu của VCCI cho thấy, các quốc gia đều áp thuế suất 0% thuế VAT cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào; hiện chưa tìm thấy trường hợp nào đánh thuế đối với dịch vụ xuất khẩu.

Nguồn: Đại biểu Nhân dân

Từ khóa: thuế VAT, xuất khẩu, nhà cung cấp dịch vụ

Hội nhập và phát triển

Menu

Chuyên mục RCEP

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Lượt truy cập

007641126
Go to top