Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Hội nhập và phát triểnChuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách

Chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách

chuyen doi so

Bài viết tập trung phân tích chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp với các chiều cạnh sau: khái quát về chuyển đổi số tại doanh nghiệp; thực trạng về chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam; các khó khăn, thách thức trên con đường chuyển đổi số tại doanh nghiệp trên cơ sở đó đề xuất một số khuyến nghị chính sách.

Tóm tắt: Chúng ta đang đứng trước những cơ hội rất lớn để thực hiện chuyển đổi số. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đang đi cùng thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các mạng chuyển đổi số và chúng ta có cơ hội lớn để bứt phá, vượt lên. Bởi Việt Nam là thị trường lớn, nhiều tiềm năng cho các mô hình kinh doanh mới, với dân số đông, đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, có lực lượng lao động số lớn, số người dùng internet và điện thoại thông minh lớn và đang tăng nhanh sẽ tạo nên những thị trường hấp dẫn cho kinh tế số.

Chúng ta cũng nằm tại trung tâm của Đông Nam Á, của châu Á, khu vực được đánh giá sẽ là trung tâm phát triển công nghệ số và kinh tế số toàn cầu. Covid-19 là đại dịch toàn cầu nhưng cũng là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Chuyển đổi số có nhiều trụ cột: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và nhiều ngành lĩnh vực khác nhau.

Bài viết sẽ tập trung phân tích chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp với các chiều cạnh sau: khái quát về chuyển đổi số tại doanh nghiệp; thực trạng về chuyển đổi số tại doanh nghiệp Việt Nam; các khó khăn, thách thức trên con đường chuyển đổi số tại doanh nghiệp và trên cơ sở đó đề xuất một số khuyến nghị chính sách.

1. Khái quát về quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp

1.1. Chuyển đổi số ở cấp quốc gia

Thế giới đương đại đang ở trong thời đại số (digital age), còn được gọi là kỷ nguyên số (digital era). Kỷ nguyên số là một giai đoạn mà quá trình chuyển dịch xảy ra từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế dự trên thông tin sử dụng máy tính hoặc các thiết bị công nghệ số khác (như internet, điện thoại di động và tất cả công cụ khác để thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ thông tin đã được số hóa, tức là ở dạng nhị phân gồm “0” và “1”) làm phương tiện hoặc phương tiện truyền thông.

Theo Lau (2003) định nghĩa kỷ nguyên số là thời kỳ mà ở đó có sự truy cập, chia sẻ và sử dụng thông tin ở dạng điện tử rộng rãi, sẵn sàng và dễ dàng.

Trong Hình 1, kỷ nguyên số bắt đầu từ cuối thập niên trước với sự xuất hiện của máy tính và internet và sự khởi đầu của quá trình số hóa (digitization), cũng là thời điểm bắt đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Với sự xuất hiện máy tính tốc độ cao, internet băng thông rộng thuộc các thế hệ mới (3G, 4G và hiện nay là 5G), cùng các thiết bị cầm tay, các cảm biến có kích cỡ ngày càng nhỏ với giá ngày càng rẻ, quá trình chuyển đổi số tăng tốc trên toàn cầu và trong từng quốc gia, tạo nên sự kết nối ngày một chặt chẽ giữa thế giới thực (real world) với không gian số (cyber space).

Sự thay đổi về chất của chuyển đổi số này, đặc biệt là sự xuất hiện của AI và một số công nghệ số mang tính đột phá khác giúp chuyển từ sản xuất tự động sang sản xuất thông minh đang tạo nên cấu phần cốt lõi của cuộc CMCN 4.0 đang có tác động mạnh mẽ đến thế giới đương đại.

Hình 1 được thể hiện khá sinh động các mối quan hệ này. Trên thực tế từ những năm 1970, internet và các công nghệ số đã thâm nhập vào đời sống kinh tế xã hội ở các nước đang phát triển nhanh hơn nhiều so với những cuộc cách mạng công nghệ trước đây. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2016), để Indonesia thu nhận được nhiều lợi ích từ đầu máy hơi nước phải mất 160 năm để từ khi có phát minh này.

Để Kenya bắt đầu hưởng lợi từ điện cần 60 năm kể từ khi thế giới bắt đầu quá trình điện khí hóa. Nhưng để máy tính điện tử thâm nhập Việt Nam chỉ cần 15 năm sau khi được phát minh, còn đối với các công nghệ số khác như điện thoại di động và internet thời gian thâm nhập còn ngắn hơn, chỉ mất một vài năm. Ngày nay, có nhiều hộ gia đình ở các nước đang phát triển sở hữu điện thoại di động hơn là các hộ gia đình có điện hoặc có vệ sinh được cải thiện.

Nói tóm lại, chúng ta đang ở trong giai đoạn của kỷ nguyên số mà ở đó quá trình chuyển đổi số đang tăng tốc, phá vỡ (disrupt) những phương thức sản xuất kinh doanh, cơ cấu kinh tế, cũng như những phương thức giao tiếp trong xã hội, trong quản lý quốc gia cũng như các địa phương.

Ở Việt Nam, định nghĩa của Bộ Thông tin và Truyền thông, “Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dự trên các công nghệ số” (Cẩm nang Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông, 2022).

Chuyển đổi số có 3 cấp độ:

Cấp độ 1 – Số hóa thông tin (digitization): là việc chuyển đổi các thực thể (đối tượng, vạn vật...) từ dạng vật lý (analog) sang dạng số, tạo ra phiên bản số của các thực thể, có thể thấy như hoạt động số hóa “tài liệu cứng” hay các văn bản giấy chuyển thành file “mềm” có thể lưu trữ trên máy tính. Đây cũng có thể xem là bước tin học hóa, là một phần của quá trình chuyển đổi số.

