Bài viết xem xét tác động tiềm năng của thuế quan khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA) được kí kết đối với các ngành xuất nhập khẩu chính của Việt Nam bằng cách sử dụng Mô hình cân bằng cục bộ (GSIM). Khi thuế quan giảm xuống 0%, ngành Giày dép và May mặc có cơ hội lớn từ việc mở rộng thị trường sang khu vực EU. Tuy nhiên, một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu cũng sẽ đổ vào thị trường nội địa, dẫn đến giảm thặng dư nhà sản xuất trong nước và phúc lợi ròng. Kết quả hàm ý Chính phủ nên đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu và doanh nghiệp cần cải thiện khả năng cạnh tranh về mặt công nghệ trong sản xuất.
1. Đặt vấn đề
Hiệp định EVFTA chính thức tuyên bố khởi động đàm phán vào năm 2012 và kết thúc đàm phán vào năm 2015. Đây là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới do mức độ tự do hóa thương mại cao và phạm vi cam kết rộng. Sự kiện Việt Nam ký kết hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ đem lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội mới. Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ hai và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế so sánh. Hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam và EU hiện đang chịu một khoản thuế nhập khẩu khá cao, khi Hiệp định EVFTA được thực thi thì hai bên sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu nhanh và tương đối toàn diện.
Đối với thương mại hàng hoá dịch vụ với EU, Việt Nam cam kết xoá bỏ 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá dịch vụ của EU sang Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 10 năm, hơn 98% số dòng thuế được xóa bỏ, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam, còn lại khoảng 1,7% số dòng thuế gồm các mặt hàng có hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO. Ngược lại, EU cũng cam kết xóa bỏ 85,6% dòng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm dần theo lộ trình tối đa là 7 năm, tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam (Ví dụ: dệt may, giày dép, thủy sản,…) và áp dụng hạn ngạch thuế quan với một số hàng hóa đặc biệt (0,8%) với thuế nhập khẩu xuống 0%. Như vậy, sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, trên 99,2% dòng thuế nhập khẩu sẽ được EU bãi bỏ. Điều này kỳ vọng đem lại nhiều cơ hội thị trường mới cho hàng hóa thương mại của Việt Nam và EU trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều thách thức khi các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu khi rào cản thương mại được dỡ bỏ.
Nghiên cứu đánh giá tác động lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định EVFTA đến các ngành xuất nhập khẩu chính của Việt Nam với EU, từ đó đề xuất hàm ý chính sách cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để có thể tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức mà Hiệp định EVFTA đem lại.
2. Tình hình thương mại giữa Việt Nam và EU
Trong những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển rất nhanh và hiệu quả. Trong vòng 18 năm, từ năm 2000 đến năm 2018, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng hơn 13 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 55,7 tỷ USD năm 2018. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gấp 15 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,8 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 10 lần (1,3 tỷ USD lên 13,8 tỷ USD). Thặng dư cán cân thương mại trong giai đoạn này được cải thiện từ 1,52 tỷ USD vào năm 2000 lên đến 28 tỷ USD vào năm 2018, tăng gấp 18 lần trong 18 năm.
2.1. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU
Ngoài sản phẩm máy móc thiết bị điện, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU chủ yếu là các sản phẩm truyền thống có thế mạnh như: da giày, dệt may, nội thất, thủy sản, máy móc thiết bị - linh kiện; cà phê - trà;…
Hình 1: Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang EU năm 2018
Nguồn: UN Comtrade, 2018
Năm 2018, xuất khẩu ngành Máy móc thiết bị điện (HS 64) đạt kim ngạch lớn nhất (17,8 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 42,6%; Da giày đạt 4,9 tỷ USD, tăng 2% so với 2017; ngành Dệt may (HS 61-62-63) đạt kim ngạch là 4,3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,3%, tăng hơn 16% so với năm trước; Cà phê và hồ tiêu giảm tỷ trọng so với năm trước từ 5% xuống còn 3,6%; Thủy sản (HS 03) vẫn giữ mức tỷ trọng 2%, nhưng có giảm nhẹ 4,7% so với năm 2017 với mức đạt được 0,899 tỷ USD. Mức thuế đánh trên các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU trung bình dao động từ 0 - 22%. Mức thuế quan cao là một trong các nguyên nhân gây bất lợi cho các sản phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
2.2. Nhập khẩu của Việt Nam từ EU
5 nhóm sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất từ EU gồm có: Máy điện và thiết bị điện (HS 85); Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi và Máy móc thiết bị (HS 84); Dược phẩm (HS 30); Dụng cụ thiết bị quang học và phụ tùng (HS 90); Nhựa plastic (HS 39). (Hình 2).
