Vào ngày 8/6/2020, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) sau gần 10 năm đàm phán. Vào ngày 12/2/2020, Nghị viện Châu Âu đã đồng ý phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Và đến ngày 30/3/2020, Hội đồng Châu Âu đã phê chuẩn EVFTA. Cuối cùng, vào ngày 1/8/2020, thỏa thuận mang tính bước ngoặt này chính thức có hiệu lực. Về phần EVIPA, Chính phủ Việt Nam đã cung cấp cho Phái đoàn EU một công hàm thông báo về việc Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn EVIPA. Hiệp định này còn đang chờ Quốc hội của từng nước thành viên EU thông qua.
Việc thực hiện EVFTA đến nay đã cho thấy nhiều kết quả tích cực. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với cả Việt Nam và EU trong giai đoạn hiện nay khi các nền kinh tế trên khắp thế giới đang phải gánh chịu hậu quả của đại dịch COVID-19. Ví dụ, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 27,65 tỷ USD trong tháng 12/2020, tăng mạnh 55,3% so với tháng 12/2019. Ngoài ra, Bộ Công Thương thông báo đã cấp khoảng 24.000 bộ hồ sơ chứng nhận xuất xứ (C/O) theo EVFTA với kim ngạch gần 1 tỷ USD trong vòng chưa đầy 3 tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Tính đến giữa tháng 1 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 12,9 tỷ USD đối với các mặt hàng sau: điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, giày dép các loại, gỗ và các sản phẩm gỗ, và các mặt hàng thủy sản.
I. Môi trường pháp lý
1. Tiếp cận thị trường chung cho hàng hóa và dịch vụ
EVFTA là hiệp định thương mại và đầu tư toàn diện và đầy tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một nước đang phát triển ở châu Á. Đây là hiệp định thứ hai trong khu vực ASEAN, sau Singapore, và giúp tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU. Việt Nam giờ đây đã được tiếp cận thị trường với khoảng 448 triệu dân và GDP trung bình là 13,918 tỷ USD (ngoại trừ năm 2020 do tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế). Ở chiều ngược lại, các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư từ EU cũng có thêm cơ hội tiếp cận một trong những quốc gia lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong khu vực. Theo một bảng xếp hạng được công bố vào đầu năm 2020 gồm 130 thành phố trên toàn thế giới, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong nhóm 10 thành phố năng động nhất nhờ vào chi phí thấp, thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh, dân số tăng mạnh và đang trong giai đoạn chuyển tiếp hướng tới hoạt động thu hút đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới - tăng trưởng GDP năm 2018 là 7,1%, năm 2019 là 7,0%, và năm 2020 là 2,91%. Mặc dù đây là mức tăng trưởng GDP thấp nhất của Việt Nam trong 10 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng mức tăng trên vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới, đặc biệt là so với các nước láng giềng như Singapore với GDP tăng trưởng âm xấp xỉ -6%.
Ngoài ra, Việt Nam có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất trong khu vực. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam chiếm 13% tổng dân số và con số này dự kiến sẽ tăng lên thành 26% vào năm 2026. Dân số siêu giàu của Việt Nam cũng đang tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác và chắc chắn rằng sẽ còn tiếp tục tăng trong 10 năm tới.
Tiếp cận thị trường hàng hóa
Gần như tất cả thuế quan - trên 99% số dòng thuế - sẽ được xóa bỏ trong 10 năm tới. Phần nhỏ còn lại sẽ được tự do hóa một phần thông qua hạn ngạch thuế quan. Vì là nước đang phát triển, Việt Nam xóa bỏ thuế cho khoảng 65% giá trị hàng hóa xuất khẩu của EU, tương đương khoảng một nửa số dòng thuế, ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được loại bỏ dần trong thập kỷ tới. Đây là đợt xóa bỏ thuế quan sâu rộng chưa từng có đối với một quốc gia như Việt Nam, thể hiện khát vọng hội nhập và quan hệ thương mại sâu rộng hơn với EU.