Cấp độ 2 – Số hóa quy trình (digitalization): là cấp độ xác định cách thức hoạt động của tổ chức dựa trên các công nghệ số và dữ liệu được số hóa. Với các đơn vị tổ chức hay doanh nghiệp thì giai đoạn này cần tạo ra hay đổi mới mô hình hoạt động hay kinh doanh (business model) của tổ chức hay doanh nghiệp để thích nghi với sự xuất hiện của các môi trường số hóa, chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi toàn diện sử dụng công nghệ số hóa và dữ liệu để tạo ra giá trị mới lớn hơn cho tổ chức.

Sau quá trình số hóa, dữ liệu số đã tạo thuận lợi cho mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể quản lý hiệu quả hơn, song phần lớn cách thức doanh nghiệp sử dụng các tài nguyên số này vẫn theo phương pháp truyền thông. Việc số hóa hoạt động vẫn chỉ là sử dụng dữ liệu số, xử lý hay tự động hóa dữ liệu nhằm đơn giản các thức làm việc. Ở cấp độ này, cách thức làm việc vẫn mang tính truyền thống nhưng nhanh hơn và tốt hơn thông qua việc truy cập dữ liệu ngay lập tức mà không mất công tìm kiếm bản cứng dữ liệu trong các kho lưu trữ.

Cấp độ 3 – Chuyển đổi số (Digital transformation): là việc mỗi cá nhân, tổ chức thực hiện thay đổi số toàn diện theo mô hình hoạt động mới ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực từ cấp lãnh đạo cao cấp tới mọi thành viên, từ năng lực số tới kinh tế số, chính phủ số, xã hội số và văn hóa số.

Để hoàn thành cấp độ này, quốc gia hay mỗi tổ chức cần xây dựng lộ trình kế hoạch và các biện pháp thực thi thay đổi này với từng mốc thời hạn cụ thể. Chuyển đổi số đòi hỏi từng tổ chức, doanh nghiệp phải xem xét lại toàn bộ mọi thứ đang vận hành, từ hệ thống nội bộ đến tương tác, quản lý quan hệ khách hàng, đối tác, cả trực tuyến và trực tiếp để tìm ra cách thức thay đổi hiệu quả hơn, hay nâng cao các trải nghiệm tích cực hơn.

Một cách phân loại được sử dụng phổ biến phản ánh mức độ chuyển đổi số trong nền kinh tế, trong xã hội và trong các cơ quan của Chính phủ là kinh tế số; xã hội số và Chính phủ số. Đây cũng là những trụ cột được đưa vào trong các văn bản chính thức của Việt Nam.

1.2. Xu hướng chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp được định nghĩa là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới.

Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm từ việc số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số trong cơ sở sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số trong cơ sở sản xuất kinh doanh không chỉ đơn giản là đưa công nghệ số vào mà cần kết hợp với chuẩn hóa quy trình kinh doanh, quy trình quản trị trong các cơ sở này.

Theo nghiên cứu của Fujitsu (2019), dựa trên khảo sát từ 900 nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy mức độ doanh nghiệp đã thực hiện và có kết quả chuyển đổi số ở mức gần 40% và khoảng 40% các dự án đang trong giai đoạn triển khai; chỉ một số ít, dưới 30% các doanh nghiệp chưa triển khai chuyển đổi số. Cũng theo báo cáo, lĩnh vực ngân hàng, vận tải, sản xuất, y tế và bán buôn, bán lẻ là những lĩnh vực có tỷ lệ cao doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; trong đó ngân hàng và vận tải đã có tỷ lệ hơn 40% doanh nghiệp thực hiện thành công về chuyển đổi số.

Về hoạt động và xu hướng đầu tư cho chuyển đổi số, theo nghiên cứu của Gartner, Công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, 87% các nhà lãnh đạo nói rằng số hóa quy trình là ưu tiên của doanh nghiệp; 40% doanh nghiệp và các tổ chức đã triển khai rộng rãi các hoạt động số hóa quy trình và có tới 91% nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức đã bắt đầu các hoạt động chuyển đổi số trong một phạm vi nhất định tại doanh nghiệp mình.

Theo một số nghiên cứu khác của các công ty nghiên cứu thị trường như Market Research (2018), thị trường chuyển đổi số toàn cầu năm 2018 đạt 250,65 tỷ USD và ước tính tới năm 2025 sẽ đạt khoảng 817,05 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 18.87%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, vượt hơn gấp nhiều lần so với tăng trưởng GDP của thế giới; điều này thể hiện mối quan tâm và sự đầu tư rất lớn từ các doanh nghiệp và tổ chức cho các dự án chuyển đổi số. Các giai đoạn chuyển đổi số của cơ sở sản xuất kinh doanh.

1.3. Các giai đoạn chuyển đổi tại doanh nghiệp

1.3.1. Giai đoạn số hóa

Ở giai đoạn này, chuyển đổi số tại các doanh nghiệp được triển khai riêng lẻ, chưa có tính kết nối. Cụ thể, doanh nghiệp chủ yếu tận dụng các giải pháp công nghệ để tập trung vào chuyển đổi mô hình kinh doanh nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và duy trì ổn định chuỗi cung ứng với mục tiêu hướng tới gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhanh chóng tạo ra giá trị trong doanh nghiệp. Các giải pháp công nghệ cho phát triển kinh doanh, mở rộng kênh bán hàng đơn giản trong giai đoạn này được doanh nghiệp lựa chọn có thể nói đến như thương mại điện tử và hỗ trợ bán hàng đa kênh (omni-channel), truyền thông và marketing trực tuyến, thanh toán trực tuyến...

