Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Chuyên đềHiệp định đang đàm phánFTAPhân tích đánh giá tác độngĐàm phán FTA Việt Nam - EU: Chuẩn bị kỹ, tránh rủi ro

Đàm phán FTA Việt Nam - EU: Chuẩn bị kỹ, tránh rủi ro

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía thông qua các cam kết mở cửa sâu rộng thị trường. Song đối với một nền kinh tế còn non trẻ trong quá trình hội nhập quốc tế như Việt Nam, việc tận dụng những cơ hội này không đơn giản.

Thực tế đã chứng minh từ chính các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã ký kết tuy được kỳ vọng lớn, song không mang lại nhiều lợi ích như mong đợi.
 
Lượng tăng, chất chưa chuyển
 
Ông Lê Văn Đạo, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam điểm lại những thị trường lớn của ngành dệt may đã có hiệp định thương mại tự do với nước ta. Theo đó, trong các FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, New Zealand, Australia, Việt Nam hầu như không tận dụng được lợi thế nào trong ngành dệt may. Những thỏa thuận hợp tác mà các nước đối tác đưa ra tuy nhiều, song thực hiện lại chẳng được bao nhiêu.
 
Chẳng hạn, trong quá trình đàm phán FTA với Nhật Bản, phía bạn đã đưa ra đề nghị nếu chấp nhận các điều khoản thì sẽ hỗ trợ đào tạo lao động, mở rộng thị trường… đặc biệt là đầu tư vào sản xuất vải, một mắt xích còn yếu của ngành dệt may nước ta. Song thực tế là từ đó đến nay không có doanh nghiệp Nhật Bản nào chịu đầu tư vào lĩnh vực này. Tăng trưởng của ngành dệt may tại thị trường Nhật Bản sau khi ký kết FTA cũng chỉ hơn 10% so với thị trường Mỹ vốn chưa có FTA với chúng ta.
 
"Phần tăng trưởng đó cũng do dùng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam mà đạt được. Còn kể cả mặt hàng dệt may được hưởng thuế suất ưu đãi là 0%, nhưng nếu quy định về xuất xứ (C/O) quá chặt chẽ thì sẽ rất khó để các doanh nghiệp tận dụng được ưu thế", ông Đạo lý giải.
 
Trong khi đó, ngành dệt may lại được hưởng nhiều lợi ích từ FTA với Hàn Quốc vì quy định về quy tắc xuất xứ dựa trên công đoạn sản xuất (cắt, may), vốn là những lợi thế cạnh tranh của chúng ta, thay vì hàm lượng trong sản phẩm (dệt, sợi, vải). Nhờ đó, trong năm 2010, xuất khẩu sản phẩm dệt may từ Việt Nam qua Hàn Quốc tăng 78%, đạt 432 triệu USD, trong khi tại thị trường Nhật Bản tỷ lệ tương ứng chỉ tăng khoảng 14 - 15%, không đạt kỳ vọng ban đầu của ngành. Bởi vậy, đàm phán FTA phải dựa trên năng lực thực có của từng ngành hàng để cân đối các điều khoản, lợi ích cụ thể, xem xét những yêu cầu của phía đối tác. Đối với những doanh nghiệp trong nước, quy mô nhỏ, kinh nghiệm yếu, sẽ dễ dẫn đến việc bị "hớ" trước các doanh nghiệp nước ngoài nếu không tính toán kỹ càng và có tầm nhìn dài hạn cùng những điều khoản chặt chẽ.
 
Tuy nhiên, dù tiềm ẩn nhiều mối lo ngại, FTA Việt Nam - EU vẫn là cánh cửa khá hấp dẫn, mở lối cho doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu rộng và đạt được nhiều lợi ích.
 6-FTA-VN-EU
 
Nhiều cơ hội mới
 
Đàm phán thành công FTA Việt Nam - EU là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp xuất phát từ việc được hưởng lợi nhờ cắt giảm thuế, nhờ đó dễ dàng nhập khẩu máy móc, hàng hóa công nghệ cao từ EU với giá rẻ hơn. Thực tế, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã thực hiện cắt giảm thuế quan đáng kể, đưa mức thuế suất trung bình hiện tại là 9,3%. Thuế suất đối với hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của EU vào Việt Nam rất thấp, như máy móc (3,4%), dược phẩm (2%), sắt (2%), thiết bị y tế (1,3%)... trừ một số trường hợp ngoại lệ như ô tô (24,2%), đồ điện tử (8,9%), cùng một số dòng sản phẩm dược phẩm (10 - 90%). Song theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, thiết bị nhập từ EU hiện nay giá thành vẫn rất cao và doanh nghiệp khó lòng tiếp cận.
 
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nhận định: "Trên thực tế, việc giảm thuế chỉ làm chuyển luồng thương mại, nhập khẩu từ EU tăng lên, các thị trường khác có thể giảm nếu giá cả cạnh tranh. Việc chuyển luồng thương mại sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi từ việc nhập khẩu công nghệ và nguyên liệu chất lượng cao với giá rẻ hơn từ châu Âu. Bên cạnh đó, EU sẽ xuất khẩu vào Việt Nam các dịch vụ chất lượng cao giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trong dài hạn".
 
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đánh giá, nguy cơ về việc nhập siêu từ EU trong tương lai là không đáng lo ngại. Thậm chí kể cả khi chúng ta nhập siêu từ EU thay vì Trung Quốc như hiện nay, có thể lại là dấu hiệu tốt. "Vấn đề của Việt Nam không chỉ là nhập siêu quá lớn mà còn là nhập những công nghệ, thiết bị tồi, không giúp ích cho việc cải thiện năng lực cạnh tranh. Tôi cho rằng dù có thể nhập siêu đi chăng nữa, nhưng phục vụ cho hiện đại hóa, công nghiệp hóa kinh tế thì vẫn còn tốt hơn là chúng ta suất siêu sang EU để nhập siêu từ một nước trình độ công nghệ thấp", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan giải thích.
 
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay chính là việc lựa chọn thời gian và chuẩn bị cho quá trình đàm phán. Gs.Ts Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư, nhận định việc lựa chọn thời điểm để Việt Nam tham gia đàm phán chính thức FTA với EU cần được tính toán cụ thể. Lý do là chúng ta đang tiến hành đàm phán FTA với một số đối tác khác, nên cần có thời gian để cân đối các lợi ích trong các FTA, cũng như giữa các nhóm ngành hàng khác nhau, bởi nguyên tắc đàm phán các FTA là "có đi có lại".
 
Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng mọi đàm phán mới phải đặt trong khuôn khổ chung, và những nhượng bộ như thế nào, cách thức thực hiện ra sao… phải đặt trong đánh giá tác động của nó với Việt Nam. "Quan trọng nhất là chúng ta phải thỏa hiệp được rằng liệu trong thời gian đàm phán thì Việt Nam có thể đạt được gì và EU có thể hỗ trợ những gì để chúng ta tiến gần đến khả năng giành được các lợi ích. Bởi thời gian đàm phán có thể rất dài, 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn. Chúng ta phải tranh thủ khoảng thời gian này để củng cố năng lực, giành thế chủ động hơn trên bàn đàm phán", bà Lan cho biết thêm.
 
Theo KINH DOANH số 87 (ra ngày 25/04/2011)
 
Từ khóa: Đàm phán,  FTA Việt Nam - EU, chuẩn bị, tránh rủi ro

Chuyên mục RCEP

Menu

Chuyên mục FTA

Menu

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Liên kết

 

Lượt truy cập

007371269
Go to top