Trong khi đó, EU đã đồng ý xóa bỏ thuế đối với 84% số dòng thuế và 71% giá trị thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Và sau 7 năm, hơn 99% các dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho Việt Nam. Đây là mức giảm rộng hơn so với 95% số dòng thuế mà các nước TPP trước đây dành cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước đứng đầu về xuất khẩu hàng hóa vào EU. Tuy nhiên, các sản phẩm của Việt Nam vẫn đang chiếm thị phần nhỏ tại EU. Nhờ EVFTA, các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, bao gồm dệt may, da giày và nông sản, từng chịu mức thuế cao từ EU, sẽ được hưởng nhiều lợi ích. EU cũng sẽ là cầu nối để Việt Nam tiếp cận các thị trường khác xa hơn.
Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ EVFTA so với các hiệp định khác, vì Việt Nam và EU được coi là hai thị trường hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Nói cách khác, Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng mà EU không thể hoặc không tự sản xuất được (ví dụ như thủy sản, trái cây nhiệt đới, v.v.) Trong khi đó, các sản phẩm nhập khẩu từ EU cũng là những mặt hàng mà Việt Nam không sản xuất trong nước được, bao gồm máy móc, máy bay, và dược phẩm chất lượng cao.
Với khả năng tiếp cận thị trường tốt hơn đối với hàng hóa từ EU, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy nguồn nguyên liệu, công nghệ và thiết bị của EU với chất lượng và giá cả phải chăng. Điều này sẽ cải thiện chất lượng sản phẩm của chính họ và giảm bớt gánh nặng phụ thuộc quá mức của Việt Nam vào các đối tác thương mại chính khác.
EVFTA được coi là khuôn mẫu để EU tiếp tục ký kết các FTA với các nước khác trong ASEAN với mục đích cuối cùng là ký kết một FTA với ASEAN sau khi có đủ số lượng thỏa thuận quan trọng với các nước ASEAN riêng lẻ. Quá trình này có thể mất khoảng 10-15 năm. Vì vậy, Việt Nam nên tận dụng thời cơ này, trước khi các FTA với các nước trong khu vực được ký kết và có hiệu lực, để trở thành một trung tâm của khu vực.
Tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ EU
Mặc dù các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO được sử dụng làm cơ sở cho các cam kết về dịch vụ trong EVFTA, nhưng trong EVFTA, Việt Nam không chỉ mở thêm các ngành (nhóm ngành) cho các nhà cung cấp dịch vụ EU, mà còn thực hiện các cam kết sâu hơn so với các cam kết trong WTO, mang lại cho EU cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam tốt nhất có thể. Các lĩnh vực (nhóm lĩnh vực) không được cam kết theo WTO nhưng Việt Nam đã thực hiện cam kết trong EVFTA bao gồm dịch vụ Nghiên cứu & Phát triển liên ngành; dịch vụ điều dưỡng, vật lý trị liệu và nhân viên y tế; dịch vụ đóng gói; dịch vụ hội chợ, triển lãm và dịch vụ vệ sinh tòa nhà.
Khi các lĩnh vực này đạt được tiêu chuẩn quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu các dịch vụ chất lượng cao, không chỉ làm tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn nâng cao hiệu quả xuất khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại.
Mua sắm chính phủ
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đầu tư công trên GDP cao nhất thế giới (39% hàng năm từ năm 1995). Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa đồng ý tham gia Hiệp định Mua sắm Chính phủ (GPA) của WTO. Vì vậy, các cam kết về mua sắm chính phủ trong EVFTA là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện.
