Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Hoạt động Hội nhập Kinh tế Quốc tếTrung tâm WTOTập huấnThuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và chính sách thu hút FDI của TPHCM

Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và chính sách thu hút FDI của TPHCM

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ được thực thi từ năm 2024 và sẽ tác động tới phần lớn tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tọa đàm nhằm phổ biến thông tin và thảo luận về những ảnh hưởng và định hướng chính sách trong hoạt động thu hút dòng vốn FDI tại Việt Nam trong thời gian tới.

Với mong muốn giúp cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhìn nhận, đánh giá những cơ hội và thách thức của cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, những định hướng và giải pháp trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Tọa đàm “Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu - Triển vọng và thách thức trong thu hút FDI trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” vào sáng ngày 29 tháng 03 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo đã thu hút gần 150 đại biểu tham dự trực tiếp đến từ các Sở ban ngành, Ban quản lý các khu chế xuất khu công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao, các Hiệp hội/ Hội ngành hàng có vốn đầu tư nước ngoài; các chuyên gia tư vấn thuế, đầu tư, luật; cán bộ Viện nghiên cứu/Trường Đại học, doanh nghiệp FDI cũng như các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn thành phố.

td11

Hình ảnh: TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết: Mục đích của Tọa đàm là nhằm làm rõ nội hàm của vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu (Global Corporate Minimum Tax- GCMT) và đặc biệt là đánh giá tác động của thuế GCMT đối với hoạt động thu hút đầu tư tại Việt Nam. Cho tới nay, Việt Nam chủ yếu xem ưu đãi miễn giảm thuế và giảm giá đất như công cụ hữu ích dành cho nhà đầu tư chiến lược. Nếu từ năm 2024 thực hiện chính sách này thì Việt Nam có khoảng 1,015 doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng. Việc tham gia vào Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chấm dứt cuộc đua xuống đáy trong ưu đãi thuế. Do đó, Việt Nam cần sớm có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, cùng với đó là ban hành những chính sách mới trong thu hút đầu tư sao cho vừa đạt được mục tiêu thu hút nguồn vốn FDI và vừa tiếp tục duy trì được những ưu đãi dành cho nhà đầu tư chiến lược và ít chịu tác động nhất từ thuế GCMT.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu là một thỏa thuận đa phương, nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (Base erosion and profit shifting- BEPS Actions) với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên toàn cầu. Theo khuyến nghị G20, OECD và Diễn đàn OECD Inclusive Framework thực hiện dự án BEPS với 15 hành động và đã hoàn thiện Đề xuất xử lý thuế đối với hoạt động kinh tế kỹ thuật số bao gồm 2 trụ cột, trong đó Trụ cột 2 có đề cập đến Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu. Việt Nam chính thức tham gia vào thỏa thuận này kể từ tháng 7/2017 và trở thành thành viên thứ 100 và đã thực hiện được 4- 5 cam kết tối thiểu, hiệp định đa phương trao đổi thông tin, công khai áp dụng pháp luật riêng, thúc đẩy xử lý tranh chấp.

td22

Hình ảnh: ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Trụ cột 2 về thuế suất tối thiểu toàn cầu được thiết kế với 3 nguyên tắc cốt lõi: (i) Nguyên tắc gộp thu nhập (Income Inclusion Rule- IIR); (ii) Nguyên tắc đối với các khoản thanh toán chịu thuế dưới mức thuế suất tối thiểu toàn cầu ((Undertaxed payment rule – UTPR)​; (iii) Nguyên tắc quyền đánh thuế của nước nguồn (Subject to tax rule – STTR). Mức thuế suất đặt ra nhằm bảo đảm thu nhập của các công ty đa quốc gia phải chịu mức thuế tối thiểu là 15%. Đối tượng chịu thuế là các công ty đa quốc gia với doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (tương đương 19.500 tỷ đồng) trong ít nhất hai năm của giai đoạn 4 năm liền kề trước năm soát xét. Đặc biệt, Trụ cột 2 còn cho phép các nước được quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu nội địa mà không cần sự đồng ý của các thành viên tham gia còn lại.

Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng công cụ ưu đãi thuế để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI từ các tập đoàn lớn nước ngoài. Cụ thể, ưu đãi thời gian miễn, giảm thuế đối với đầu tư mới, đầu tư mở rộng như miễn 4 năm, giảm 9 năm hoặc miễn 2 năm, giảm 4 năm; Ưu đãi 23 lĩnh vực đặc biệt, 7 lĩnh vực ưu đãi thấp hơn; Ưu đãi theo 51/63 địa phương có điều kiện đặc biệt khó khăn và khó khăn và Ưu đãi trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Theo ước tính sơ bộ, thuế suất phổ thông tại Việt Nam là 20%; tuy nhiên thuế thực tế dành cho các doanh nghiệp FDI chỉ vào khoảng 12,3%, một số tập đoàn lớn chỉ ở mức 2,75%- 5,95%.

Nếu áp dụng thuế này, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam hiện đang áp dụng sẽ kém hấp dẫn đối với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn; các biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang áp dụng sẽ không còn giá trị. Một điểm đáng chú ý là số thuế Việt Nam thu chưa đủ mức 15% thì các nước mà tập đoàn, công ty đa quốc gia đóng trụ sở sẽ được quyền thu.

Năm 2022, dòng vốn FDI chiếm hơn 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại TP.HCM, chủ yếu tập trung vào các ngành như khoa học công nghệ (27%), công nghiệp chế biến chế tạo (26%), thương mại (13%), thông tin, truyền thông (12%),…Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, dòng FDI tại thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ các đối tác như Singapore (57%), Hàn Quốc (7%), British VirginIsland (7%), Nhật Bản (5%), Malaysia (4%),… trong năm 2022. Tổng vốn đăng ký là 3,94 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số dự án và vốn đăng ký còn hiệu lực. Về quy mô dự án, TPHCM đứng thứ 7 trong cả nước, với quy mô bình quân là 5,1 triệu USD/ dự án. 

td33

Hình ảnh: TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Sức hấp dẫn của dòng FDI tại TPHCM đến từ vị trí chiến lược, dễ tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng đồng bộ và sự ổn định về mặt chính trị. Tuy vậy, định vị lợi thế cạnh tranh dựa trên lao động giá rẻ không còn yếu tố quyết định chính trong kế hoạch đầu tư, nếu mức lương tăng nhanh hơn năng suất lao động sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh nhân lực của Việt Nam. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố tác động chính trong dài hạn, cải thiện cơ sở hạ tầng (sân bay, cảng biển, mạng viễn thông 5G,...), tăng cường liên kết chuỗi và cụm ngành,v.v.

Chính phủ nên đánh giá cẩn thận các chính sách thuế, cấu trúc kinh tế và môi trường kinh doanh. Xem xét lại và cải cách các chính sách ưu đãi thuế, đặc biệt là những chính sách gây tổn kém và phi hiệu quả, cải cách thuế mới phù hợp với GMCT, khu vực tài phán và phản ứng chính sách phù hợp. Quy tắc thuế GMCT không có nghĩa là mất hoàn toàn cơ hội tiếp tục sử dụng các ưu đãi thuế để thu hút đầu tư, nhưng cần được thiết kế cẩn thận và có quy tắc hơn; đồng thời, cần tăng cường năng lực quản lý thuế của các cơ quan thuế.

Các hành động ưu tiên hiện nay: thứ nhất là phải đánh giá được liệu Việt Nam có thuộc khu vực tài phán nguy cơ cao, trung bình hoặc thấp chịu ảnh hưởng bởi quy tắc thuế GMCT; thứ hai là đánh giá các ưu đãi thuế được áp dụng ở Việt Nam theo các quy tắc của GMCT như xem xét các ưu đãi thuế có nhắm vào thu nhập ngoài phạm vi không; công cụ ưu đãi thuế có bị ảnh hưởng ít nhiều bởi quy tắc GMCT không; các ưu đãi thuế có tính năng hạn chế hiệu quả mức độ lợi ích về thuế mà các công ty có thể nhận được hay không hay ưu đãi có nhắm vào các hoạt động thâm dụng vốn hoặc lao động,…

Đồng quan điểm, ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cũng cho biết các quốc gia đầu tư nhiều vào Việt Nam như Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản đều dự kiến áp dụng thuế GMCT từ năm 2024. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Malaysia dự kiến áp dụng Trụ cột 2 từ năm 2024 và khả năng cao áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax- QDMTT) để giữ quyền đánh thuế nội địa. Singapore và Hồng Kong, Thái lan dự kiến áp dụng Trụ cột 2 từ năm 2025 và khả năng cao áp dụng QDMTT.

td44

Hình ảnh: ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam

Những ảnh hưởng trọng yếu sẽ tác động đến Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong thời gian tới bao gồm: (i) quyền đánh thuế, (ii) cạnh tranh thu hút vốn đầu tư từ nhà đầu tư chiến lược, (iii) thách thức trong việc xây dựng chính sách nội luật và cách thức thu thuế hiệu quả.

