Lấy ý tưởng từ sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) năm 1957 và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1967, Tổng thống BangladeshZiaur Rahman đã cân nhắc việc thành lập một Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) vào cuối những năm 1970. Ý tưởng này đã bị Ấn Độ ngờ vực vì nó có vẻ như là một kế hoạch do Mỹ hậu thuẫn nhằm loại bỏ tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của nhiều quốc gia khác trong khu vực Nam Á, SAARC đã ra đời vào năm 1985.
Sau đó, Hiệp định Thương mại Ưu đãi Nam Á (SAPTA) đã ra đời vào năm 1993 và Hiệp định Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA) đi vào hiệu lực từ năm 2006. Nhờ có SAARC, tỷ lệ giá trị thương mại nội khối khu vực Nam Á trên tổng giá trị thương mại đã tăng từ 4,5% vào năm 2008 lên thành 7,6% trong năm 2015, và 6,9% trong năm 2018.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được của SAARC là rất nhỏ nếu so sánh với ASEAN. Thành công mờ nhạt của SAARC làm dấy lên nghi ngờ rằng liệu "sự gần gũi về mặt địa lý" có giúp hình thành nên một nền "kinh tế khu vực". Dĩ nhiên, các quốc gia Nam Á có khá nhiều đặc điểm chung, về mặt văn hóa và lịch sử, nhưng họ cũng bị chia rẽ sâu sắc bởi vô vàn vấn đề tranh chấp - về chủ quyền, lãnh thổ, việc chia sẻ nguồn nước, các nhóm dân tộc, lợi ích địa chính trị, và sự phân bổ quyền lực chính trị bất tương xứng trong khu vực khi mà các nước nhỏ thường càu nhàu về "Người anh cả" Ấn Độ. Hoạt động hợp tác kinh tế, vốn là yếu tố căn bản của các khối khu vực, đang bị cản trở bởi những nhân tố gây chia rẽ này.
Sự thiếu lòng tin giữa các nước thành viên là nhân tố lớn nhất dẫn đến sự thiếu hiệu quả của SAARC. Căn bản của những xung đột vẫn là giữa Ấn Độ và Pakistan. Hiệp định SAARC về Xe Cơ giới do Ấn Độ hậu thuẫn đã bị Pakistan trì hoãn. Tương tự, dự án vệ tinh SAARC, do Ấn Độ đề xuất, đã bị hủy bỏ vào năm 2016 do sự phản đối từ Pakistan.
SAARC cũng đang phải đối mặt với những trở ngại trong lĩnh vực hợp tác an ninh. Trong khi chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới bắt nguồn từ Pakistan là mối quan tâm lớn đối với Ấn Độ, Pakistan khẳng định rằng những kẻ khủng bố này chỉ là phiến quân chống lại "sự thống trị của Ấn Độ" ở Kashmir. Cho đến hiện tại, Bangladesh, với nhiều nhóm khủng bố Hồi giáo, vẫn là một mối lo an ninh lớn đối với Ấn Độ, và xung đột về việc chia sẻ nguồn nước trên sông Teesta, đã khiến mối quan hệ Ấn Độ - Bangladesh rạn nứt.
Những nhân tố cản trở hợp tác
Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn về tự do hóa và cải cách, các quốc gia Nam Á vẫn trung thành với các rào cản thương mại và bản chất hướng nội. Họ không phải là một phần trong chuỗi sản xuất quốc tế. Tính đến năm 2016, thuế quan trung bình của các nước Nam Á là 13,6%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới là 6,3%. Các nước SAARC cũng áp dụng một danh sách "hàng nhạy cảm" dài. Khoảng 44 - 45% hàng nhập khẩu từ các thành viên SAARC nằm trong danh sách nhạy cảm của Bangladesh và Sri Lanka. 39% hàng hóa xuất khẩu từ Ấn Độ sang các nước Nam Á nằm trong danh sách nhạy cảm.
