Hợp lý hóa các hàng rào phi thuế quan để giảm gánh nặng pháp lý cho doanh nghiệp vẫn là ưu tiên hàng đầu để khu vực phục hồi sau COVID-19.
Vào tháng 11 năm 2020, Ban Thư ký ASEAN đã công bố Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF) và kế hoạch thực hiện, trong đó đề ra các chiến lược phục hồi rộng rãi phù hợp với các ưu tiên của ngành và khu vực. ACRF có thể được coi là chiến lược phục hồi chung của ASEAN để thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19. Các biện pháp tạo thuận lợi thương mại trong kế hoạch thực hiện ACRF bao gồm hài hòa hóa các tiêu chuẩn đối với các mặt hàng thiết yếu và mở rộng Cơ chế một cửa ASEAN cho các đối tác đối thoại ASEAN, nhằm giảm chi phí tuân thủ quy định và những trở ngại về thủ tục đối với những ai giao thương với khu vực.
Trước đại dịch, sự gia tăng mạnh mẽ của sản xuất và tăng trưởng thu nhập ở các quốc gia thành viên ASEAN đã dẫn đến xuất khẩu và nhập khẩu nông sản thực phẩm đều tăng mạnh. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của ASEAN đạt 141 tỷ USD, trong đó, một phần ba kim ngạch là thương mại nội khối. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính bao gồm dầu cọ, sản phẩm cá, sản phẩm gỗ, cao su và gôm, trái cây và gạo. Cũng trong năm 2019, tổng nhập khẩu nông sản của ASEAN đạt 103 tỷ USD, bao gồm các sản phẩm đậu tương, sản phẩm cá, lúa mì, sản phẩm sữa và trái cây. Một lần nữa, khoảng một phần ba kim ngạch nhập khẩu nông sản là từ các nước trong khối.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, sản xuất lương thực đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tỷ lệ công nhân mắc bệnh gia tăng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, và các biện pháp phòng chống COVID-19. Những nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế xuất khẩu lương thực để đáp ứng nhu cầu trong nước có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Về phía cầu, nhập khẩu nông sản đã bị cản trở bởi chi phí thương mại liên quan đến các biện pháp phi thuế quan (NTM). NTM là các biện pháp chính sách ngoài các biện pháp thuế quan thông thường. NTM ảnh hưởng đến các nhà sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa vì làm tăng chi phí thông tin, chi phí tuân thủ và chi phí thủ tục. Ví dụ: việc tuân thủ tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm do nước nhập khẩu áp đặt bao gồm chi phí một lần cho việc thiết kế lại sản phẩm và tạo ra một hệ thống để quản lý những thay đổi đó. Chi phí tuân thủ như vậy có thể tăng lên do các yêu cầu khác nhau của các thị trường xuất khẩu khác nhau và các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật khác nhau do các nước nhập khẩu áp đặt.
Ở ASEAN, nhu cầu giảm chi phí thương mại liên quan đến NTM đã được ghi nhận trong hơn một thập kỷ. Theo Hiệp định khung ASEAN về hội nhập các lĩnh vực ưu tiên, được ký kết năm 2004, các quốc gia thành viên đã và đang làm việc để giảm tác động bóp méo thương mại của các NTM đối với thương mại nông sản. Thỏa thuận có ba mục tiêu: thiết lập cơ sở dữ liệu về các NTM của ASEAN vào ngày 30 tháng 6 năm 2004; đưa ra tiêu chí xác định các NTM là rào cản đối với thương mại vào ngày 30 tháng 6 năm 2005; và thiết lập một chương trình làm việc dứt điểm để xóa bỏ các NTM là rào cản đối với thương mại vào cuối năm 2005. Cam kết của các quốc gia thành viên trong việc hợp lý hóa các NTM đã được tăng cường nhờ việc thực hiện Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) kể từ năm 2010, theo đó các quốc gia thành viên được yêu cầu xác định các hàng rào phi thuế quan để loại bỏ.
