Trong xu thế tự do hóa thương mại đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam không ngừng nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định EVFTA. Hiệp định này vừa được Quốc hội hai bên phê chuẩn vào năm 2020, dự kiến sẽ tạo ra cú huých giúp cho ngành Dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bài viết phân tích về phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao nhận vận tải của các doanh nghiệp Việt Nam khi Hiệp định EVFTA được thực thi.
1. Đặt vấn đề
Theo Luật Thương mại Việt Nam (2005) “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.
Dựa theo đó, GS. TS. Đoàn Thị Hông Vân (2013) cho rằng, trong lĩnh vực giao nhận vận tải, logistics là một chuỗi các dịch vụ về giao nhận hàng hóa, như làm thủ tục, giấy tờ, tổ chức vận tải, bao bì đóng gói, ghi nhãn hiệu, lưu kho bãi, phân phát hàng hóa đi các địa điểm khác nhau, chuẩn bị cho hàng hóa luôn luôn sẵn sàng ở trạng thái nếu có yêu cầu của khách hàng là đi ngay được.
Như vậy, giao nhận vận tải đóng vai trò vô cùng quan trọng hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là lĩnh vực có hoạt động logistics phát triển còn rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên năng lực cạnh tranh trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có cơ hội để phát triển đầy đủ. Hiệp định EVFTA mà Việt Nam đã ký kết với 27 nước (EU-27) được dự báo sẽ tác động rất lớn đến lĩnh vực này. Vì vậy, bài viết nhằm mục đích phân tích thực trạng về dịch vụ logistics trong giao nhận vận tải ở Việt Nam, giới thiệu sơ lược về Hiệp định EVFTA, phân tích cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp phát triển bền vững dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao nhận vận tải cho doanh nghiệp Việt Nam.
2. Thực trạng dịch vụ logistics trong giao nhận vận tải ở Việt Nam
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện nay đứng thứ 64/160 quốc gia về mức độ phát triển logistics và đứng thứ tư trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ngành Logistics nước ta những năm gần đây có mức tăng trưởng khả quan và ổn định trong khoảng 14-16%, quy mô hàng năm đạt khoảng 40-42 tỷ USD. Số lượng các doanh nghiệp tham gia vận tải và logistics là khoảng 3.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, hiện có 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics,… Đa số các doanh nghiệp trong nước đóng vai trò là các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các công ty, tập đoàn logistics nước ngoài.
Về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 đạt 517,26 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Hàng container qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 67,7 triệu TEU. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao nhận vận tải của Việt Nam là rất lớn.
Trong logistics, vận tải là mắt xích quan trọng nhất, chi phí vận tải luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí logistics. Theo báo cáo Báo cáo logistics Việt Nam 2019, vận tải hàng hóa 8 tháng đầu năm 2019 đạt gần 1.103 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải đường bộ đạt chiếm 76,8% (tăng 10%), đường thủy nội địa chiếm 18% (tăng 5,3%), đường biển chiếm 4,9% (tăng 5,1%) và cuối cùng là đường sắt và hàng không chiếm tỷ trọng nhỏ (tăng khoảng 12%). Theo đó cũng cho ta thấy các ngành dịch vụ vận tải, giao nhận, kho bãi... có sự tăng trưởng khả quan.
Trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, đã có sự tăng mạnh về giao dịch thương mại điện tử - bán lẻ. Bên cạnh đó, theo Báo cáo logistics Việt Nam 2019, thị trường giao nhận sẽ phát triển theo sự bùng nổ của thương mại điện tử vốn được dự báo sẽ có mức tăng trưởng hàng năm vào khoảng 30%. Dự kiến tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 10 tỷ USD. Chính những thay đổi trong thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam sẽ thúc đẩy ngành Logistics trong giao nhận vận tải Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
3. Hiệp định EVFTA - Cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp phát triển logistics trong giao nhận vận tải
3.1. Sơ lược về Hiệp định (EVFTA)
Ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được hoàn tất thủ tục phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày 01/08/2020. Đây là một Hiệp định mang tính toàn diện, có chất lượng cao, có tác động lên hoạt động kinh tế - xã hội Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Hiệp định EVFTA có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển ngành Logistics ở 2 góc độ: (1) cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; (2) cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, thực hiện dịch vụ.
Như vậy, EVFTA được dự báo sẽ có tác động tích cực lẫn tiêu cực đến tương lai của ngành Dịch vụ logistics Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp logistics Việt Nam biết tận dụng cơ hội tốt cơ hội này thì sẽ có sự chuyển mình để phát triển cao hơn.