Các hàng rào phi thuế quan là những trở ngại phổ biến đối với hoạt động thương mại nội khối Nam Á. Các nhà xuất khẩu từ Sri Lanka sang Ấn Độ thường xuyên kêu khó về những rào cản này. Việc đối phó với những rào cản kỹ thuật này là một quá trình nhàm chán, làm trì trệ hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Quy tắc xuất xứ, dùng để kiềm hãm hoạt động tái xuất, cũng gây khó khăn cho thương mại ở các quốc gia yếu về lĩnh vực công nghiệp.
Kết nối cũng là một vấn đề lớn, mặc dù Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh có hệ thống đường bộ và đường sắt tốt. Ấn Độ và Pakistan vô cùng thận trọng về sự di chuyển của dòng chảy hàng hóa và con người. Chỉ đến năm 2016, sau khi Hiệp định Xe Cơ giới Bangladesh-Bhutan-Ấn Độ-Nepal (BBIN MVA) được ký kết, hệ thống đường bộ và đường sắt mới được mở cửa giữa Ấn Độ và Bangladesh. Hiệp định này đã giúp xóa bỏ việc chuyển tải hàng hóa từ xe tải của quốc gia này sang xe tải của quốc gia khác tại biên giới, một quá trình tốn thời gian và chi phí.
Trước đây, Ấn Độ và Sri Lanka từng được kết nối bằng một hệ thống phà giữa hai thành phố Rameswaram và Talaimannar. Nhưng hệ thống đang bị tạm ngưng do Sri Lanka e ngại dòng người Ấn Độ tràn qua. Những dự án xây dựng sân bay Palaly và cảng Kankesanthurai ở Sri Lanka để kết nối với tiểu bang Tamil Nadu vẫn đang đình trệ. Chính quyền Bhutan đã từ bỏ sáng kiến BBIN MVA vì lý do môi trường. Xe tải từ Nepal vẫn được phép đi vào Ấn Độ, nhưng họ cần được cấp giấy phép trước khi nhập cảnh. Những giấy phép này chỉ có hiệu lực trong ba tháng và việc gia hạn là cực kỳ mất thời gian. Năm 2015, Nepal đã cáo buộc Ấn Độ cố tình phong tỏa thương mại nước này, bằng một loạt những thay đổi chính sách gây tranh cãi.
Sự thiếu tính tương hỗ
Do thiếu tính tương hỗ về kinh tế và cũng do truyền thống lịch sử, các nước Nam Á ưa chuộng giao thương với phương Tây hơn là giao thương lẫn nhau. Những mặt hàng xuất khẩu của các nước Nam Á khá tương đồng nhau, với ngoại lệ là Ấn Độ, vì nước này có trình độ công nghiệp hóa cao hơn. Những mặt hàng xuất khẩu phổ biến bao gồm hàng dệt, đồ may sẵn, đồ da và các sản phẩm nông nghiệp. Không ngạc nhiên khi tỷ lệ giao thương của Ấn Độ với các nước Nam Á chỉ ở mức từ 1,7% đến 3,8% trên tổng giá trị thương mại với toàn cầu.
Sức mạnh bất cân xứng
Trong bài nghiên cứu năm 2010 viết cho ADB với tiêu đề: "Tính Kinh tế Chính trị của hoạt động Hợp tác Khu vực tại Nam Á", tác giả V. V. Desai cho rằng sự bất cân xứng trong phân bổ sức mạnh kinh tế và chính trị tại Nam Á là yếu tố gây cản trở hợp tác. Ông chỉ ra rằng, từ 60% đến 90% giá trị giao thương nội khối giữa các nước thành viên SAARC (ngoại trừ Pakistan và Afghanistan) là với Ấn Độ. Sự mất cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu với Ấn Độ là theo tỷ lệ 10:1.
Ông gợi ý rằng các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực nên đa dạng hóa và nâng cấp cơ cấu sản xuất bằng cách đầu tư thêm vốn vào việc ứng dụng công nghệ những mới.
SAARC so với ASEAN
Các nước ASEAN không bất bình đẳng như SAARC. Tất cả các thành viên ASEAN đều là những nền kinh tế mở cửa và phát triển mạnh, và là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này dẫn đến sự bùng nổ trong hoạt động thương mại nội khối ASEAN. Ở đây không tồn tại một thành viên lớn và có khả năng chi phối như trường hợp của SAARC.