Hình 2: Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ EU trong năm 2018
Nguồn: UN Comtrade, 2018
Năm 2018, giá trị nhập khẩu máy điện và thiết bị điện đạt 3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 22%, tăng 32% so với năm 2017; lò phản ứng hạt nhân và thiết bị (HS 84) đạt 2,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19%, tăng mức giá trị khoảng 23% so năm 2017. Trong khi đó, nhóm dược phẩm (HS 30) đạt 1,7 tỷ USD, tỷ trọng kim ngạch giảm nhẹ 1,5% so với năm 2017 (12,5% so với 14%), Thiết bị quang học và phụ tùng (HS 90) đạt 0,8 tỷ USD, chiếm khoảng 6% như năm 2017; Plastic và các sản phẩm plastic (HS 39) đạt 0,382 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 3% với mức tăng trưởng nhập khẩu không đáng kể so với năm 2017.
3. Phương pháp nghiên cứu
Để đánh giá tác động của lộ trình cắt giảm thuế giữa EU và Việt Nam, bài viết sử dụng mô hình cân bằng từng phần GSIM được phát triển bởi Francois và Hall (2003) để tính toán các thay đổi về thương mại song phương giữa hai bên, phúc lợi về thặng dư nhà sản xuất, thặng dư người tiêu dùng và thay đổi nguồn thu thuế của chính phủ khi Hiệp định có hiệu lực. Dữ liệu nghiên cứu năm 2018 gồm: (1) Giá trị thương mại song phương lấy từ nguồn UNComtrade; (2) Mức thuế nhập khẩu lấy từ nguồn TRAIN; (3) Lộ trình giảm thuế đối với các mặt hàng trong phụ lục đính kèm của Hiệp định EVFTA.
4. Kết quả nghiên cứu
Trên cơ sở lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định EVFTA, nhóm tác giả đưa ra hai kịch bản để mô phỏng tác động tiềm năng của thuế quan đến một số ngành như sau: Kịch bản A: “Hàng rào thuế quan của tất cả các mặt hàng sẽ giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực”. Kịch bản B: “Hàng rào thuế quan sẽ giảm dần trong vòng 7 năm theo lộ trình”. Vì lộ trình giảm thuế tính đều cho các năm, nên mỗi năm thuế quan giảm một tỷ lệ tương ứng là 12,5%/năm. Kết quả tính toán được trình bày như sau:
4.1. Tác động đến giá trị thương mại và ngân sách
Kết quả mô hình GSIM ở cả hai kịch bản đều ủng hộ việc cắt giảm thuế nhập khẩu làm gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể:
Đối với xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU gia tăng đáng kể ở cả hai kịch bản, chủ yếu đến từ các ngành hàng may mặc (HS 61 - 62); Da giày (HS 64); các loại thủy sinh không xương sống (HS 03); Chè, cà phê và gia vị (HS 09). Tổng giá trị xuất khẩu tăng thêm của các ngành này khoảng 115,83 triệu USD đối với kịch bản thuế giảm ngay về 0% hoặc khoảng 13,90 triệu USD đối với kịch bản thuế giảm theo lộ trình. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm “Cá và động vật giáp xác” sang EU tăng nhiều nhất, kế đến là sản phẩm may mặc và giày dép. Tuy nhiên, nhóm hàng nông sản HS 09 lại có giá trị xuất khẩu tăng thêm thấp nhất.
Bảng 1. Sự thay đổi giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU khi EVFTA được thực thi
Đơn vị: triệu USD
Nguồn: Tính toán của tác giả
Đối với nhập khẩu: Cùng với sự gia tăng xuất khẩu ở các ngành thì kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng mạnh, chủ yếu đến từ 4 ngành theo thứ tự giảm dần: Xe cơ giới (HS 87); Động cơ, máy phát (HS 84 - 85); Nhựa (HS 39); Dược phẩm (HS 30); các Thiết bị quang học (HS 90) (xem Bảng 2). Tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm của 6 nhóm sản phẩm trên là khoảng 243,77 triệu USD đối với kịch bản A và 29,26 triệu USD đối với kịch bản B. Chênh lệch về giá trị nhập khẩu tăng thêm ở 2 kịch bản khá lớn, cho thấy khi dỡ bỏ hoàn toàn rào cản thuế quan thì hàng nhập khẩu đổ vào thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh.
