Công ty cho thuê sân khấu tổ chức sự kiện uy tín tại Hà Nội. Công ty cho thuê backdrop uy tín tại Hà Nội - nhiều mẫu mã đẹp. Dịch vụ chữa tắc tia sữa tại nhà, cam kết hiệu quả 100%. Công ty cung cấp, cho Thuê người đại diện cưới hỏi toàn quốc.

Menu
Chuyên đềHiệp định đã ký kếtCộng đồng kinh tế ASEANĐại sứ Phạm Quang Vinh: ASEAN cần 3 chuyển đổi lớn để không tụt hậu

Đại sứ Phạm Quang Vinh: ASEAN cần 3 chuyển đổi lớn để không tụt hậu

ASEAN40 01

Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam (2007-2014) - nhận định, để không bị tụt hậu, ASEAN cần thực hiện 3 chuyển đổi lớn là chuyển đối số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi sạch.

- Thưa Đại sứ, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan được tổ chức ở Campuchia từ ngày 10-13.11 diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức như thế nào?

- Các Hội nghị ASEAN diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều chuyển động căn bản, trong đó có những thách thức lớn và đan xen cả cơ hội.

Đại dịch COVID-19 hơn 2 năm qua để lại nhiều hệ luỵ, các nước đều gặp khó khăn kinh tế, dù đã bắt đầu phục hồi nhưng chưa vững chắc thì đã phải đối diện ngay với lạm phát, giá cả gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng về lương thực, thực phẩm, năng lượng.

Trong nội khối ASEAN, rõ ràng hơn 2 năm qua dù ASEAN giữ vững hoạt động của mình, nhưng mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng đứng trước những trở ngại lớn.

Bên cạnh đó, câu chuyện liên quan thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai dịch bệnh, cùng những thách thức khác liên quan đến Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên cũng có những phức tạp mới.

Ngoài ra, câu chuyện địa chính trị về cạnh tranh nước lớn gay gắt thêm. Những nước lớn này đều là đối tác của ASEAN, tạo ra sức ép về việc hợp tác với tất cả đối tác mà không chọn bên.

Cục diện chung có nhiều thách thức, nhưng cũng đan xen nhiều cơ hội, đặt ra cho ASEAN phải lựa chọn như thế nào để vừa ứng phó được thách thức mà vẫn tranh thủ được cơ hội.

- Trước những thách thức đó, các Hội nghị ASEAN lần này tại Campuchia có ý nghĩa và tầm quan trọng thế nào, thưa Đại sứ?

- Thứ nhất và đáng chú ý nhất, đây là loạt hội nghị đầu tiên ở cấp cao mà các nước họp trực tiếp sau gần 3 năm, không chỉ giữa ASEAN mà còn giữa ASEAN với các đối tác. Rõ ràng đây là cơ hội để thúc đẩy tham vấn, xây dựng chương trình hành động và hợp tác. Không tranh thủ được cơ hội lần này sẽ rất phí.

Thứ hai, lần này có rất nhiều hội nghị quan trọng. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 không chỉ tổng kết năm Chủ tịch ASEAN của Campuchia, không chỉ kiểm điểm lại những ưu tiên của ASEAN mà còn phải định hướng cho ASEAN phát triển trong thời gian tới, bao gồm cả tầm nhìn sau 2025 và xử lý các thách thức mới đang đặt ra.

Thứ ba, lần này ASEAN sẽ họp cấp cao với 11 đối tác, bao gồm cả Anh, cộng với các hội nghị ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á. Các hội nghị sẽ bàn luận về những vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế ở khu vực. Dự kiến ASEAN sẽ nâng quan hệ với Mỹ và Ấn Độ lên đối tác chiến lược toàn diện trong dịp này.

Thứ tư, trước những bối cảnh phức tạp, ASEAN không phải chỉ thích ứng với những thay đổi bên ngoài nữa, mà rõ ràng ASEAN cần chủ động có quyết sách để ứng phó được những thách thức và tranh thủ cơ hội để cùng phát triển.

- Thưa Đại sứ, đâu là những ưu tiên của ASEAN trong thời điểm này?

- Theo tôi, trước hết ASEAN cần phải đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển. Đây là mấu chốt cực kỳ quan trọng trong bối cảnh có cạnh tranh nước lớn và các vấn đề an ninh khác.

Quan trọng nhất với ASEAN chắc chắn là đẩy mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, cùng hợp tác trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và phát triển cùng có lợi, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, vì các vấn đề toàn cầu giờ đây không một nước nào có thể tự giải quyết mà đòi hỏi phải có hợp tác quốc tế. Để đảm bảo môi trường như vậy, ASEAN càng phải đoàn kết để nhân lên tiếng nói của mình.

Ưu tiên thứ hai là xây dựng Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 với các tiêu chí cho 3 trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế và văn hoá - xã hội... Đây là dịp ASEAN kiểm điểm những gì đã đạt được hoặc chưa đạt được trong bối cảnh đại dịch.