Trong "Loạt bài Nghiên cứu về Khủng hoảng Quốc gia Số 2, 2008", tác giả K. Sridharan đã phơi bài sự khác biệt cơ bản giữa SAARC và ASEAN. Trong khi SAARC là “Hệ thống các Quốc gia”, ASEAN là “Hiệp hội các Quốc gia”. “Hệ thống các quốc gia” là một cơ thể hình thức, được gắn kết một cách máy móc. Sự xung đột là dấu ấn trong quan hệ giữa các nước trong Hệ thống. Xung đột thậm chí còn không bị kiểm soát, bất kể tác động của chúng đối với tổ chức. Ngược lại, một "Hiệp hội các Quốc gia" hoạt động dựa trên những sự điều chỉnh lẫn nhau, sự cho và nhận, và thay đổi sao cho phù hợp với nhau. Nói một cách dễ hiểu về mặt xã hội học, sự thống nhất của SAARC là mang tính "hình thức" và trong ASEAN là mang tính "tự nguyện".
Cần phải ngừng đặt nặng hình thức
Sridharan gợi ý rằng, SAARC cần thả lỏng hơn. ASEAN cho thấy rằng các quy tắc không nên cứng nhắc. Những quy tắc mềm mỏng, hoặc "nguyên tắc hoạt động, được đặt ra mà không cần thông qua thỏa thuận chính thức hoặc thậm chí không cần trao đổi trực tiếp", đôi khi đã là đủ.
Sridharan nói thêm rằng: "Không có gì lạ khi một quy tắc xuất hiện trước tiên như một nguyên tắc hoạt động, sau đó trở thành thông lệ được thiết lập, sau đó có giá trị như một nguyên tắc đạo đức và cuối cùng được đưa vào một quy ước pháp lý." Các "nguyên tắc hoạt động” như vậy đã tồn tại ở ASEAN.
Cơ chế giải quyết tranh chấp
Ở ASEAN, mỗi nỗ lực được tạo ra đều nhằm mục đích giải quyết các tranh chấp một cách thân thiện. Các nước thành viên sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn để đạt được điều này. Sridharan đưa ra dẫn chứng về cách ASEAN xử lý xung đột ở miền nam Thái Lan, nơi mà tranh chấp giữa cộng đồng Đạo Hồi và chính phủ Thái leo thang từ năm 2004, khiến 550 người tử vong. Mặc dù người Hồi giáo ở Malaysia và Indonesia không hài lòng về việc này, họ đã rất thận trọng trong cách phản ứng của mình. Sridharan kể lại rằng, Malaysia, với tư cách là chủ tịch Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), đã chấp nhận không đề cập đến vấn đề ở miền nam Thái Lan tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao OIC tại Yemen năm 2005. Mới đây, ASEAN đã khởi động một nỗ lực nhằm mang lại hòa bình cho Myanmar bằng cách vạch ra chương trình đàm phán với chính quyền Junta.
Tuy nhiên, Sridharan chỉ ra rằng, khi so với ASEAN, sự kiềm hãm giữa các nước Nam Á là "không thể tưởng tượng nổi". Không giống với ASEAN, ở SAARC, việc sử dụng vũ lực vẫn được xem là một công cụ của chính sách đối ngoại.
Nguồn: Eurasia Review
Từ khóa: SAARC, ASEAN, hội nhập kinh tế khu vực, chủ nghĩa bảo hộ, giải quyết xung đột
Các tin khác
- ASEAN vẫn có cơ hội trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030 - 22/02/2021
- 3 giải pháp có thể giúp Cộng đồng ASEAN xây dựng một tương lai bền vững hơn sau đại dịch - 28/01/2021
- ASEAN trong RCEP: Chuyển hướng và tạo thương mại - 22/01/2021
- Nâng tầm hệ thống logistics Việt Nam trong khu vực ASEAN - 16/12/2020
- Thúc đẩy thực hiện các mục tiêu hội nhập thị trường vốn khu vực ASEAN - 11/12/2020