Với sự phát triển không ngừng của xu hướng 4.0, các DNNVV dù chưa có kinh nghiệm trong chuyển đổi số nhưng với tiềm năng và nguồn lực sẵn có, có thể dễ dàng tiếp cận các giải pháp này với chi phí hợp lý. Bên cạnh đó, do mục tiêu chuyển đổi số luôn gắn liền với trải nghiệm khách hàng, các doanh nghiệp cần đáp ứng nhu cầu thay đổi mỗi ngày thông qua việc áp dụng công nghệ số trong xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo tính linh hoạt, đa dạng và bền vững.

1.3.2 Giai đoạn chuyển đổi

Trong giai đoạn này, doanh nghiệp chú trọng vào áp dụng công nghệ số ở phạm vi rộng, có sự kết nối giữa các chức năng để chuyển đổi mô hình quản trị và tạo ra kết nối ban đầu với mô hình kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho việc điều hành doanh nghiệp bền vững và duy trì tăng trưởng. Doanh nghiệp bắt đầu áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống báo cáo quản trị hoàn chỉnh và liên kết với các dữ liệu sẵn có như số liệu bán hàng, nhập xuất kho, số liệu hạch toán kế toán. Ngoài hệ thống báo cáo, ở giai đoạn quá độ này, doanh nghiệp sẽ số hóa quy trình lập kế hoạch, ngân sách, dự báo (PBF) và quản trị nguồn nhân lực (HRM) để nâng cao hiệu quả quản trị chi phí, nhân sự.

Dữ liệu doanh nghiệp ở giai đoạn này được thu thập và liên kết với nhau một cách xuyên suốt trong các chức năng, từ bán hàng, quản lý hàng tồn kho đến kế toán. Do sự phát triển và mở rộng của tập dữ liệu khách hàng cũng như doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo cần đưa ra giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng. Sự kết nối liên tục của dữ liệu cho phép doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch ngân sách, dự báo doanh thu và dòng tiền, xây dựng kế hoạch nguồn nhân lực..., cho các giai đoạn tiếp theo của mình

1.3.3. Giai đoạn chuyển đổi hoàn toàn

Đây có thể được gọi là giai đoạn chuyển đổi số hoàn toàn khi các hệ thống kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp được kết nối và tích hợp đồng bộ với nhau, thông tin chia sẻ xuyên suốt các phòng ban và theo thời gian thực. Các giải pháp kết nối toàn bộ doanh nghiệp cần được triển khai ở giai đoạn này, trên cơ sở xem xét cấu trúc doanh nghiệp và các hệ thống hiện có cũng như năng lực của doanh nghiệp.

Ở giai đoạn này, doanh nghiệp bắt đầu đầu tư nhiều vào các sáng kiến để tạo ra sự đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp và là động lực để bứt phá, đuổi kịp các doanh nghiệp lớn hơn. Tuy nhiên để một doanh nghiệp có thể trở thành “doanh nghiệp số” đòi hỏi những thay đổi sâu sắc về kĩ năng, vai trò của lãnh đạo và thậm chí là văn hóa doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngay từ ở giai đoạn đầu của lộ trình chuyển đổi số, yếu tố con người luôn cần được coi trọng và phát triển đồng thời với việc chuyển đổi số doanh nghiệp.

1.4. Các lĩnh vực chuyển đổi số tại doanh nghiệp

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp cần nhận thức rõ chuyển đổi số là sự thay đổi quy mô lớn, đòi hỏi phải điều chỉnh cấu trúc, quy trình hoặc văn hóa kinh doanh cơ bản song sẽ mang lại tác động tích cực lớn đến sự phát triển lâu dàu và bền vững của doanh nghiệp. Mô hình các lĩnh vực trọng tâm của chuyển đổi số trong doanh nghiệp được đề xuất với mục đích làm rõ các cấp độ của chuyển đổi số trong doanh nghiệp, bao gồm (1) chiến lược, (2) mô hình kinh doanh (khách hàng, thị trường), và (3) mô hình quản trị và văn hóa.

Định hướng chiến lược

Doanh nghiệp cần xác định và tích hợp chiến lược chuyển đổi số vào chiến lược phát triển chung của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của doanh nghiệp.

Chuyển đổi mô hình kinh doanh

Chuyển đổi số mô hình kinh doanh là việc chuyển đổi từ các kênh bán hàng truyền thống sang bán hàng đa kênh (omni channel), áp dụng công nghệ số vào hoạt động chăm sóc khách hàng để tạo ra giá trị mới thông qua sử dụng các kênh bán hàng hiện đại như Tiki, Shopee, Lazada... và các sàn thương mại điện tử như Amazon, Ebay, Alibaba... Hơn nữa, các ứng dụng trên điện thoại di động phục vụ mục đích giao hàng và vận chuyển sản phẩm như Grab Express, Ahamove, Lalamove có thể đáp ứng đúng nhu cầu vận chuyển mà đơn vị kinh doanh đang tìm kiếm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận tới khách hàng tại khu vực địa lý khác nhau thông qua internet bằng các ứng dụng như Google, Facebook, các nền tảng quảng cáo trực tuyến... Đây là điều mà các cách thức truyền thống không thể làm được. Thực hiện áp dụng công nghệ số đối với kênh tiếp thị, bán hàng và phân phối là yếu tố then chốt để doanh nghiệp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của mình.

Năng lực quản trị

Đồng thời với tăng trưởng về mặt khách hàng và doanh thu, doanh nghiệp cần tập trung phát triển và duy trì năng lực quản trị nội bộ để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mô hình quản trị bao gồm con người và tổ chức, hệ thống CNTT và quản trị dữ liệu, các nghiệp vụ quản lý, quản lý rủi ro và an ninh mạng cần được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản trị của từng thời kỳ.