Đối với chính sách thuế, nếu Việt Nam không có hành động nhanh và phù hợp: thứ nhất, sẽ không giữ được quyền đánh thuế tại nước chủ nhà khi các quốc gia đi đầu tư sẽ thực hiện thu Thuế bổ sung; thứ hai, không thu được phần Thuế bổ sung từ đầu tư ra nước ngoài (nếu có phát sinh) của các Tập đoàn có trụ sở tại Việt Nam; thứ ba, một số nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Hồng Kong, Thái Lan đã lên kế hoạch và tuyên bố sẽ áp dụng Thuế tối thiểu nội địa đạt yêu cầu (QDMTT) nhằm giành quyền đánh thuế bổ sung, không để chảy sang các quốc gia khác.

Đối với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cũng tồn tại nhiều bất cập và cũng dần giảm tác dụng trong việc thu hút/ khuyến khích vốn đầu tư FDI chất lượng cao vào Việt Nam. Việc cải cách hợp lý và kịp thời chính sách ưu đãi thuế để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu sao cho bảo đảm năng lực cạnh tranh của môi trường thu hút đầu tư mà vẫn giữ được lực hút với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong phạm vi điều chỉnh của Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (công ty con của Tập đoàn đa quốc gia) tại Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh cần hỗ trợ Công ty mẹ đánh giá tác động của thuế GMCT, lập mô hình đánh giá tác động theo 2 trường hợp Việt Nam sẽ triển khai Thuế tối thiểu nội địa đạt yêu cầu (QDMTT) hoặc không triển khai. Hai là theo sát và nắm vững quy định mới mà Việt Nam sẽ ban hành (đặc biệt là thuế QDMTT và thuế GMCT của OECD). Ba là chủ động chuẩn bị khả năng ứng phó trước những thay đổi nhanh chóng và sẵn sàng các nguồn lực về con người, công cụ, tư vấn, v.v. để thực hiện triển khai.

td55

Hình ảnh: Chủ trì Phiên thảo luận Tọa đàm ông Phạm Bình An và ông Phan Đức Hiếu (từ trái qua phải)

Trong phiên thảo luận về chủ đề “Định hướng và giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP.HCM với tác động Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu”, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng năm 2022, vốn FDI vẫn là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu với kim ngạch xuất khẩu tăng 10,3% và nhập khẩu tăng 10% so với cùng kỳ. Do đó, việc áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động không nhỏ đối với việc thu hút đầu tư và môi trường đầu tư tại thành phố.

Các chuyên gia cũng gợi mở và giải đáp những băn khoăn về những thay đổi và những định hướng, giải pháp ứng phó của chính phủ trong thời gian sắp tới. Các Sở ban ngành, Ban quản lý các khu chế xuất khu công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao, các Hiệp hội/ Hội ngành hàng có vốn đầu tư nước ngoài; các chuyên gia tư vấn thuế, đầu tư, luật; cán bộ Viện nghiên cứu/Trường Đại học, doanh nghiệp FDI cũng có những chia sẻ những tình huống dự kiến khi áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu cũng như những chính sách mà chính phủ Việt Nam áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài hiện nay khi tìm hiểu và áp dụng vào hoạt động đầu tư của mình. Theo đó, các đơn vị tham dự cũng đánh giá cao những thông tin và kiến thức thiết thực mà Tọa đàm mang lại.

td66

Hình ảnh: Quang cảnh Tọa đàm

Với mong muốn tiếp tục đồng hành, cung cấp thông tin và gợi mở giải pháp/ kiến nghị cho các đơn vị khi Thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu bắt đầu triển khai trong năm 2024. Trong thời gian tới, Trung tâm Hội nhập quốc tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tổ chức thêm các chương trình thiết thực và hữu ích đến cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị liên quan./.

Nguồn: CIIS

Từ khóa: thuế tối thiểu toàn cầu (GCMT), thuế tối thiểu nội địa đạt yêu cầu (QDMTT), FDI

Chuyên mục RCEP

Menu

Hoạt động Hội Nhập

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007371173
Go to top