Bảng 2. Sự thay đổi giá trị nhập khẩu của Việt Nam sang EU khi EVFTA được thực thi
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Tính toán của tác giả
Đối với nguồn thu ngân sách, việc cắt giảm thuế nhập khẩu cũng khiến nguồn thu ngân sách của Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều ở cả 2 kịch bản (Bảng 2), nhưng ở kịch bản A thì sự sụt giảm nguồn thu ngân sách diễn ra mạnh hơn, giảm 638,74 triệu USD so với kịch bản B (59 triệu USD).
4.2. Tác động của EVFTA đến thặng dư tiêu dùng
Nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu, người tiêu dùng tại Việt Nam được tiêu dùng hàng nhập khẩu với giá rẻ hơn. Tổng thặng dư tiêu dùng từ các ngành khi thuế suất được cắt giảm về 0% theo kịch bản A là khoảng 14,04 triệu USD và 2,04 triệu USD đối với kịch bản B (Bảng 3). Giá trị thặng dư tiêu dùng lớn nhất là sản phẩm ô tô nguyên chiếc (HS 87), chiếm khoảng 90% tổng giá trị thặng dư tiêu dùng của các ngành. Ngành dược phẩm cũng đem lại giá trị thặng dư tiêu dùng cao cho Việt Nam.
Bảng 3. Sự thay đổi thặng dư tiêu dùng của Việt Nam
Đơn vị: Triệu USD
Nguồn: Tính toán của tác giả
4.3. Tác động của EVFTA đến thặng dư sản xuất
Theo kết quả tính toán, tổng giá trị thặng dư sản xuất cho toàn bộ các ngành nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam bị mất đi là 274.349,96 USD. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành vốn không có lợi thế cạnh tranh (Ô tô nguyên chiếc và Dược phẩm) sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ EU. Trong đó, giá trị thặng dư sản xuất mất đi lớn nhất thuộc về ngành dược phẩm (240,90 ngàn USD).
4.4. Tác động khác của EVFTA
Trong khi thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia EU tăng lên khi EVFTA được thực thi thì giá trị thương mại của một số quốc gia khác ngoài khuôn khổ EVFTA với Việt Nam có sự thay đổi giảm đi. Điều này cho thấy có sự chuyển hướng thương mại ngoại khối sang nội khối. Sự gia tăng thương mại giữa Việt Nam và EU xảy ra có thể nhờ vào sự chuyển hướng thương mại này. Trước đây, các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Sau khi EVFTA được thực thi, một phần nhập khẩu của Việt Nam từ các nước này sẽ chuyển hướng sang EU, và tương tự các giao dịch thương mại của các nước này với EU cũng chuyển một phần sang Việt Nam. Bảng 4 trình bày sự sụt giảm thương mại của các quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài khối EVFTA cho thấy Hồng Kông (Trung Quốc), NaUy và Mỹ là 3 thị trường bị sụt giảm thương mại với Việt Nam và EU nhiều nhất.
Bảng 4. Sự sụt giảm thương mại của các quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài khối EVFTA
Đơn vị tính: Triệu USD
Nguồn: Tính toán của tác giả
5. Kết luận và hàm ý chính sách
Xét về tổng thể, EVFTA đem lại tác động tích cực cho các ngành xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu tăng nhờ vào tính cạnh tranh cao hơn về giá xuất khẩu khi cắt giảm thuế quan, nhưng lại đem lại tác động tiêu cực đối với một số ngành nhập khẩu. Điều này thể hiện tổng phúc lợi kinh tế của những ngành này giảm đi vì thặng dư tiêu dùng không đủ bù đắp cho thiệt hại sản xuất và sự sụt giảm nguồn thu ngân sách chính phủ từ thuế quan đối với những ngành này. Mặc dù vậy, phần lớn các sản phẩm nhập khẩu tăng thêm của Việt Nam đều là những sản phẩm trung gian phục vụ cho sản xuất trong nước (máy móc thiết bị, nguyên liệu dược phẩm,…), việc gia tăng lượng nhập khẩu các sản phẩm đầu vào sản xuất từ EU nhờ vào EVFTA cũng có thể là một tín hiệu tốt, tích cực cho các ngành sản xuất trong nước.