Với nhu cầu số hóa quy trình như quy trình thanh toán, kế toán, quy trình xuất kho, quản lý nhân sự..., ngày càng gia tăng, doanh nghiệp có thể ứng dụng các giải pháp như: Hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning – ERP); Hệ thống điều hành sản xuất (Manufacturing Execution Systems – MES); Hệ thống quản lý vòng đời sản phẩm (Product Lifecycle Management – PLM); Quản lý chuỗi cung ứng (Supply Chain Management – SCM); Hệ thống quản trị nhân sự (Human Resources Management – HRM); các hệ thống chấm công, tính lương; hệ thống bán lẻ (Point of Sale – POS); Hệ thống quản lý kênh phân phối (Distribution management system – DMS);...

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể có các nhu cầu về phân tích dữ liệu nhằm phân tích trên tổng thể và tìm kiếm các thông tin giúp tối ưu bộ máy hoạt động. Các hệ thống cần thiết có thể là hệ thống kho dữ liệu và báo cáo thông minh (Data warehouse & BI), hệ thống hồ sơ dữ liệu hoặc dữ liệu lớn (data lake, big data). Hoạt động triển khai các hệ thống ứng dụng này nhằm tối ưu các quy trình hoạt động doanh nghiệp và được coi là một giai đoạn lớn trong quá trình chuyển đổi số.

1.5. Đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại doanh nghiệp

Để đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp, tác giả sử dụng có điều chỉnh phương pháp do Hiệp hội ngành Cơ khí của Đức (Verband Deutscher Maschinen – und Anlagenbau: VDMA) xây dựng và sử dụng (VDMA 2015), được gọi tắt là phương pháp VDMA. Cụ thể, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp được tính toán dựa trên 6 lĩnh vực gồm:

(A) Chiến lược và cơ cấu tổ chức;

(B) Nhà máy thông minh: Nhà máy thông minh là một môi trường sản xuất trong đó hệ thống sản xuất và hệ thống hậu cần phần lớn tự tổ chức mà không có sự can thiệp của con người. Nhà máy thông minh dựa trên các hệ thống vật lý mạng (CPS), liên kết thế giới vật lý và ảo bằng cách giao tiếp thông qua cơ sở hạ tầng CNTT, internet kết nối vạn vật.

(C) Hoạt động thông minh: Hoạt động thông minh đề cập đến sự tích hợp theo chiều ngang và chiều dọc của công ty, cho phép lập kế hoạch và kiểm soát sản xuất linh hoạt.

(D) Sản phẩm thông minh: Sản phẩm thông minh là các đối tượng vật lý được trang bị CNTT – TT để chúng có thể nhận dạng duy nhất và có thể tương tác với môi trường của chúng. Họ sử dụng công nghệ cảm biến để ghi lại môi trường và trạng thái của chính họ và cung cấp các chức năng bổ sung khác nhau đang hoạt động.

(E) Dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu: Dịch vụ thông minh là các gói sản phẩm và dịch vụ được cấu hình riêng qua internet. Các dịch vụ bao gồm dịch vụ dự đoán từ xa và các mô hình kinh doanh mới như kinh doanh năng lực sản xuất và dữ liệu sản xuất.

(F) Người lao động.

2. Thực trạng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ở Việt Nam

2.1. Xu hướng ứng dụng công nghệ số tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam

Theo báo cáo của Cục Đăng ký kinh doanh, tính đến tháng 6/2021, cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; hơn 26.000 hợp tác xã với tổng số 6,8 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh. Quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ (hầu hết hộ kinh doanh là quy mô siêu nhỏ; trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 94%, doanh nghiệp quy mô vừa và lớn chiếm khoảng gần 6%).

Cũng theo báo cáo của Cục Đăng ký Kinh doanh năm 2020, có khoảng 68,24% doanh nghiệp phát sinh doanh thu, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 (69,76%). Tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp có quy mô doanh thu nhỏ, tổng doanh thu 12 tháng năm 2020 tính bình quân trên một doanh nghiệp dân doanh là 22,14 tỷ đồng, giảm 1,07 tỷ đồng (4,61%) so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: khoảng 39,23% doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng; 13,21% doanh nghiệp doanh thu từ 100 tỷ đến 300 tỷ.

Đáng chú ý là số doanh nghiệp dân doanh có doanh thu lớn hơn 300 tỷ chiếm tỷ trọng nhỏ chưa đến 1% (0,93%), giảm 0,11% so với cùng kỳ 2019. Điều này cho thấy các doanh nghiệp dân doanh của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, do đó, năng lực cạnh tranh thấp càng gặp nhiều khó khăn hơn trong bối cảnh dịch bệnh.

Những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam trở nên sôi động, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng. Có thể dễ dàng nhận thấy tỷ trọng không nhỏ các cơ sở sản xuất kinh doanh đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối, cụ thể:

- Khoảng 100.000 cửa hàng tại Việt Nam đang sử dụng phần mềm Kiot Việt cho hoạt động quản lý bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và bán hàng đa kênh; con số tương tự đối với Sapo và cũng hàng nghìn doanh nghiệp khác đang sử dụng Haravan, Nhanh...

- Hàng trăm nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee...

- Dù chưa có các thống kê, một tỷ trọng lớn doanh nghiệp Việt Nam (hàng trăm nghìn doanh nghiệp) đã sử dụng tiếp thị số (digital marketing) như là một phương pháp tiếp thị quan trọng (chiếm khoảng hơn 20% trong tổng chi tiêu quảng cáo tại Việt Nam) trong hoạt động tiếp thị, bán hàng; các nền tảng tiếp thị số chủ yếu có thể nói đến như Facebook, Google, Youtube, Tiktok, Instagram, 24h, admicro, eclick, adtima...