3.2. Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển dịch vụ logistics trong giao nhận vận tải từ EVFTA
EVFTA dự kiến sẽ tác động mạnh mẽ tới kinh tế vĩ mô nói chung, ngành Dịch vụ logistics, trong đó có lĩnh vực giao nhận vận tải nói riêng của Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hoạt động giao nhận, vận tải, cụ thể như sau:
- EVFTA sẽ giúp thúc đẩy tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và dich vụ giữa Việt Nam với 27 nước EU. Theo đó, sẽ gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường. Điều này làm cho hoạt động giao nhận vận chuyển, kho bãi và các dịch vụ logistics khác của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển.
- Các cam kết ưu đãi về trong Hiệp định EVFTA sẽ tạo ưu thế cho doanh nghiệp logistics Việt Nam trước các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam chưa có FTA với EU.
- Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường dịch vụ logistics lớn, tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm về hoạt động giao nhận vận tải của khối EU, tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
- EVFTA sẽ giúp tăng cường thu hút vốn chất lượng cao từ các nước trong khối EU đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics như phát triển các cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường bộ, đường sắt, các trung tâm logistics, các kho bãi,…
- Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng logistics nhằm đón đầu nhu cầu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao. Thực hiện Hiệp định EVFTA thế hệ mới cũng sẽ tạo động lực cho Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý…, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Dịch vụ logistics Việt Nam phát triển.
Bên cạnh các cơ hội, các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải đương đầu với một số thách thức sau khi thực thi Hiệp định EVFTA:
- EVFTA sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt đối với doanh nghiệp logistics Việt Nam vốn phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thiếu kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp chưa cao, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Bên cạnh đó là sự thiếu liên kết đồng bộ giữa các doanh nghiệp, giữa các công đoạn khác nhau của hoạt động logistics. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam trước các công ty đa quốc gia, các tập đoàn giao nhận vận tải có qui mô lớn trãi rộng khắp toàn cầu, có tiềm lực tài chính mạnh.
- Cơ sở hạ tầng logistics trong giao nhận vận tải của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chi phí giao nhận vận tải cao hơn nhiều so với các nước. Bên cạnh đó, các chính sách của Việt Nam hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Với EVFTA, các cam kết mở cửa của Việt Nam sẽ mạnh hơn, cạnh tranh từ các doanh nghiệp khu vực này với doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa.
- Nguồn nhân lực cũng là một thách thức không nhỏ khi thực thi EVFTA. Hiện nay, nhân lực trong lĩnh vực logistics của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của các công ty, tập đoàn nước ngoài cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết nhân lực logistics được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, số lượng được đào tạo chính quy chưa nhiều; kỹ năng tiếng Anh về vận tải, logistics, kiến thức chuyên môn,… còn hạn chế.
- Theo các chuyên gia logistics, thị trường EU-27 đã có sẵn các đối thủ cạnh tranh mạnh, khách hàng EU-27 thường có yêu cầu rất cao về chất lượng dịch vụ với các ràng buộc cao về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics. Vì vậy, khả năng tiếp cận thị trường của 27 nước thuộc khối EU của doanh nghiệp Việt Nam có thể là không lớn.
4. Một số giải pháp cho doanh nghiệp logistics
- Các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt kỹ các ưu đãi, quy định trong Hiệp định EVFTA để có kế hoạch điều chỉnh, cải tiến phương thức giao nhận vận tải nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
- Chủ động liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp giao nhận vận tải với nhau, tích cực chia sẻ lợi thế, kinh nghiệm về logistics trong giao nhận vận tải nhằm cắt giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh ngành.
- Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị logistics, dành kinh phí cho việc đào tạo nguồn nhân lực logistics có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu khó tính của khách hàng EU-27,…
- Ở tầm vĩ mô, nhà nước cần rà soát cắt giảm các loại thuế, chi phí logistics; tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý logistics theo hướng minh bạch, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực logistics,… theo xu thế phát triển, hội nhập hiện nay.
5. Kết luận
Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau tác động sâu sắc của đại dịch COVID 19. Nếu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tận dụng tốt cơ hội có được từ Hiệp định thì hoạt động logistics của doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển mạnh và bền vững. Theo đó, ngành Logistics nói chung, giao nhận vận tải nói riêng của Việt Nam sẽ có thể đủ sức vươn ra biển lớn.
NGUYỄN QUỐC THÁI - HUỲNH THIÊN QUÂN (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)
Nguồn: Tạp chí Công Thương
Từ khóa: EVFTA, kế hoạch điều chỉnh, phương thức giao nhận vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực chia sẻ lợi thế