Tuy nhiên, cải cách thể chế liên quan đến NTM ở ASEAN tiến triển chậm. Cơ sở dữ liệu NTM toàn cầu cho thấy bất chấp những nỗ lực hết mình của ASEAN, NTM về thương mại nông sản trong các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN đã tăng từ 434 biện pháp năm 2000 lên 1.192 biện pháp năm 2010 và lên 2.181 biện pháp vào năm 2019. Về phía nhập khẩu, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) chiếm phần lớn nhất trong các NTM, với tỷ lệ hơn một nửa. Các biện pháp này chủ yếu được thúc đẩy bởi các cân nhắc về chính sách phi thương mại như mối quan tâm của người tiêu dùng đối với chất lượng và an toàn sản phẩm. Các biện pháp còn lại bao gồm các điều kiện tiếp cận thị trường đa dạng như giấy phép nhập khẩu, yêu cầu kiểm tra, thử nghiệm và chứng nhận, yêu cầu về nhãn mác và đóng gói. Các nước áp dụng biện pháp SPS nhiều nhất gồm Thái Lan (282 biện pháp), tiếp theo là Philippines (150), Indonesia (144), Malaysia (88) và Việt Nam (83). Hai quốc gia ASEAN phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực - Singapore và Brunei - có số biện pháp SPS vừa phải. Campuchia, Lào và Myanmar có số lượng các biện pháp SPS thấp nhất trong ASEAN.
Để đánh giá mức độ mà SPS đang hạn chế xuất khẩu nông sản của các quốc gia thành viên sang các thị trường ASEAN khác, chúng tôi đã tính toán mức độ bị ảnh hưởng của mỗi quốc gia đối với các biện pháp SPS. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ba đặc điểm nổi bật của thương mại nông sản ở ASEAN.
Thứ nhất, tác động tăng giá của tổng số các biện pháp SPS đối với nhập khẩu nông sản thực phẩm khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi các biện pháp SPS là Việt Nam. Tại Việt Nam, các yêu cầu SPS đã đẩy giá nông sản thực phẩm nhập khẩu tăng 116,4%. Tiếp theo là Brunei (94,5%), Myanmar (61,9%), Philippines (60,3%), và Thái Lan (48,7 $). Ngược lại, tác động của các biện pháp SPS đối với nhập khẩu nông sản tương đối thấp ở Singapore (chỉ làm giá thực phẩm tăng 14,5%), Malaysia (20,4%) và Lào (22,6%). Giá các sản phẩm nông sản nhập khẩu cao hơn thông thường sẽ làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm đó từ các quốc gia thành viên khác.
Thứ hai, có 5 quốc gia ASEAN xuất khẩu hơn 20% tổng lượng nông sản xuất khẩu sang các nước ASEAN khác. Đó là Campuchia (70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu), Lào (68,7%), Singapore (40,6%), Brunei (33,9%) và Myanmar (22,7%). Các quốc gia thành viên còn lại xuất khẩu hầu hết các sản phẩm nông sản của họ sang các nước ngoài khu vực. Nhưng cho dù tỷ trọng xuất khẩu nội khối ASEAN trong tổng xuất khẩu của các quốc gia là bao nhiêu, tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu của các nước này đều tập trung ở một số thị trường. Ví dụ, 63,9% nông sản xuất khẩu của Campuchia là đến Malaysia, trong khi Indonesia chủ yếu là xuất đến Malaysia, Singapore và Việt Nam. Việc tập trung xuất khẩu nông sản sang các thị trường có các biện pháp SPS nghiêm ngặt có khả năng làm giảm đáng kể thương mại nông sản trong khu vực.