Đối với chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp, dù rằng việc chuyển đổi còn chậm, thể hiện qua số lượng không nhiều doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp ERP, HRM, E-Office, phần mềm chấm công, tính lương..., có một tỷ lệ tương đối lớn các doanh nghiệp đã chuyển đổi số hoạt động quản trị, vận hành nội bộ ở mức cơ bản, thể hiện qua những thống kê sơ bộ:

- Hơn 60% cơ sở sản xuất kinh doanh đang sử dụng các phần mềm kế toán, trong đó có gần 200.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán MISA;

- Trên 200.000 cơ sở sản xuất kinh doanh đang sử dụng các phần mềm hóa đơn điện tử của nhiều nhà cung cấp khác nhau.

- Hầu hết doanh nghiệp đều đã trang bị và sử dụng chữ ký số;

- Các phần mềm khai báo thuế trực tuyến, khai báo bảo hiểm xã hội trực tuyến được ứng dụng tại đại đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021).

Bên cạnh các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhìn nhận chuyển đổi số như một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp y tế số, giáo dục số, nông nghiệp số, doanh nghiệp logistic, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch và sản xuất..., hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động.

Dù những hoạt động này mới chỉ bắt đầu nhưng đã thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, kỳ vọng một tương lai không xa sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp với những mô hình kinh doanh đột phá, dịch chuyển hoàn toàn sang mô hình kinh doanh trên môi trường số (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021).

2.2. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số tại Việt Nam

Nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc chủ động và tận dụng các thành tựu từ Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 7/1/2021 phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025”. Chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp về chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19. Đồng thời, Chương trình là giai đoạn triển khai thí điểm để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có căn cứ thực tiễn để đánh giá nhu cầu, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT với mục tiêu chung hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Hoạt động của Chương trình tập trung xây dựng các công cụ số, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cụ thể xây dựng Cổng thông tin tại địa chỉ http://digital.business.gov.vn để truyền tải thông tin về Chương trình, cung cấp kiến thức, tin tức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Đồng thời, xây dựng Sổ tay chuyển đổi số cho doanh nghiệp; thu thập và kết nối thông tin về các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số với doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số; xây dựng công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp và các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Cụ thể hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua (i) Chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; (ii) Hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; (iii) Hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; và (iv) Hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động huy động nguồn lực từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án USAID LinkSME để thực hiện mục tiêu của Chương trình đến năm 2025, có thể tóm gọn như sau: (i) 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; (ii) Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; (iii) Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; (iv) Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình đã đạt được một số kết quả thiết thực như:

(i) Về mục tiêu nâng cao nhận thức, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi số:

- Chương trình đã tổ chức các diễn đàn nâng cao nhận thức, tư vấn trực tiếp, kết nối giải pháp cho doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Huế (Thừa Thiên - Huế); phối hợp với Cơ quan phát triển doanh nghiệp Singapore chia sẻ kinh nghiệm của Singapore khi chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất; phối hợp với các tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong từng nghiệp vụ, lĩnh vực (qua các số liệu thống kê, hơn 6.000 doanh nghiệp đã tiếp cận các hoạt động này của Chương trình).

- Chương trình đã thực hiện xây dựng công cụ đánh giá chuyển đổi số để doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, công bố trên trang điện tử Chương trình http://digital.business.gov.vn. Đến nay đã có khoảng 300 doanh nghiệp ứng dụng công cụ để tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại doanh nghiệp mình. Hiện tại, Chương trình vẫn đang tiếp tục cải tiến, phát triển các công cụ chuyên sâu phục vụ cho công tác đánh giá, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả hơn.

- Chương trình đã công bố tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm đưa ra các kiến thức, lộ trình và các giải pháp công nghệ chuyển đổi số một cách độc lập cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV tham khảo. Tài liệu này đã nhận được các phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng chuyên gia. Sau 2 ngày công bố, hơn 3.000 lượt truy cập ấn phẩm điện tử với nhiều mục đích khác nhau như tìm hiểu kiến thức để áp dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đào tạo nội bộ, nghiên cứu, phục vụ giảng dạy và tư vấn.

Chương trình cũng đã tiến hành truyền thông rộng rãi qua hệ thống các cơ quan đăng ký kinh doanh tại 63 địa phương. Một số địa phương như Kon Tum đã rất tích cực phổ biến tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong địa bàn tỉnh thông qua các cấp huyện, xã để tất cả cộng đồng doanh nghiệp có thể tiếp cận được các kiến thưc, công cụ, hoạt động hỗ trợ của Chương trình, hướng tới mục tiêu 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025.

- Chương trình đã xây dựng khóa đào tạo trực tiếp và đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp về chuyển đổi số để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận kiến thức, nâng cao năng lực chuyển đổi số. Trong 6 tháng triển khai, Chương trình đào tạo trực tiếp cho 200 doanh nghiệp; xây dựng Hệ thống đào tạo trực tiếp cho 200 doanh nghiệp; xây dựng Hệ thống đào tạo trực tuyến e-learning tại địa chỉ http://vietnamsme.gov.vn/elearning/.

Đến nay, Hệ thống đã có 46 chuyên đề đào tạo trực tuyến với hơn 500 clip (mỗi clip dài từ 7-10 phút) và hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, tài liệu tham khảo, cấp chứng chỉ trực tuyến...; phục vụ hơn 6.500 học viên đăng ký học tập và khoảng gần 20.000 lượt truy cập, trải nghiệm các chuyên đề đào tạo trực tuyến trên Hệ thống.