Các cam kết về Mua sắm Chính phủ trong EVFTA chủ yếu đề cập đến yêu cầu đối xử bình đẳng với các nhà thầu EU hoặc các nhà thầu trong nước có vốn đầu tư của EU với các nhà thầu Việt Nam, khi Chính phủ Việt Nam mua hàng hóa hoặc yêu cầu dịch vụ có giá trị vượt quá ngưỡng quy định. Việt Nam cam kết tuân thủ các nguyên tắc chung về Đối xử quốc gia và Không phân biệt đối xử. Chính phủ sẽ đăng thông tin về dự định đấu thầu và thông tin sau trúng thầu trên Báo Đấu thầu, trên trang thông tin muasamcong.mpi.gov.vn, và trên Công báo một cách kịp thời. Chính phủ cũng phải đảm bảo thời hạn mở thầu đủ để các nhà thầu chuẩn bị và gửi hồ sơ tham gia, đồng thời duy trì tính bảo mật cho các nhà thầu. EVFTA cũng yêu cầu các bên phải đánh giá thầu dựa trên nguyên tắc khách quan, công bằng, và chỉ dựa trên các điều kiện đã được nêu trong thông báo và hồ sơ thầu, đồng thời, tạo ra một cơ chế hữu hiệu để khiếu nại và giải quyết tranh chấp. Các nguyên tắc trên yêu cầu các bên phải đảm bảo các thủ tục đấu thầu của họ phù hợp với cam kết và bảo vệ lợi ích của chính họ, từ đó giúp Việt Nam giải quyết vấn đề gói thầu được trúng bởi các nhà cung cấp dịch vụ giá rẻ nhưng chất lượng thấp.
Giải quyết tranh chấp đầu tư
Vấn đề này hiện được đề cập trong EVIPA. Trong các tranh chấp liên quan đến đầu tư (ví dụ, tước quyền sở hữu mà không có bồi thường hoặc phân biệt đối xử về đầu tư), nhà đầu tư được phép đưa tranh chấp ra Tòa án Đầu tư để giải quyết. Để đảm bảo tính công bằng và độc lập của việc giải quyết tranh chấp, một Cơ quan tài phán thường trực sẽ bao gồm 9 thành viên: 3 công dân được bổ nhiệm từ EU và Việt Nam, cùng với 3 công dân được chỉ định từ các nước thứ ba. Các vụ việc sẽ được xét xử bởi một hội đồng trọng tài gồm ba thành viên do Chủ tịch Cơ quan tài phán lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Điều này cũng nhằm đảm bảo các phán quyết nhất quán trong các trường hợp tương tự, do đó làm cho việc giải quyết tranh chấp dễ dự đoán hơn. EVIPA cũng cho phép hội đồng trọng tài chỉ bao gồm một thành viên duy nhất trong trường hợp nguyên đơn là doanh nghiệp vừa hoặc nhỏ hoặc mức bồi thường cho các khiếu nại bị thiệt hại là tương đối thấp. Đây là một cách tiếp cận linh hoạt khi Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển.
Trong trường hợp một trong hai bên tranh chấp không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài thì có thể khiếu nại lên Tòa phúc thẩm. Mặc dù điều này khác với thủ tục tố tụng trọng tài thông thường, nhưng nó khá giống với cơ chế giải quyết tranh chấp hai cấp trong WTO (Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm). Chúng tôi tin rằng cơ chế này có thể tiết kiệm thời gian và chi phí cho toàn bộ quá trình tố tụng.
Phán quyết cuối cùng có giá trị ràng buộc và có hiệu lực thi hành từ các tòa án địa phương trong thời gian hiệu lực của phán quyết, ngoại trừ khoảng thời gian 5 năm sau khi EVIPA có hiệu lực.
Kết luận
EVFTA đã tạo ra sự tăng trưởng bền vững và lợi ích cho đôi bên trong nhiều lĩnh vực, và chắc chắn đây là một công cụ hữu hiệu để cân bằng quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam. Việt Nam đang không ngừng nỗ lực và tiến bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn cao đặt ra trong EVFTA, và hiện đang mang lại cơ hội lớn hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam. Đã đến lúc các nhà đầu tư nước ngoài phải triển khai các kế hoạch đầu tư, kinh doanh và nắm bắt những cơ hội tuyệt vời này.
Nguồn: Duane Morris Laws Firm - TQ
Từ khóa: EVFTA, EVIPA, tiếp cận thị trường EU, môi trường pháp lý