Một yêu cầu cực kỳ cấp bách là phải phục hồi sau đại dịch, đòi hỏi mỗi nước ASEAN vừa phải tự mình có quyết sách, vừa phải thúc đẩy hợp tác trong nội khối, vừa phải tranh thủ nỗ lực trong hợp tác với các đối tác.

Những sáng kiến của ASEAN, kể cả từ thời Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 đến nay như Khung phục hồi, Khung hợp tác hậu đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, thì dịp này cần chia sẻ trong ASEAN và chia sẻ với các đối tác.

Câu chuyện kết nối và tranh thủ FTA trong khu vực, các sáng kiến về hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng là cực kỳ quan trọng. RCEP đầu năm nay có hiệu lực, trong khu vực có nhiều sáng kiến của các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc... cần được ASEAN lồng ghép vào phát triển trong khu vực cũng như trong xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Thứ ba, ưu tiên của ASEAN trong bối cảnh hiện tại là củng cố đoàn kết, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN. Để làm được điều đó, trước hết phải thống nhất những vấn đề ưu tiên của khu vực, về những nguyên tắc mà ASEAN đã đề ra trong quan hệ với các bên đối tác, nhất là khi các nước lớn có cạnh tranh với nhau. Bên cạnh đó, ASEAN phải chủ động xây dựng chương trình nghị sự và tham vấn với các nước đối tác để có kế hoạch hành động.

Liên quan đến các vấn đề an ninh trong đó có Biển Đông, Mekong và những vấn đề khác, quan trọng nhất là không được làm phức tạp thêm tình hình và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Các nước đối tác của ASEAN đều công nhận và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), trong đó có những nguyên tắc chỉ đạo về quan hệ, cho nên càng lúc này càng phải nhấn mạnh câu chuyện dựa trên luật lệ, giải quyết hoà bình các tranh chấp.

Điểm cuối cùng, chắc chắn trong những ưu tiên lần này, ASEAN cần chủ động, định hướng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, không chỉ bàn sau năm 2025 sẽ làm gì, mà phải cập nhật tình hình mới, để lồng ghép vào chương trình mục tiêu sau 2025.

Có nhiều vấn đề đặt ra trong chặng đường phát triển và kết nối của ASEAN với thế giới mà ASEAN phải tiếp cận nếu không muốn tụt lùi và lạc hậu, gồm 3 chuyển đổi lớn là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi sạch, cả về thương mại, kinh tế, khoa học công nghệ...

Tất cả những câu chuyện đó ASEAN vừa qua đã làm nhưng chưa theo kịp các bước phát triển của thế giới và cách mạng khoa học công nghệ. Do đó, chắc chắn 3 chuyển đổi này sẽ phải là những mục tiêu cao hơn của ASEAN từ nay đến năm 2025 và sau 2025.

Thời gian vừa qua đã cho ASEAN những bài học về mô hình phát triển dựa trên khoa học công nghệ và chất xám, cũng như bài học về đa dạng hoá và bảo đảm cung ứng. Đây là câu chuyện mà ASEAN phải làm. Để đảm bảo tính bền vững và đa dạng hoá, cần phải hợp tác với các đối tác để xây dựng chuỗi cung ứng chất lượng cao.

- Đại sứ đánh giá thế nào về sự tham gia của Việt Nam trong ASEAN?

- Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 10 đến 13.11.

Việt Nam nhất quán trong chính sách đối ngoại là ưu tiên ASEAN, thúc đẩy đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN và hợp tác của ASEAN với các đối tác. Việt Nam chắc chắn sẽ có những đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại các Hội nghị ASEAN lần này.

Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ nhấn mạnh về xây dựng Cộng đồng ASEAN, sau năm 2025 ASEAN phải phát triển hơn nữa, tiếp cận công nghệ mới để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi sạch.

Bên cạnh đó, Việt Nam chắc chắn sẽ nhấn mạnh các nguyên tắc của ASEAN liên quan đến hoà bình, hợp tác, phát triển ở khu vực, trong đó có quan hệ với các nước, làm sao để hợp tác với các nước lớn nhưng không chọn bên mà chọn tiếng nói của lẽ phải, dựa trên luật pháp quốc tế và lợi ích chung của khu vực. 

Việt Nam dự kiến cũng sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông, dựa trên những nguyên tắc đã có của ASEAN là hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), đối thoại xây dựng lòng tin, không làm phức tạp thêm tình hình, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả.

Nhân các hội nghị lần này, Thủ tướng chắc chắn sẽ chia sẻ đường hướng, chính sách đối ngoại của Việt Nam, kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch, ứng phó với các thách thức về kinh tế để phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Nguồn: Báo Lao động Việt Nam

Từ khóa: ASEAN

Thư viện hội nhập

thu vien


phong ve thuong mai

Video

Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field
Field

Liên kết

 

Lượt truy cập

007387926
Go to top