(ii) Về mục tiêu hỗ trợ 100 doanh nghiệp thành công điển hình về chuyển đổi số

Chương trình triển khai các bước ban đầu để hình thành mạng lưới chuyên gia về chuyển đổi số và tìm kiếm, sàng lọc những doanh nghiệp sẵn sàng, quyết tâm chuyển đổi số để kết nối chuyên gia hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp quy mô vừa trở nên trong một số lĩnh vực như: sản xuất, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, dệt may, da giày...

(iii) Với các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã, hộ kinh doanh chuyển đổi số

Chương trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai sáng kiến hỗ trợ Chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Trước mắt, Chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số nói chung đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội, trong đó có thử nghiệm trên nền tảng của Grab.

Trong dài hạn, các bên đang xây dựng kế hoạch để nâng cao nhận thức và năng lực triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nông dân sản xuất nông nghiệp khắp cả nước, nhằm nâng cao hiệu quả, lợi thế, tính cạnh tranh và thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, thông qua các hoạt động của Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khảo sát 1000 doanh nghiệp để hiểu rõ hơn nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể:

+ Đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ, ở giai đoạn bắt đầu quá trình chuyển đổi số: 58,8% doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ về tiếp thị trực tuyến; 56% doanh nghiệp có nhu cầu giải pháp chuyển đổi số cho làm việc nội bộ; 44% doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số cho các giao dịch điện tử; 34,5% doanh nghiệp có nhu cầu giải pháp số về quản lý nhân sự, trả lương; 40,3% doanh nghiệp có nhu cầu về hạ tầng, dữ liệu và 27% doanh nghiệp có nhu cầu về giải pháp kế toán.

+ Đối với doanh nghiệp quy mô vừa, đang tăng trưởng: 58,6% doanh nghiệp có nhu cầu giải pháp hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP), 63,6% doanh nghiệp có nhu cầu giải pháp quản trị khách hàng (CRM), 51% doanh nghiệp có nhu cầu về an toàn dữ liệu, 64% doanh nghiệp có nhu cầu hệ thống phân tích dữ liệu, báo cáo thông minh.

+ Đối với các doanh nghiệp đang xuất khẩu hoặc có nhu cầu xuất khẩu: 48,2% doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ từ nền tảng bán hàng B2C (Amazon); 27,9% doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ từ nền tảng bán hàng (Alibaba); 52,2% doanh nghiệp có nhu cầu về giải pháp thanh toán xuyên biên giới; 72% doanh nghiệp có nhu cầu về giải pháp vận chuyển, kho bãi, logistic xuyên biên giới.

Trên cơ sở các kết quả ban đầu rất tích cực từ Chương trình thí điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Mặt khác, nhiều địa phương cũng đã tích cực triển khai hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số như: UBND TP. Hà Nội giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức triển khai Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố; theo đó, TP. Hà Nội cài đặt hóa đơn điện tử kèm 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới năm 2021; UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức tuần lễ chuyển đổi số; tỉnh Hải Dương hỗ trợ 100% DNNVV nhận thức và tư vấn kỹ thuật về chuyển đổi số; hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số bằng các nền tảng xuất sắc “Make in Viet Nam”; hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh...

3. Khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số

Thứ nhất, khung thể chế phục vụ chuyển đổi số ở Việt Nam còn cồng kềnh.

- Chính phủ đã tăng cường Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số theo Quyết định 1619/QĐ-TTg ngày 24/9/2021, trong đó Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban. Các Ủy ban tương tự cũng được thành lập ở cấp tỉnh, trong đó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh là người đứng đầu Ủy ban.

Tuy nhiên, ở khâu vận hành, các nhiệm vụ lớn trong chương trình chuyển đổi số được dàn trải ở ít nhất 7 bộ ngành, khiến cho công tác phối hợp và triển khai chính sách và chương trình gặp nhiều thách thức. Chẳng hạn, mô hình này dẫn đến việc nhiều hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng – như đất đai, công dân, doanh nghiệp và dân sự - được thu nhập và quản lý ở nhiều cơ quan khác nhau.

- Hỗ trợ của Chính phủ chưa đầy đủ cho doanh nghiệp số hoặc cho các doanh nghiệp đang muốn đầu tư vào các công cụ số. Hỗ trợ từ khu vực công vẫn chỉ tập trung cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (NC&PT) thay vì cho nâng cấp công nghệ và thương mại hóa công nghệ, bao gồm áp dụng và lan tỏa những công nghệ hiện có (Ngân hàng thế giới 2021a).

Thứ hai, hạn chế về nhận thức, năng lực của doanh nghiệp

- Rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ thì việc để có thể hiểu, hình dung và nhận thức được các thay đổi đang diễn ra, sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp mình có thể là một việc không dễ dàng. Việc quyết định thực hiện chuyển đổi số hay không thực hiện vì thế sẽ cần thời gian để các cơ sở sản xuất kinh doanh hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc này. Ngoài ra, kể cả khi nhận thức được về vai trò, ý nghĩa thì chuyển đổi số thành công vẫn là một thách thức không nhỏ.

- Nhu cầu hạn chế của doanh nghiệp xuất phát từ việc không chắc chắn về lợi tức đầu tư công nghệ, năng lực sử dụng công nghệ trong nội bộ còn yếu, tài chính hạn hẹp, và những vướng mắc pháp lý. Trên 75% các DNNVV và khoảng 63% doanh nghiệp lớn hiện chưa rõ lợi tức đầu tư công nghệ bằng bao nhiêu, và liệu việc đầu tư đó có phù hợp với nhu cầu của họ hay không. Chưa đến 60% DNNVV cho biết họ hoặc thiếu thông tin về những công nghệ hiện có hoặc thiếu kỹ năng để sử dụng công nghệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cho biết việc tiếp cận nguồn tài chính nước ngoài còn hạn chế (Ngân hàng Thế giới, 2021).