Từ kết quả nghiên cứu trên có thể rút ra một số hàm ý chính sách cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp như sau:
5.1. Về phía Nhà nước
Thứ nhất, đa dạng hoá các sản phẩm xuất khẩu: Các sản phẩm vốn có lợi thế so sánh cao như: ngành giày dép và may mặc, các ngành gia công lắp ráp từ các thiết bị linh kiện, ngành thuỷ sản,... đều là các ngành thâm dụng lao động, lợi thế so sánh phần nhiều đến từ lợi thế nhân công giá rẻ. Theo thời gian và xu hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu, lợi thế nhân công giá rẻ không thể kéo dài, vì thế làm giảm đi tính cạnh tranh của những ngành này. Nhà nước nên có chính sách đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu khác hướng đến các ngành thâm dụng công nghệ nhiều hơn nhằm gia tăng lợi thế so sánh dựa vào công nghệ để gia tăng năng suất, bù đắp cho sự giảm dần về lợi thế dựa vào nhân công giá rẻ của Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, duy trì vị trí ưu tiên và mũi nhọn đối với các ngành xuất khẩu chính: Kết quả cho thấy những ngành xuất khẩu được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế như: Giày dép (HS 64), quần áo (HS 62-63), thủy sản (HS 03). Bên cạnh việc đa dạng hóa các ngành thâm dụng công nghệ như đề cập trên, Nhà nước nên duy trì vị trí ưu tiên đối với các ngành này với các biện pháp hỗ trợ tăng cường sử dụng công nghệ thông qua tăng cường hỗ trợ vay vốn với mức lãi suất hợp lý. Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm mục đích chuyển giao công nghệ trong ngành, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực sản xuất nguồn nguyên liệu nội địa. Một mặt đáp ứng nhu cầu đầu vào cho sản xuất trong nước, mặt khác đáp ứng điều kiện xuất xứ để được hưởng thuế quan ưu đãi từ Hiệp định.
Thứ ba, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành nhập khẩu non trẻ: Kết quả mô hình GSIM cho thấy về khía cạnh nhập khẩu, việc cắt giảm thuế quan một mặt gia tăng nhập khẩu đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng mặt khác sẽ tạo nguy cơ cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và sẽ gây bất lợi cho các nhà sản xuất nội địa non trẻ, nhất là đối với cơ khí (HS 87) là ngành được Nhà nước chọn làm ngành ưu tiên phát triển (theo Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 của Bộ Công Thương). Để giảm bớt thiệt hại cho các nhà sản xuất để ngành này phát triển cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nướcnhư: hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp khi cần thiết,...
Thứ tư, tăng cường quảng bá thông tin về Hiệp định cho các doanh nghiệp: Việc hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu giúp họ chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng đón cơ hội và thách thức hội nhập lớn từ Hiệp định là rất quan trọng. Để chuẩn bị tốt khi Hiệp định thương mại được thực thi, doanh nghiệp cần tìm hiểu, tập hợp thông tin về các xu hướng cũng như các cam kết trong Hiệp định có liên quan tới hoạt động xuất khẩu như: thuế suất theo lộ trình, các điều kiện kèm theo thuế suất ưu đãi và các hàng rào kỹ thuật khác.
5.2. Về phía doanh nghiệp
Thứ nhất, hiểu rõ nội dung Hiệp định: Nhằm tận dụng tốt những lợi ích đạt được từ hiệp định, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý nắm bắt kỹ nội dung Hiệp định liên quan đến ngành của mình để có thể tận dụng được các lợi thế thị trường từ việc cắt giảm thuế quan. Bởi các ưu đãi thuế quan thường đi kèm với các điều kiện khác, chẳng hạn các rào cản phi thuế quan như qui tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm,...
Thứ hai, nâng cao chiến lược cạnh tranh theo hướng thâm dụng công nghệ: Các doanh nghiệp nhập khẩu cần lưu ý chuẩn bị tốt và có chính sách chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng công nghệ hoá để có thể cạnh tranh được với sự gia tăng hàng nhập khẩu khi thuế nhập khẩu được cắt giảm theo Hiệp định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Francois, J., & Hall, H. K. (2003). Global simulation analysis of industry-level trade policy. Technical paper, 2. Thống kê Hải quan (2017). Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng năm 2016.
- Trung tâm WTO (2016). Full text of Vietnam - EU Free Trade Agreement (EVFTA). <http://wtocenter.vn/content/full-text-vietnam-eu-free-trade-agreement-evfta/>
- The UNCTAD Trade Analysis Information System (TRAINS). <https://unctad.org/en/Pages/DITC/Trade-Analysis/> (5. The UNComtrade. Cơ sở dữ liệu thống kê thương mại quốc tế. <https://comtrade.un.org/data/> 6. Vollrath, T. L. (1991). A theoretical evaluation of alternative trade intensity measures of revealed comparative advantage. Weltwirtschaftliches Archiv, 127(2), 265 - 280.
ThS. VÕ THỊ NGỌC TRINH (Giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý công - Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh) và CAO BẰNG (Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn: Tạp chí Công Thương
Từ khóa: