Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tròn 4 năm kể từ ngày có hiệu lực (1/8/2020). Tuy nhiên, mức độ nhận được lợi ích từ FTA thế hệ mới này vẫn có sự phân hoá và khác nhau giữa các doanh nghiệp.
EU đã đầu tư 28 tỷ Euro vào Việt Nam sau 4 năm
Theo Bộ Công Thương, sau 4 năm EVFTA có hiệu lực, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng lên và Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU. EVFTA giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU tháng 6/2024 đạt trên 4,28 tỷ USD, tăng 7,85% so với tháng 5/2024 và tăng 19,54% so với tháng 6/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỷ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang đa số thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản. Tuy nhiên, mức tăng xuất khẩu của EU sang Việt Nam khiêm tốn hơn nhiều, chỉ tăng từ 11 tỷ Euro lên 11,4 tỷ Euro trong cùng kỳ, tăng đáng kể sự mất cân bằng thương mại.
Về mức độ tận dụng của doanh nghiệp, một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về EVFTA cao hơn so với các FTA khác. Gần 50% doanh nghiệp từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 ở mức cao. Năm 2023, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022.
Khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của EuroCham vào tháng 7 vừa qua cũng chỉ ra, gần 2/3 số người tham gia khảo sát cho rằng đã nhận được lợi ích nhưng ở những mức độ khác nhau. Đáng chú ý, 27% doanh nghiệp - tăng đáng kể so với 18% doanh nghiệp theo khảo sát vào năm 2023 - hiện đang nhận được những lợi ích từ mức độ vừa đến rất lớn, trong khi 23% doanh nghiệp vẫn chưa thấy bất kỳ lợi ích hữu hình nào.
Về đầu tư, các doanh nghiệp EuroCham nhận định, EVFTA chắc chắn đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu. Các nhà đầu tư từ khối Liên minh châu Âu đã rót 28 tỷ Euro vào 2.450 dự án, qua đó nhấn mạnh niềm tin của EU vào tiềm năng của Việt Nam. Đáng chú ý, các nhà đầu tư EU đã bổ sung 800 triệu Euro vào đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2023, đi ngược lại xu hướng FDI đang giảm trên toàn cầu.
Tận dụng thời cơ, hiểu cách thức hoạt động của EVFTA
EVFTA được các doanh nghiệp đánh giá có nhiều lợi ích trên các khía cạnh như giảm thuế quan khi EVFTA loại bỏ thuế quan lên 65% giá trị hàng xuất khẩu của EU kể từ thời điểm hiệp định có hiệu lực, các loại thuế còn lại sẽ được loại bỏ dần trong thập kỷ tiếp theo. Trong khi đó, 71% hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế sau khi EVFTA có hiệu lực. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên hơn 99% trong 7 năm tới. Đồng thời, trong EVFTA, các doanh nghiệp sẽ được tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư, hải quan, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường…
Nhưng đồng thời các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn về tăng trưởng xanh, sở hữu trí tuệ... từ thị trường EU. Ngoài ra, khảo sát BCI của EuroCham cũng đã chỉ ra một số trở ngại mà các doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt khi tận dụng tối đa EVFTA, trong đó có các yêu cầu pháp lý phức tạp và việc chính quyền địa phương không công nhận các tiêu chuẩn quốc tế, cùng các rào cản kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm…
Theo ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, EVFTA chắc chắn đã tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Nên khi bước vào năm thứ 5 của thỏa thuận, điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, thống nhất các tiêu chuẩn và đảm bảo mọi người đều hiểu cách thức hoạt động của EVFTA.
Ngoài ra, EuroCham đang tích cực ủng hộ việc phê chuẩn đầy đủ Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) như một bước quan trọng để mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục chủ động tận dụng cơ hội từ EVFTA, nắm bắt thông tin về thị trường thế giới, các tác động của kinh tế thế giới... Đồng thời, chủ động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm hàng hoá có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường EU.
Nguồn: Hải quan Online
Từ khóa: EVFTA, thị trường EU, tiêu chuẩn
Các tin khác
- Nâng cao vai trò của hiệp hội, ngành hàng trong thực thi Hiệp định CPTPP - 21/06/2024
- “Doanh nghiệp đã tận dụng tốt các lợi thế mà hiệp định CPTPP mang lại” - 20/06/2024
- Nhiều lợi thế cho hàng Việt khi Anh gia nhập CPTPP - 14/06/2024
- Để Hiệp định EVFTA tiếp tục phát huy vai trò tuyến 'đường cao tốc' - 30/05/2024
- Khai thác hiệu quả các FTA góp phần tích cực đẩy mạnh xuất khẩu - 24/05/2024