- Tốc độ phát triển của các doanh nghiệp số còn thấp, nhân tố đóng vai trò chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi số ở khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp số là các doanh nghiệp dựa trên các nền tảng và dữ liệu, cung cấp dịch vụ hoặc nội dung số phương thức thanh toán số, hoặc giải pháp số cho các doanh nghiệp khác, đặc biệt là cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc doanh nghiệp nhỏ không có đủ nội lực để tự xây dựng các năng lực này.

Các sàn thương mại điện tử dựa trên nền tảng số được phát triển trong nước, như Sendo và Tiki, cạnh tranh với các đối thủ tầm khu vực như Lazada và Shopee. Nhưng Việt Nam vẫn có ít doanh nghiệp số (khoảng 250 doanh nghiệp) hơn các quốc gia khác trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, như Malaysia (450 doanh nghiệp) hoặc Indonesia (530 doanh nghiệp). Các doanh nghiệp số ở Việt Nam cũng đang hoạt động trong ít lĩnh vực số hơn so với các quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương khác (Cirera và cộng sự, 2021).

Thứ ba, hạn chế về thông tin thị trường và các giải pháp chuyển đổi số

Trên cơ sở khảo sát thực tiễn việc ứng dụng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, hiện có các nhu cầu hỗ trợ sau khi triển khai chuyển đổi số:

- Cần có các cơ quan, tổ chức đóng vai trò như một kênh độc lập để đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của các giải pháp công nghệ để các cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ thông tin về các giải pháp công nghệ số để quyết định lựa chọn. Đồng thời, đây cũng là những thông tin hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp giải pháp hoàn thiện các giải pháp của mình.

- Cung cấp đầy đủ thông tin, minh bạch và phân tích cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số về tất cả các khía cạnh trong chuyển đổi số (về tính sẵn sàng, hiệu quả của giải pháp kinh doanh số, phân tích các công nghệ số, rủi ro, kinh phí đầu tư...)

- Nghiên cứu các ví dụ thành công điển hình để lan tỏa, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác làm theo.

Thứ tư, hạn chế về nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số.

- Các dự án chuyển đổi số có thể tốn rất nhiều kinh phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV còn khá hạn chế. Theo khảo sát của VCCI (2020) với hơn 400 doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2020, có đến 55,6% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chi phí ứng dụng công nghệ là hạn chế lớn nhất.

- Chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới; Chi phí đầu tư cho hệ thống CNTT: Việc phải triển khai một số hệ thống CNTT sẽ dẫn tới việc tăng đầu tư và các chi phí vận hành hệ thống CNTT; trong nhiều trường hợp, thách thức sẽ lớn hơn nếu phải thay đổi, xóa bỏ các hệ thống truyền thống.

- Chi phí trong việc xây dựng hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống rủi ro: So với các mô hình kinh doanh truyền thống thì việc chuyển đổi sổ, áp dụng nhiều công nghệ, lưu trữ và phân tích dữ liệu sẽ dẫn tới việc cần thiết phải bảo vệ an ninh, an toàn dữ liệu của các hệ thống.

Thứ năm, thiếu hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số.

Môi trường kinh tế số tại Việt Nam còn khá khiêm tốn. Ngoài chỉ tiêu số mật độ thuê bao internet băng rộng, các chỉ số khác của Việt Nam còn rất hạn chế, cụ thể: Chưa có các định hướng công nghệ trọng tâm, mang tính thương hiệu của Việt Nam thông qua các dự án nghiên cứu và đầu tư lớn.

Thiếu các định hướng công nghệ mang tính dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghiệp. Trong số 96 nhiệm vụ thuộc 07 Chương trình, Đề án, chủ yếu là các lĩnh vực như nông nghiệp, y học, sinh học, chỉ có 3 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực ICT đã triển khai là (1) Đánh giá hiện trạng, năng lực công nghệ và khả năng phát triển công nghệ trong một số lĩnh vực sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn; (2) Nghiên cứu xây dựng tiêu chí, quy trình tìm kiếm, nhận dạng và lựa chọn công nghệ sản xuất linh kiện phụ kiện của công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp điện tử; (3) Nghiên cứu phát triển và sản xuất thiết bị truy cập wifi (Access Point) dùng cho mạng VNPT wifi dựa trên nền điện toán đám mây.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay có mức đầu tư thấp vào phát triển khoa học và công nghệ để đổi mới sáng tạo so với các doanh nghiệp quốc tế. Tỷ lệ đầu tư R&D trên doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành CNTT và truyền thông chỉ là 2,97%. Tương tác giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp công nghệ trong nước còn yếu. Việt Nam xếp hạng 105/137 về số lượng nhà cung ứng nội địa và 116/137 về chất lượng nhà cung ứng nội địa. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp (bình quân 20-25%).

Trong đó, ngành công nghiệp CNTT và điện tử viễn thông tỷ lệ nội địa chỉ 15%. Tỷ lệ nội địa hóa cảu các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam năm 2017 là 33,2%, năm 2018 là 36,3% (trong khi Trung Quốc là 68%, Thái Lan là 57%) (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2022).

4. Một số khuyến nghị chính sách

Thứ nhất, thể chế và công nghệ cần song hành để thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ các mục tiêu phát triển.

Cuộc chạy đua giữa thể chế và công nghệ, cả ở trong lĩnh vực kinh tế dựa vào internet hay còn được gọi là “nền kinh tế mới” (và do vậy chưa có các thể chế, quy định điều tiết nên cần có các thử nghiệm sandbox với giới hạn về thời gian và không gian cụ thể” cũng như trong các lĩnh vực kinh tế truyền thống, cần sửa đổi quy định để cuộc cách mạng số có thể nhanh chóng thẩm thấu vào các ngóc ngách của các hoạt động chủ yếu dưới hình thức ngoại tuyến truyền thống.