Thứ ba, nông sản xuất khẩu từ 5 quốc gia thành viên sau có khả năng rất cao phải đối mặt với các biện pháp SPS do chính phủ các quốc gia thành viên khác áp đặt đối với nông sản nhập khẩu. Đó là Singapore, Indonesia, Campuchia, Malaysia và Thái Lan. 5 quốc gia này đều có tỷ lệ đối mặt các biện pháp SPS cao tại ít nhất bốn thị trường ASEAN. Ví dụ, Singapore đã xuất khẩu khoảng 16,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Malaysia, trong khi Malaysia đã áp dụng các biện pháp SPS đáng kể đối với các loại hàng nhập khẩu này. Đồng thời, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Singapore sang các thị trường có các biện pháp SPS nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như Việt Nam hoặc Philippines, thậm chí còn bị ảnh hưởng nhiều hơn, dẫn đến xuất khẩu giảm.
Kết quả cho thấy cần phải đẩy nhanh cải cách NTM đối với thương mại nông sản ở cả cấp độ khu vực và trong nước. Chi phí thương mại xuyên biên giới có xu hướng tăng lên cùng với sự gia tăng của các NTM. Sự gia tăng của các biện pháp SPS và các điều kiện tiếp cận thị trường khác phản ánh sự khác biệt về trình độ phát triển, thông lệ ban hành và thực thi quy định, và mức độ bảo hộ khác nhau giữa các nước. Các yêu cầu pháp lý khác nhau có thể dẫn đến sự trùng lặp tốn kém trong phát triển, sản xuất và thử nghiệm sản phẩm – đây là những trở ngại ảnh hưởng nặng nề nhất đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Chi phí cố định như trên có thể là yếu tố cản trở họ quyết định xuất khẩu hay đầu tư.
Những cải cách hơn nữa đối với lĩnh vực nông sản thực phẩm nên nhắm vào các nhóm sản phẩm dựa trên mức độ nghiêm trọng của các NTM hiện đang được áp dụng. Trong ngắn hạn, ASEAN nên tập trung vào nhóm các sản phẩm có đang chịu tác động bóp méo thương mại cao từ các biện pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật. ASEAN nên bắt đầu từ các biện pháp phi kỹ thuật nặng nề nhất (tức là các biện pháp kiểm soát số lượng, các biện pháp bảo hộ thương mại đột xuất), sau đó là các biện pháp kỹ thuật (tức là các biện pháp SPS và tiêu chuẩn sản phẩm). Trong trung hạn, ASEAN nên tập trung vào nhóm các sản phẩm có các biện pháp phi kỹ thuật và công nghệ ít tác động hơn.
Các biện pháp phi kỹ thuật như các biện pháp kiểm soát số lượng và các biện pháp bảo hộ thương mại đột xuất cần được loại bỏ hoặc thay thế bằng các biện pháp khác ít gây tác động bóp méo thương mại hơn. Ví dụ, hạn ngạch thuế quan và các yêu cầu cấp phép nhập khẩu nên được thay thế bằng thuế quan và báo cáo sau về nhập khẩu dựa trên các tờ khai hải quan. Các biện pháp kỹ thuật như SPS và tiêu chuẩn sản phẩm nên được đơn giản hóa hoặc hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế để giảm tác động bóp méo thương mại của chúng, đồng thời duy trì các mục tiêu của chính sách phi thương mại như bảo vệ sức khỏe con người, động vật và thực vật.
Nguồn: The Diplomat
Từ khoá: ASEAN, trình độ phát triển, bảo hộ thương mại, kỹ thuật, công nghệ, tác động, chính sách phi thương mại
Các tin khác
- Những bước tiến trong triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN - 05/07/2021
- Phân tích: Tại sao SAARC không thể giống ASEAN? - 27/04/2021
- ASEAN vẫn có cơ hội trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 - 22/02/2021
- 3 giải pháp có thể giúp Cộng đồng ASEAN xây dựng một tương lai bền vững hơn sau đại dịch - 28/01/2021
- ASEAN trong RCEP: Chuyển hướng và tạo thương mại - 22/01/2021