Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Hội nhập và phát triểnBắt đầu một hành trình mới với EVFTA

Bắt đầu một hành trình mới với EVFTA

17.08-19

Sau 10 năm đàm phán, Hiệp định thương mại và tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/8. EVFTA đến khi nền kinh tế nước ta trong trạng thái “bình thường mới” chưa được bao lâu, vẫn còn đang “ngấm đòn” Covid-19 đã lại phải bước vào một trận chiến mới gian nan và khốc liệt hơn trước rất nhiều.

Trong bối cảnh như vậy, EVFTA không chỉ giúp doanh nghiệp mở cửa sang thị trường có sức mua lớn thứ 2 thế giới mà còn là đường thoát ý nghĩa có thể đưa nước ta ra khỏi những sức ép kinh tế nặng nề từ dịch bệnh.

0,8 triệu người thoát nghèo

Sau 10 năm đàm phán, Hiệp định thương mại và tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua. Đây là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt với một nền kinh tế mở, định hướng xuất khẩu như Việt Nam, “giúp doanh nghiệp mở cửa sang thị trường có sức mua lớn thứ hai thế giới” như lời ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Bên cạnh đó, EU là đối tác mở cửa rộng nhất thị trường mua sắm công của họ cho các nhà thầu cung ứng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Các đơn vị dùng tiền ngân sách của EU hay các nước thành viên EU là nhóm khách hàng cực kỳ lớn, chiếm tới 20 - 30% thị phần nhiều loại hàng hóa, trong đó có những hàng hóa thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, thực phẩm... Việc này hứa hẹn cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp Việt Nam ở EU, và giúp các thị trường dịch vụ ở Việt Nam cạnh tranh hơn, mang lại cơ hội giảm chi phí vốn, chi phí logistics… cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phải tìm lối ra cho những sức ép kinh tế nặng nề từ dịch Covid-19, EVFTA được cho là một trong những đường thoát có ý nghĩa. TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập lấy ví dụ về mặt hàng nông sản. Thị trường EU có nhu cầu khổng lồ đối với nông sản nhiệt đới Việt Nam, thuế quan với phần lớn nông sản được xóa bỏ ngay theo EVFTA. Hàng rào tiêu chuẩn, vệ sinh của EU rất cao nhưng minh bạch.

Đặc biệt EU không đòi hỏi giấy phép nhập khẩu với từng loại nông sản như thị trường Mỹ hay Australia. Cũng như vậy, đối với các mặt hàng công nghiệp như điện tử, dệt may, giày dép…, cơ hội thuế quan ở thị trường lớn EU có thể là động lực để tăng đầu tư cho công nghiệp phụ trợ, tự chủ nguồn nguyên phụ liệu. Nếu làm được, sản xuất của chúng ta sẽ không còn phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung Trung Quốc trong khi lại có thể gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh.

Một cơ hội đáng kể khác từ EVFTA chính là cải cách thể chế thông qua sức ép bắt buộc từ các cam kết. Nói như TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, EVFTA chính là “chất xúc tác” để Việt Nam cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, “đây là cơ hội hầu như không có trong các hiệp định thương mại truyền thống với các cam kết chỉ tập trung vào xóa bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan”.

Trên thực tế, để chuẩn bị cho EVFTA, Quốc hội đã phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Hàng loạt các cải cách về thể chế, chính sách về đầu tư, kinh doanh cũng đã được sửa đổi, bổ sung. Quan trọng không kém, Việt Nam còn đang xây dựng đề án về thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thành thức toàn cầu do Covid-19. Đồng thời, cũng đang triển khai các chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về hợp tác đầu tư nước ngoài trong tình hình mới, vừa cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, vừa xây dựng chiến lược và các giải pháp đột phá để thu hút FDI thế hệ mới.

Bên cạnh những tác động tích cực và rõ rệt về mặt kinh tế và cải cách pháp luật – thể chế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, với những cam kết đã được, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết “Hiệp định dự kiến cũng sẽ giúp việc giảm nghèo nhanh hơn”. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng dẫn kết quả nghiên cứu của báo cáo “Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA” do Ngân hàng

Thế giới thực hiện vào cuối tháng 4/2020, theo đó EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỷ lệ nghèo 0,7%. Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.

Chuẩn bị hành trang

Tuy nhiên, EVFTA không phải là “con đường miễn phí”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - nói thẳng. Ai cũng biết châu Âu là thị trường khó tính. Muốn đưa được hàng vào đây, doanh nghiệp Việt phải vượt qua hàng loạt rào cản nghiêm khắc. Chẳng hạn, dệt may được đánh giá là ngành hàng hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA thông qua việc giảm thuế. Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may được hưởng ưu đãi thuế suất khi và chỉ khi đáp ứng quy tắc xuất xứ tương đối chặt với yêu cầu “từ vải trở đi”. Nghĩa là vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU hoặc nước có ký kết hiệp định thương mại tự do với EU. Đồng thời, sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định tại Hiệp định.

Hay với sản phẩm thủy sản, người tiêu dùng EU còn quan tâm con cá, con tôm được đánh bắt như thế nào, có truy xuất được nguồn gốc xuất xứ hay không, chứ không chỉ đơn thuần là cá tôm có ngon hay không…

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở các quy tắc về xuất xứ, các hàng rào về kỹ thuật và quy định vệ sinh dịch tễ rất cao cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại… mà còn là các cam kết về vấn đề môi trường và lao động, được quy định trong Chương 13 - Thương mại và Phát triển bền vững.

EVFTA quy định rất rõ về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; về việc xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp... Nếu không thực hiện tốt các cam kết này, nhất là nếu bị phát hiện ra các vấn đề về lao động trẻ em ở các khâu sản xuất, nhiều nước châu Âu sẵn sàng từ chối nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam.

Chính vì vậy, EVFTA đi vào hiệu lực mới chỉ là bước đầu. Điều quan trọng là Việt Nam có chuẩn bị hành trang đầy đặn và tươm tất để băng qua những chướng ngại vật trên “cao tốc EVFTA”, trên “lối thoát EVFTA” và về đích hay không!

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA mới đây, thị trường EU “không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng”. Theo Thủ tướng, “EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu”.

Nhưng điều này chỉ thành hiện thực nếu chúng ta giải quyết được những hạn chế “cố hữu” như nhận thức của các doanh nghiệp về EVFTA còn hạn chế và việc tận dụng cơ hội còn khiêm tốn; nhiều cơ quan còn chậm xây dựng văn bản pháp luật liên quan, hướng dẫn thực thi còn thiếu thống nhất, gây khó cho doanh nghiệp; nền kinh tế còn nhiều hạn chế về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực, chất lượng, quy mô sản xuất còn nhỏ...

Kế hoạch thực thi EVFTA đã có! Dù tâm tư còn lấn cấn rằng chúng ta chưa có một bản hướng dẫn sử dụng EVFTA cho xứng tầm, nhưng điều quan trọng là hành động thực tế của Nhà nước và doanh nghiệp để tận dụng những cơ hội có một không hai từ Hiệp định này. Hành trình mới trên cao tốc EVFTA phải được bắt đầu từ một tâm thế đặc biệt, một sự chuẩn bị kỹ càng từ trong suy nghĩ để dẫn dắt tới hành động đúng và đạt được kỳ vọng.

EVFTA hứa hẹn nhiều lợi ích kinh tế nhất đối với nước ta. EU dành cho Việt Nam cam kết ưu đãi thuế quan ở mức độ cao nhất từ trước tới nay. Theo đó, 85% dòng thuế hàng hóa từ Việt Nam hưởng mức thuế 0% ngay từ ngày 1/8/2020. EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Kéo theo dòng chảy thương mại sẽ là dòng chảy đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ không chỉ tận dụng được thị trường gần 100 triệu dân của nước ta, mà còn có thể vươn tới thị trường ASEAN, cũng như thị trường rộng lớn của các quốc gia thành viên các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Nguồn: Giáo Dục Thời Đại

Từ khóa: bắt đầu, một hành trình mới, EVFTA

Hội nhập và phát triển

Menu

Chuyên mục RCEP

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Lượt truy cập

007371102
Go to top