Thể chế cần bắt kịp tốc độ của các công nghệ số đột phát (disruptive technologies) nhằm tối đa hóa lợi ích, giảm thiểu tác động bất lợi về kinh tế và xã hội (trong đó có độc quyền của các tập đoàn công nghệ sở hữu các nền tảng số hay tác động đến lao động ít kỹ năng trên thị trường lao động...).

Thứ hai, nâng cao kỹ năng số tại doanh nghiệp

Người lao động cần có kỹ năng phù hợp để tận dụng thế mạnh của công nghệ số, và phân bố kỹ năng không đồng đều có thể gia tăng bất bình đẳng. Tỷ lệ người lao động có trình độ trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện còn thấp và số lượng sinh viên tham gia các chương trình đào tạo sau phổ thông phù hợp chưa đủ để khỏa lấp chỗ trống. Với tốc độ thay đổi nhanh chóng và sự bất định về yêu cầu của việc làm trong tương lai, sự phối hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân có thể giúp xác định và dự báo những kỹ năng nào sẽ có nhu cầu cao nhất.

Việt Nam có thể cân nhắc 5 phương án bổ trợ cho nhau: (i) bồi dưỡng nhân tài trẻ về công nghệ số thông qua chương trình học bổng quy mô lớn để chuẩn bị cho sinh viên ở giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp sẵn sàng trước thời đại số; (ii) xây dựng các chương trình kết hợp phát triển kỹ năng liên quan đến kinh tế số với tài trợ và cố vấn cho các doanh nhân số; (iii) đưa công nghệ vào giáo dục từ các giai đoạn đầu; (iv) thu hút nhân tài từ những kiều bào đang tham gia các lĩnh vực số khắp thế giới; và (v) khuyến khích phát triển kỹ năng mềm cho người lao động, như kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, truyền thông, làm việc nhóm, sáng tạo, và quản lý...

Thứ ba, bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo.

Để duy trì năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo liên tục là điều kiện bắt buộc. Chu kỳ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) ngắn nghĩa là công nghệ trong ngành này có thể được phát minh, thử nghiệm và ứng dụng nhanh hơn nhiều so với các ngành công nghệ khác, chẳng hạn công nghệ y học.

Cũng vì lẽ đó, CNTT&TT có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời. Ngày nay, hầu hết hỗ trợ của Chính phủ đều hướng vào các nỗ lực nghiên cứu và phát triển, thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho lan tỏa, áp dụng và thích ứng công nghệ mới của các doanh nghiệp. Để tái cân bằng chính sách trên, Chính phủ có thể (i) hạ thấp rào cản gia nhập, đặc biệt đối với các công ty có năng lực công nghệ cao; (ii) cải thiện chính sách cạnh tranh và việc triển khai thực hiện chính sách và (iii) thúc đẩy khởi nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp nhỏ trong ngành công nghệ số với các hỗ trợ có mục tiêu để tạo điều kiện tiếp cận tài chính, thông tin và phát triển kỹ năng tốt hơn.

Thứ tư, hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia được hỗ trợ tối đa 50% chi phí ứng dụng các giải pháp trên nền tảng số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh; Xây dựng các gói hỗ trợ theo các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên như: sản xuất, chế biến chế tạo, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistic, du lịch.

Một số hình ảnh thể hiện quá trình chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam (Nguồn: Cục Quản lý doanh nghiệp, 2021.)

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025”, Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 7/1/2021.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông, (2019), Báo cáo Đề án Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia

3. Bộ Thông tin và Truyền thông, (2022), Đề án xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông, (2022), “Cẩm nang Chuyển đổi số”, tại http://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-la-gi/

5. Chính phủ (2021), Quyết định Kiện toàn và đổi tên Ủy ba Quốc gia về Chính phủ điện tử, số 1619 QĐ-TTg, ngày 24 tháng 9 năm 2021, Hà Nội

6. Cục Đăng ký Kinh doanh (2020), Tình hình hoạt động của doanh nghiệp năm 2020

7. Cục Đăng ký Kinh doanh (2021), Tình hình hoạt động của doanh nghiệp 6 tháng năm 2021

8. F Cirera, X., D.Comin, M. Cruz, K. M. Lee, and A. S. Martins – Neto (2021), “Firm-level technology adoption in Viet Nam.” World Bank Working Paper Series No. 9576, World Bank, Washington, DC.

9. Fujitsu (2019), Global Gigital Transformation Survey Report 2019, http://fujitsu.com/dowloads/GLOBAL/vision/2019/dowload center/FTSV2019_Survey_EN_1.pdf

10. Lau, Francis C.M., Tse, Chi K (2003), Chaos-Based Digital Comunication Systems: Operating Principles, Analysis Methods, and Performance Evaluation, http://www.springer.com/gp/book/9783540006022#aboutBook

11. Ngân hàng Thế giới (2021), Việt Nam chuyển đổi số: con đường tới tương lai, báo cáo chính sách Điểm lại tháng 8/2021

12. VDMA (Verband Deutscher Maschinen – und Anlagenbau).2015. “Industrie 4.0Readiness)

13. World Bank Group. 2021a. World Development Report 2021: Data fof better Lives. Washington, DC: World Bank.

14. World Bank, 2016, Digital Adoption Index

15. http://www.gartner.com/en/informaiton-technology/insights/digitalization

16. http://www.marketresearchfuture.com/reporrts/digital-transformation-market-8685

*TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam

Nguồn: VietQ

Từ khóa: chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt, chính sách

Hội nhập và phát triển

Menu

Chuyên mục RCEP

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Lượt truy cập

007371469
Go to top